Suy Niệm Phúc Âm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống A
CÁC CON THA TỘI AI, TỘI NGƯỜI ẤY ĐƯỢC THA
================================ (Ga 20:19-23)
Thầy Gioan Nepomuk, người Tiệp Khắc, sinh năm 1345, sau khi thụ phong Linh Mục năm 1380, được ĐGM Giáo Phận Praga sai đi phục vụ ở nhà thờ St.Gallus, đặc trách mục vụ cho những di dân Đức ở Praha. Vốn trí thông minh, Bề Trên đã gửi cha đi học giáo luật ở Padua (Italy), sau đó ngài trở lại Tiệp Khắc làm cố vấn giáo luật và là đại diện Giám Mục ở GP. Praha. Với tài hùng biện xuất sắc và kiến thức uyên bác, cha đã cùng với Đức Cha giáo phận mạnh mẽ phê bình các lạm dụng và sai phạm của Vua
Wenxel IV cùng các quan chức trong triều đình thời bấy giờ.
Điều đó làm nhà Vua tức giận, mối giao hảo giữa thế quyền và thần quyền tại Tiệp Khắc ngày một căng thẳng. Đang khi ấy, hoàng hậu của vua Wenzel IV lại chọn cha Gioan Nepomuk làm cha giải tội cho bà.
Nhà Vua thường xuyên đòi hỏi Cha tiết lộ những tội mà hoàng hậu đã xưng ra. Song le, cha cương quyết từ chối vì muốn bảo vệ ấn tín tòa giải tội. Tức giận vị linh mục không tuân theo mệnh lệnh của mình, kèm theo mâu thuẫn sẵn có trước đó, vua Wenzel liền ra lệnh trói Cha lại, ném ngài từ trên cầu xuống sông Moldau khiến cha bị chết đuối năm 1393.
Toàn thể giáo dân Praha liền tức giận khi nghe tin ấy, họ tôn kính Cha Gioan như một vị thánh tử đạo.
Đầu thế kỷ XV, Đức Cha TGP. Praha cho tiến hành làm hồ sơ xin phong thánh cho Cha. Mãi ba thế kỷ sau đó, năm 1721, cha Gioan Nepomuk mới được ĐGH Innocente XIII chính thức tôn phong vào hàng ngũ Các Thánh và đặt ngài làm Bổn Mạng chung cho các cha linh hướng và các cha giải tội. Mỗi dịp du lịch sang Tiệp Khắc, du khách thường đến cầu Karlbruck (quen gọi là cầu Tình) chú ý một vị trí có dấu Thánh Giá trên thành cầu: họ biết đó là nơi cha Gioan bị ném xuống sông và tử đạo tại nơi ấy.
Hôm nay, mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội cho ta nghe lại bài Phúc Âm diễn tả việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần đầu tiên với các tông đồ. Ngài thổi hơi và ban Thần Khí trên các ông:
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha” (Ga 20:22-23).
• Chúa Thánh Thần là Thần Khí ban sự sống thần linh, là mạch nước vọt lên đưa ta tới sự sống đời đời. Kẻ tin vào Chúa, dù đã chết trong tội cũng được tái sinh trong ân sủng cứu độ của Chúa.
• Linh mục Gioan Nepomuk hết lòng bảo vệ ấn tín tòa Giải Tội đến nỗi chết vì bất tuân lệnh Vua. Chúa ân thưởng cha ngự tòa cao vinh hiển, ban phúc cha được sống vĩnh cửu bên Ngài mãi mãi.
Ta cùng suy niệm: 1. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng khoan dung và tha thứ.
2. Chúa Giêsu ban đặc quyền Tha Tội cho các tông đồ.
3. Chúa Thánh Thần hoạt động thường xuyên trong Giáo Hội.
A. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng khoan dung và tha thứ.
Con người nhân vô thập toàn. Ông William Arthur Ward, nhà giáo dục Hoa Kỳ, có nói: “Phạm phải sai lầm là con người, vấp ngã là chuyện bình thường”. Thế nên, tự biết mình sai sót mà thực tâm sửa lỗi, mới xứng bậc hiền nhân. Chúa Giêsu đã dạy thánh Phêrô: “Khi anh em có xúc phạm đến con, Thầy không bảo là con tha bảy lần, nhưng là tha bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Tha thứ hoài, tha mãi mãi, tha luôn luôn; bởi lẽ Yêu Thương là giới răn của Chúa, Đấng giàu lòng khoan dung và nhân ái.
1. Giakêu vị thủ lãnh thu thuế ở Giêricô bị đồng hương ghen ghét, cho ông là người tội lỗi. Ông khao khát được thấy Chúa và ăn năn sám hối, Chúa ban ơn cứu độ cho gia đình ông (Lc 19:9).
2. Người đàn bà tội lỗi bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chị xấu hổ về tội mình đã phạm. Chúa không lên án ném đá Chị nhưng mong Chị cải tà qui chính, đừng phạm tội nữa (Ga 8:11).
3. Chị phụ nữ tội lỗi vào nhà ông Simon quỳ bên chân Chúa khóc lóc thành tâm hối cải. Thấy rõ chị có lòng mến chân thành thống hối, Chúa tha tội cho Chị hoàn toàn sạch sẽ (Lc 7:48).
4. Đi trên mặt nước đến với Thầy, thánh Phêrô yếu tin và hoài nghi ơn Chúa giúp, ông suýt bị chết chìm. Chúa giơ tay nắm lấy Phêrô giúp ông được an toàn và trách ông kém tin (Mt 14:31).
5. Anh em Giacôbê và Gioan tức giận xin Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân Samaria vì họ thờ ơ không tiếp đón Chúa. Chúa quở trách và sửa sai các ông (Lc 9:53-55).
6. Anh trộm lành bị án tử, sám hối xin Chúa cứu giúp. Chúa cho nước Trời ngay lập tức (Lc 23:43).
7. Người cha hiền có đứa con bị kinh phong, quỷ nhập vào nó gây đau đớn. Ông đến xin Chúa cứu chữa con mình nhưng lại kém lòng tin. Chúa trách ông hãy vững tin hơn (Mc 9:22-24).
8. Đứng khép nép cuối đền thờ cầu nguyện, người thu thuế tội lỗi tự ti đấm ngực mình mong được Chúa tha thứ. Chúa thấu hiểu lòng sám hối chân thành, giúp ông nên công chính (Lc 18:13-14).
9. Người con thứ vụng dại, ăn chơi tiêu xái phung phí gia tài của Cha. Sau hối hận, anh xưng thú lỗi lầm mong Cha xá tội. Người cha đã ôm chầm quên hết mọi tội anh đã phạm (Lc 15:20-24).
Rõ ràng, Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân ái với các tội nhân. “Trước mặt Chúa, con người đều là kẻ có tội.
Bởi thế, mỗi kitô hữu cần cầu xin Chúa thứ tha các món nợ, các tội lỗi mình đã phạm. Ngay cả người thánh thiện nhất cũng không ngừng là người mắc nợ Chúa. Lạy Chúa! Xin thương xót chúng con” (Đức Giáo Hoàng Phanxico chia sẻ tâm tình với khách hành hương tại Roma ngày 10/4/2019).
B. Chúa Giêsu ban đặc quyền Tha Tội cho các tông đồ.
Khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Trời, Đức Giêsu Kitô đã lên núi, thức suốt đêm cầu nguyện cùng Chúa Cha. Đến sáng, Ngài tuyển chọn mười hai ông gọi là tông đồ (Lc 6:12-16). Các vị ấy sẽ là những chứng nhân tiếp tục kế nghiệp Chúa đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân (Mt 28:19).
1. Khi chính thức sai các ông lên đường, Chúa ban cho các ông đặc quyền Trừ Quỷ, Chữa Lành các bệnh hoạn tật nguyền (Mt 10:1).
2. Ở địa hạt Cêsarê Philipphê, Chúa lại trao riêng cho thánh Phêrô và các Đấng kế vị quyền lãnh đạo Giáo Hội Chúa dưới trần gian, nắm giữ chìa khóa Nước Trời: cầm buộc và tháo cởi kho tàng đạo lý của Chúa (Mt 16:18-19).
3. Khi sống lại từ trong cõi chết, Chúa hiện ra lần đầu tiên với các tông đồ, thổi hơi Thần Khí trên các ông, ban cho Nhóm Mười Hai đặc quyền tha tội (Ga 20:23).
4. Không những thế, Thần Khí Chúa còn ngự xuống trên các tông đồ lần nữa trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2:3). Quả thật, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Ngài đến với Giáo Hội để cứu độ, chữa lành, dạy dỗ, bảo ban, thêm sức, an ủi, soi lòng mở trí cho kẻ biết đón nhận Ngài.
Các Giám Mục trong Hội Thánh là những Mục Tử kế vị các tông đồ, chăn dắt đàn chiên trong một giáo phận. Quyền bính này được trao cho các ngài để phục vụ Nước Trời với sự cộng tác của các linh mục và phó tế. Vì thế, các Giám Mục có đầy đủ chức năng của các Thượng Tế và có quyền truyền chức thánh.
Qua lời cầu nguyện và sự đặt tay của Giám Mục, các thừa tác viên Linh Mục, Phó Tế là những cánh tay nối dài, cộng tác với Giám Mục thi hành quyền bính thiêng liêng của mình để phục vụ Dân Chúa cách tốt đẹp. Bộ Giáo Luật 1983 có ghi rõ:
• Điều 969, k.1: Chỉ có Đấng Bản Quyền địa phương ban năng quyền giải tội cho các linh mục.
• Điều 973: Năng quyền giải tội thường xuyên được ban bằng văn bản rõ ràng.
• Điều 978, k.2: Với tư cách là thừa tác viên của Giáo Hội khi ban bí tích, Cha Giải Tội phải trung thành theo sát giáo huấn của Huấn Quyền và những quy tắc do nhà chức trách có thẩm quyền thiết lập.
• Điều 983, k.1: Ấn tín bí tích đều là bất khả xâm phạm, vì thế, tuyệt đối cấm Cha Giải Tội không được tiết lộ hối nhân bằng lời nói, hay bằng cách nào khác, và bất cứ vì lý do gì.
• Điều 984, k.1: Tuyệt đối cấm Cha Giải Tội, dùng những kiến thức biết được trong lúc giải tội để làm hại hối nhân, dù không có nguy cơ tiết lộ nào.
Với những khoản luật được trích dẫn ở trên, người kitô hữu tin tưởng sự kín đáo bí mật của ấn tòa Giải Tội mà Giáo Hội buộc các thừa tác viên linh mục phải tuân giữ. Thế nên, có nhiều linh mục đã can đảm chịu mọi đau khổ, thiệt hại bản thân như Cha Gioan Nepomuk, nhằm bảo vệ ấn tòa Giải Tội tuyệt đối.
Nhiều người đã nêu ra những lý do khác nhau để bào chữa cho mình việc ngại đi xưng tội. Cụ thể như:
o Tôi không thích nói lỗi mình cho người khác nghe vì tôi chỉ muốn nói trực tiếp với Chúa thôi.
o Linh mục cũng là con người, có khi còn tội lỗi hơn tôi nhiều.
o Tôi ưa phạm đi phạm lại tội ấy hoài nên có đi xưng tội lần nữa cũng phí phạm, mất công vô ích.
o Tôi vẫn thấy mình là người tốt, không trộm cắp điều gì, cũng chẳng giết người, làm hại ai.
o Tôi cảm thấy ngột ngạt nặng nề khi vào tòa giải tội, chẳng có bình an thoải mái một chút nào.
o Tôi không hề tin vào bí mật tòa Giải Tội, đâu có gì bảo đảm là linh mục sẽ giữ kín việc ấy?
Thực tế, bạn nên nhớ: bí tích Giải Tội mang ấn tín tòa giải tội. Đó là một bí mật được Thiên Chúa đóng ấn và không quyền lực thế gian nào có thể tháo gỡ. Linh mục phải bảo vệ bí mật tòa giải tội ngay cả đến mức độ tử đạo. Giáo Hội luôn ra án phạt tối đa cho người cố tình vi phạm ấn tín tòa giải tội. Vị linh mục chủ ý công bố bí mật tòa giải tội sẽ ngay lập tức bị va tuyệt thông.
C. Chúa Thánh Thần hoạt động thường xuyên trong Giáo Hội.
Ngày 28/10/1958, ĐHY Angelo Roncalli được bầu làm Giáo Hoàng với tước hiệu là Gioan XXIII. Vai trò lãnh đạo Giáo Hội thật nặng nề khiến Đức Thánh Cha nhiều đêm ngủ không ngon. Đầu óc ngài chồng chất không biết bao nhiêu vấn đề cần giải quyết. Ngày nọ, như một ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần, ĐGH Gioan XXIII tự nhủ: phải triệu tập Công Đồng! Công Đồng Vaticano II, nhất định sẽ là cánh cửa mở ra để làn gió mát trong và mới mẻ thổi vào lòng Hội Thánh. Đoạn ba tháng sau đó, ngày 25/01/1959, lễ Thánh Phaolo Tông Đồ trở lại, khi cử hành thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolo ngoại thành, ĐGH tuyên bố chính thức: “Tôi sẽ triệu tập Công Đồng chung Vaticano II”.
Trong ơn Chúa Thánh Linh tác động, ĐGH Gioan XXIII đã nẩy sinh sáng kiến mở ra một Công Đồng mới, giúp Giáo Hội canh tân, thích nghi với những tiến bộ văn minh của thời đại.
Vị thánh Giáo Hoàng đã nói: “Hội Thánh không bao giờ canh tân xong, nhưng luôn tự canh tân mãi mãi” (L’Eglise n’est jamais réformée, mais elle est toujours réformant).
Nhìn chung, vai trò Chúa Thánh Thần luôn hoạt động thiết thực trong đời sống Chúa Giêsu & Giáo Hội.
1. Chúa Giêsu: + Thần Khí Chúa (như chim bồ câu) ngự trị khi Chúa chịu phép rửa (Mt 3:16).
+ Thần Khí Chúa dẫn Đức Giêsu vào hoang địa chay tịnh 40 ngày sa mạc (Mt 4:1).
+ Thần Khí Chúa xức dầu tấn phong Chúa Giêsu đi loan báo Tin Mừng (Lc 4:18).
2. Các Tông Đồ:
+ Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu thổi hơi, ban Thần Khí trên Nhóm Mười Hai (Ga 20:22).
+ Ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ từng người một đều lãnh nhận Thần Khí dạt dào (Cv 2:4).
+ Hai tông đồ Phêrô và Gioan đến miền Samaria rao giảng, cầu nguyện và nhân danh Chúa Giêsu, họ đặt tay ban Thánh Thần xuống trên dân (Cv 8:14-25).
+ Thần Khí Chúa thúc giục tông đồ Philipphê gặp quan thái giám người Êthiopie đang đọc sách tiên tri Isaia. Philipphê đã giải thích Kinh Thánh và làm phép rửa cho quan (Cv 8:26-39).
+ Thánh Thần Chúa phán bảo ở Antiôkia “tách riêng Phaolo và Banaba lo việc truyền giảng Tin Mừng cho dân ngoại” (Cv 13:2).
3. Các kitô hữu: + Mỗi thụ nhân đều nhận ơn Chúa Thánh Thần khi chịu phép Thánh Tẩy.
+ Họ xác tín, tuyên xưng đức tin khi nhận 7 ơn Thánh Thần trong lễ Thêm Sức.
+ Trước khi được xức dầu thánh hiến là Mục Tử đàn chiên Chúa, vị Giám Mục tân cử tuyên xưng đức tin và xin Ơn Chúa Thánh Thần tác động, thánh hóa.
+ Khai mạc các giờ kinh nguyện, các buổi hội họp, cử hành nghi thức Phụng Vụ:
cộng đoàn tín hữu thường khởi đầu bằng kinh/hát xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí giúp công việc đạo đức được tiến triển tốt đẹp theo thánh ý Chúa muốn.
• Nữ Hoàng Esther ăn chay, hãm mình, cầu nguyện xin Chúa cứu giúp dân Do Thái đang lưu đày tại Ba Tư thoát khỏi thảm họa diệt vong bởi quan Ha-man kiêu căng (Et 4:17).
• Cậu thiếu niên Đaniel được Thiên Chúa đánh động tâm trí, cương quyết làm chứng minh oan cho bà Susanna đạo đức đang bị kết án vô lý, cứu bà khỏi chết oan (Đn 13:1-64).
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh ! Chúa đã xin Chúa Cha sai Thánh Thần Chúa đến canh tân bộ mặt trái đất.
Thế giới hiện nay, chiến tranh loạn lạc vẫn còn đang tiếp diễn ở đất nước Ukraina.
Xin cho ngọn lửa tình yêu của Thần Khí Chúa đổi mới lòng trí con người trên khắp địa cầu, để họ có thể xây dựng tình thương giữa nơi oán thù, đem an bình mỗi ngày vào nơi tranh chấp. AMEN.
==============================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.