Suy Niệm Thư Thánh Phaolo Chúa Nhật Lễ Lá
TRÚT BỎ VINH QUANG, SỐNG THÂN NÔ LỆ
============================== Pl 2:6-11
Danube là tên một dòng sông đặc biệt ở Âu Châu trải dài 2.850 km chảy qua 10 quốc gia: Đức, Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia, Rumani, Bulgary, Moldova và Ukraina trước khi chảy ra Hắc Hải(Biển Đen). Vốn được coi là con sông mẹ của đại lục này, sông Danube có đoạn đẹp nhất và diễm lệ nhất qui tụ ngay trung tâm thành phố Budapest. Nó chia thủ đô nước Hungary thành hai phần: bên trái Buda gồm những tòa lâu đài tuyệt diệu như trong chuyện cổ tích, bên phải Pest là đồng bằng với bao tòa nhà cổ kính được xây dựng từ thế kỷ XIX, thời đế chế Áo-Hung.
Chuyện xảy ra vào mùa Xuân 1944. Những đoàn tàu chở người Do Thái bị bắt mang đến trại tập trung Auschwitz (Ba Lan) mỗi ngày một nhiều. Lò thiêu sinh hoạt động hết công sức nhưng vẫn thiêu không kịp số tù nhân được chuyển đến. Khi ấy ở quốc gia Hungary còn rất nhiều người Do Thái mà Đức Quốc Xã muốn diệt chủng. Nhóm sĩ quan phát xít quyết định không đưa họ sang Ba Lan hành quyết
nữa nhưng đưa các người Do Thái vô tội ấy đến bờ sông Danube ngay tại thành phố Budapest.
Các tù nhân 20 người buộc thành chùm, lột bỏ quần áo, bị trói chặt khuỷu tay lại, đoạn họ bắn một người, khi kẻ ấy ngã xuống thì toàn bộ những người còn lại bị trói chung sẽ rớt theo xuống dòng sông.
Ngày nay khi du khách đến thăm thành phố Budapest, họ chú ý một công trình mang tên The Shoes on the Danube Bank, tưởng nhớ những nạn nhân Do Thái bị bắn chết tại bờ sông Danube xưa. Đó là một
tượng đài ghi lại hình ảnh 60 đôi giầy sắt đã hoen rỉ, bên cạnh những cánh hoa tươi, khô héo…lẫn lộn.
Công trình ấy như khơi lại nét ám ảnh sinh động về nạn diệt chủng người Do Thái bởi bọn phát xít Đức gây ra. Khi dựng lên tượng đài này, nhà điêu khắc Gyula Pauer muốn nhấn mạnh cho thế giới biết rằng: các người Do Thái vô tội đã chết oan ức, sẽ không bao giờ bị lãng quên. Quả thật, Do Thái là một đất nước hào hùng đã sản sinh cho nhân loại biết bao nhà khoa học tài ba. Vinh quang của một sắc dân được Thiên Chúa chọn là dân riêng thuở xưa, đã một thời lâm cảnh bất hạnh. Hàng triệu người bị bắt làm nô lệ bởi lệnh truy nã tàn sát khát máu của lãnh tụ Adolf Hitler và bọn sĩ quan Phát xít Đức.
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng xưa kia cũng không ngại trút bỏ vinh quang nơi trời cao và vui nhận thân phận làm người như một tôi tớ nô lệ, thấp hèn nhằm thực hiện công cuộc cứu độ toàn
thể nhân loại. Song le, khác hẳn với dân tộc Do Thái vốn bị xử ép làm nô lệ chết đau đớn trong lò thiêu sinh Auschwitz, Chúa Giêsu đã tự do trút bỏ vinh quang mình có, hy sinh mặc kiếp phàm nhân, sống phục vụ con người và chết như một tôi tớ đau khổ của Giavê. Trong tâm tình ấy, ta cùng suy niệm:
1. Vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa.
2. Chúa trở nên giống phàm nhân, mặc lấy thân nô lệ.
3. Chúa đã hy sinh mọi sự vì tình yêu nhân loại.
A.Vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa.
Khi tham dự việc cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh này, ta cảm động hồi tưởng một Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống quyền uy cao cả bị nhóm lãnh tụ tôn giáo Do Thái bắt bớ, hành hạ, xét xử, lên
án như một tội nhân. Thật ra trước đó, Ngài có đủ mọi vinh quang huy hoàng trên trời cao nhưng lại tự hạ sống làm người, đón nhận mọi đớn đau xỉ nhục của thân phận phàm nhân.
Vậy, đâu là những vinh quang mà Đức Giêsu Kitô đã thể hiện, được thiên hạ muôn đời cung kính?
1. Thầy Dạy tuyệt vời:
Nhiều người trong hội đường Capharnaum khi nghe Chúa giảng dạy, họ sửng sốt về lời Ngài giảng, bởi Ngài “giảng dạy như Đấng có uy quyền” (Mc 1:22). Họ luôn miệng hỏi nhau: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những việc lạ như thế?” (Mt 13:54). Đúng vậy:
• Chúa không dạy như các kinh sư: Các kinh sư thường quen tiếp nhận kiến thức từ Thầy dạy, kín múc thêm tư liệu từ sách vở => họ chỉ truyền đạt những gì họ đã lĩnh hội được.
• Đang khi ấy, Chúa giảng dạy tự trong thần trí Ngài đã có, không cần học hỏi một ai.
2. Vị Lương Y đại tài:
Chúa phán: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau yếu mới cần” (Mt 9:12). Suốt ba năm giảng dạy giữa dân chúng, Đức Giêsu Kitô đã có biệt tài hơn cả một thầy thuốc:
• Chúa chữa lành bao bệnh tật thể lý: mù lòa, đui què, câm điếc, phong hủi, bại liệt, kinh phong, loạn huyết, ngọng ngịu…
• Chúa xua tan, trừ khử mọi bệnh tật tinh thần: điên loạn, quỷ ám, cứng tin, yếu tin…
3. Bậc tri thức siêu phàm: Là Ngôi Hai Thiên Chúa quyền uy, “tư tưởng và đường lối của Đức Giêsu Kitô luôn cao hơn tư duy và phương thức giải quyết của người phàm” (Is 55:9).
• Chúa thấu rõ tâm trạng sám hối chân thành của tội nhân: Giakêu, người thu thuế…
• Chúa biết rõ ý định thâm sâu trong lòng người: nơi các tông đồ, nhóm Biệt Phái…
• Chúa thấy trước mọi việc sẽ xảy đến: số phận Giêrusalem, tiên báo cuộc khổ nạn Ngài..
4. Đấng Toàn Năng vô biên:
Có một lần Đức Giêsu Kitô đã trả lời các môn đệ: “đối với loài người thì điều ấy không thể làm được nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19:26). Thật vậy, thiên sứ Gabriel cũng đã xác tín: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37).
• Chúa chế ngự thiên nhiên dễ dàng: biển động, sóng gầm, đi trên mặt nước nhẹ nhàng…
• Chúa tiêu diệt ác thần, Satan mạnh mẽ: trừ quỷ ám, ra lệnh thần ô uế xuất ra khỏi…
• Chúa làm chủ sinh mệnh con người: cho kẻ chết sống lại, cho trộm lành hưởng đời sau..
• Chúa quyết định mọi số phận đời sau cho từng cá nhân: nhà phú hộ ở dưới vực thẳm, người đầy tớ vô dụng không sinh lợi nén bạc Chủ trao cho… Quả thật, Chúa là “Đấng có quyền tiêu diệt cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục” (Mt 10:28).
B. Chúa trở nên giống phàm nhân, mặc lấy thân nô lệ.
Sau khi Adam Eva phạm tội bất trung, Thiên Chúa liền xua đuổi hai ông bà ra khỏi vườn địa đàng, khiến họ sống lầm than vất vả. Song le vì thương xót nhân loại, “Thiên Chúa lại sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3:17). => Bởi đó, Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, đã không ngại “trút bỏ vinh quang trời cao, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2:7).
1. Chúa giáng trần trong máng cỏ, không tìm được chỗ trọ ổn định ở Bêlem (Lc 2:7).
2. Chúa sống ẩn dật trong nghèo nàn vô danh: “tại Nazareth, nào có cái gì hay đâu?” (Ga 1:46).
3. Đi rao giảng Tin Mừng, cuộc sống của Chúa luôn thiếu hụt, không an cư thoải mái.
• “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không chỗ tựa đầu” (Lc 9:58).
• Các môn đệ theo Chúa đói bụng, phải bứt bông lúa mà ăn (Mc 2:23).
• Chúa nhờ Phêrô ra biển câu cá, lấy tiền nộp thuế cho cả Thầy và Trò (Mt 17:27).
• Dịp lễ Vượt Qua, Chúa sai môn đệ đi vào thành nhờ một gia đình cho các Thầy Trò mượn một phòng rộng rãi trên lầu để dọn tiệc mừng lễ (Mc 14:13-16).
• Chết trên thập giá, gia đình Chúa phải mượn huyệt đá đục sẵn của ông Giuse Arimathê, làm nơi chôn cất và táng xác Chúa vào trong đó (Lc 23:53).
4. Chúa bị người Do Thái lùng bắt và đưa ra Tòa chịu xét xử bất công, không luật sư bênh vực.
• Họ luôn tìm chứng gian, vu oan cáo vạ, để buộc tội, lên án tử cho Chúa (Mt 26:59-61).
• Họ nhạo báng, đánh đập, bịt mắt, nói phạm (Lc 24:63) vả vào mặt Chúa (Ga 18:22).
• Họ nhẫn tâm đòi tha tội một tên cướp mà lên án Chúa không thương tiếc (Ga 18:40).
• Quan tổng trấn Philato không tìm ra lý do chính đáng nào để kết tội Chúa nhưng nhóm lãnh đạo Do Thái áp lực, đe dọa quá mức, quan đành lên án tử cho Chúa (Ga 19:12-16).
5. Chúa đón nhận bao hình phạt thảm thương trên đường thánh giá.
• Suốt đọan đường đến nơi thọ hình, Chúa vác một thập tự nặng nề vượt quá sức mình.
• Trên núi Sọ, áo quần Chúa bị tước đoạt lột bỏ, chân tay bị đóng vào thân gỗ đau đớn.
• Đầu Chúa bị quấn gai nhọn, miệng Chúa khát nước: họ xử quá tàn nhẫn, vô nhân đạo.
• Giữa cơn hấp hối, Chúa sinh thì trong cô đơn lạnh lẽo, tín thác mọi sự cho Chúa Cha. Rõ ràng: Chúa đã giáng sinh trong nghèo hèn và qua đời trong cùng khổ chẳng khác chi phận nô lệ.
C. Chúa đã hy sinh mọi sự vì tình yêu thương nhân loại.
Vào lúc 1:53 pm thứ Ba 07/5/2019, một vụ nổ súng giết người đã xảy ra tại trường trung học STEM ở Highlands, thành phố Denver, bang Colorado (Hoa Kỳ). Tên sát nhân đã vào trường đem vài khẩu
súng ngắn và một khẩu tiểu liên tự động, bước vào một lớp học. Thấy sự nguy hiểm xuất hiện, anh Kendrich Ray Castillo (18 tuổi) đã nhanh trí lao mình vào hung thủ tên Devon Erickson, dồn ép hắn ta vào góc phòng để các bạn trong lớp đủ thời gian trốn chạy ra ngoài…
Trong lúc giằng co, hắn đã bóp cò nổ súng và Kendrich Castillo bị trúng đạn. Cậu gục chết ngay tại chỗ khi chỉ còn ba ngày nữa sẽ tốt nghiệp Trung Học lớp 12. Sự việc xảy ra quá bất ngờ gây hoang mang cho cộng đồng cư dân địa phương. Được biết Kendrick Castillo là một cậu Giúp Lễ tại nhà thờ Notre Dame của thành phố Denver, CO. Nhiều người nói “nếu không có sự can đảm của chú Giúp Lễ ấy, thì con số tử vong cũng như thương vong trong vụ nổ súng sẽ lớn hơn rất nhiều. Ngày 09/5/2019, các Giám Mục Hoa Kỳ đã vinh danh Kendrick Ray Castillo tại nhà thờ Notre Dame long trọng.
Anh đã can đảm hy sinh tính mạng mình, sẵn sàng thí mạng sống mình thay cho các bạn học.
Được giáo dục đức tin tốt lành trong Giáo Hội, Kendrich Castillo biết quí trọng sự sống từng con người. Anh không muốn nhiều người phải chết oan vì hành động ngu xuẩn của tên gian ác.
1. Đức Giêsu Kitô chính là mẫu gương hy sinh cao cả cho đời sống đạo của Kendrich Castillo.
• Ngài đã yêu thương nhân loại cho đến cùng qua cái chết trên thập giá.
• Ngài không muốn con người phải bị trầm luân muôn thuở trong án phạt đời đời.
• Ngài chết trên thập tự để cứu thoát con người khỏi ách nô lệ do Satan thống trị.
2. Theo chân Đức Giêsu Kitô, các Thánh cũng hy sinh chịu đau khổ vì yêu mến Chúa.
• Họ dâng hiến cả cuộc đời, để sống cho Thiên Chúa và giúp thánh hóa các linh hồn.
• Họ dấn thân phụng sự hết mình, vì thấy Chúa ở trong anh chị em tha nhân bất hạnh.
• Họ cam chịu gian khó, chấp nhận mọi thử thách, thậm chí sẵn sàng đổ mồ hôi nước mắt để làm sáng danh Chúa, mưu ích cho đồng loại.
3. Trong Tuần Thánh, khi suy ngắm các Sự Thương Khó Chúa Giêsu, người kitô hữu:
• Quyết tâm xa tránh mọi xấu xa, để khỏi vướng vào vòng nô lệ tội lỗi của ma quỷ.
• Chịu đựng đau đớn trong đời, để chia sẻ vác thập tự với Chúa (như ông Simon Cyrene).
• Sống đạo tích cực, tham dự đầy đủ các buổi cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh này.
• Kín múc Ơn Thánh tìm vinh quang trong Chúa, thay vì đắm mình lầm lũi đam mê vào những lạc thú chóng qua, phi luân lý, bất chính… làm nô lệ cho Satan muôn đời…
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!! Hôm nay, Chúa lên Giêrusalem chịu khổ hình thập giá để cứu độ nhân loại và bước vào vinh quang bất diệt.
Xin giúp con kiên trì vượt qua mọi thử thách gian nan trong đời sống đạo của mình, hầu có thể dấn thân, trung thành đi theo Chúa cho đến phút cuối cuộc đời.
AMEN.
=========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.