Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XXIX Thường Niên A
KHÔN NGOAN TRƯỚC ÁC Ý CỦA LÒNG NGƯỜI
================================ (Mt 22:15-22)
Abraham Lincoln là một trong những vị Tổng Thổng tài ba của Hoa Kỳ. Ngày nọ, khi đang chuẩn bị bài diễn giảng, bất ngờ một thượng nghị sĩ ngạo mạn đứng lên chỉ trích ông: “Thưa ngài Lincoln, tuy ngài sẽ phát biểu ngay bây giờ nhưng tôi xin phép được nhắc nhớ ngài rằng: thân phụ ngài xưa kia là một thợ đóng giầy, và ngài là con người thợ giầy”.. Cả hội trường đều cười ồ lên. Song le, Lincoln vẫn thản nhiên nói: “Đúng, cám ơn ông đã nhắc đến bố tôi, ông ấy là thợ đóng giầy có tài. Dù bây giờ trên cương vị là Tổng Thống, tôi chưa bao giờ làm tốt được như bố tôi trên cương vị thợ giầy”.
Mọi người bổng ngừng cười, ai nấy đều trầm tư thinh lặng. Đoạn Lincoln nói tiếp với ông nghị sĩ cao ngạo đó: “Tôi nhớ không lầm, chính ông cũng từng đặt hàng nhờ bố tôi đóng giầy cho ông. Nếu ông không vừa ý với đôi giầy ấy, ông có thể đến nhờ tôi sửa lại cho, bất cứ lúc nào. Cho dù tôi không là thợ đóng giầy xuất sắc như thân phụ của tôi, nhưng đã là con của thợ giầy, tôi cũng đã học được cách sửa đôi giầy”. Lời nói đầy tự tin và khiêm tốn của Lincoln đã khiến ông thượng nghị sĩ đó xấu hổ.
Rồi nhìn mọi người chung quanh với ánh mắt ngay thẳng, trung thực, Lincoln phát biểu: “Nếu quí vị đã từng đi đôi giầy do bố tôi đóng, quí vị có thể mang đến để tôi sửa lại, nếu cần. Tôi rất vui được phục vụ quí vị. Tôi luôn khắc ghi, bố tôi là một người thợ đóng giầy, một thợ giầy xuất sắc”. Nói xong ông lau nước mắt đang khi cả khán đài: từng tràng pháo tay khen ngợi vang lên không ngớt. Quả thật, Lincoln không hề tức giận trước một lời nói sỉ nhục, bới móc về truyền thống gia đình mình. Trái lại, Lincoln luôn trấn tĩnh, mượn cơ hội ấy để thể hiện sự sung bái, kính trọng về người bố của ông.
Trong Tin Mừng hôm nay: các Thầy Biệt Phái lặng lẽ âm mưu với nhóm Hêrôđê tìm cách gài bẫy bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Họ đặt ra vấn đề “người Do Thái ngoài việc đóng thuế tôn giáo cho đền thờ Gierusalem, có nên nộp thuế thân cho đế quốc Roma, nữa không?”.
- Họ đặt trước mặt Chúa một cái bẫy “tiến thoái lưỡng nan” để có cơ hội xỉ nhục, làm bẽ mặt Ngài…Chúa thừa hiểu ác ý đó, nên Ngài mạnh dạn nói thẳng với họ: “Tại sao các ngươi lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22:18). => Đúng là: Chúa biết rõ tâm địa nham hiểm của họ.
- Chẳng khác gì ông thượng nghị sĩ nọ, vốn không ưa Tổng thống Abraham Lincoln, đã cao ngạo xỉ nhục thân thế gia đình Lincoln khi cho rằng dòng dõi Tổng Thống chẳng có gì danh giá cả, ngoài nghề nghiệp đóng giầy tầm thường. Thay vì tự ti mặc cảm trước sự châm biếm ấy, Lincoln lấy làm vinh dự khi tự hào được làm con ông thợ đóng giầy giúp ích cho nhiều người.
=> Quả thật: lòng dạ ông thượng nghị sĩ đó đầy ác ý xấu xa.
Ta cùng suy niệm:
- Nhóm Biệt Phái liên tục dò xét, bắt bẻ Chúa trong nhiều việc.
- Các thầy tư tế, thông luật Do Thái tìm cách mưu hại Chúa.
- Cần khôn ngoan trước những tâm địa ác ý của thế nhân.
A. Nhóm Biệt Phái liên tục dò xét, bắt bẻ Chúa trong nhiều việc.
Trong cộng đồng xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, nhóm Biệt Phái bao gồm những người thông thạo Kinh Thánh, tuân giữ luật Môsê nghiêm nhặt theo mặt chữ. Họ tự khoác lên mình bộ mặt thánh thiện, đạo đức; ưa xa tránh dân nghèo và tách biệt hẳn với những người mà họ cho là tội lỗi, như: dân ngoại, các nhân viên thu thuế, các cô gái điếm…
Bởi đó, khi công khai đi rao giảng Nước Trời, tiếp xúc với mọi thành phần dân chúng bị bỏ rơi như thế, giơ tay chữa lành những người đau yếu trong dân: Chúa Giêsu luôn bị nhóm Biệt Phái dò xét để ý, bắt bẻ Chúa trong nhiều trường hợp khác nhau.
- Chúa xua trừ quỷ ám ra khỏi người bệnh, chữa lành họ khỏi câm và mù, thì nhóm Pharisiêu lại cho rằng Ngài cậy thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ nhỏ (Mt 12:24).
- Chúa biểu lộ quyền năng Ngài qua việc thực hiện bao phép lạ trước mặt muôn người. Song le nhóm kinh sư vẫn cứng tin cứ đòi Chúa làm thêm phép lạ này đến phép lạ khác (Mt 12:38).
- Sau khi được Chúa mời gọi theo Ngài, Lêvi chiêu đãi Chúa và các bạn một bữa tiệc chia tay. Nhóm Biệt Phái lại gièm pha cho rằng Chúa ngồi ăn uống với bọn thu thuế tội lỗi (Mc 2:16).
- Ngày sabbat, các môn đệ Chúa đói bụng bứt vài bông lúa để ăn, liền bị nhóm Pharisiêu trách khéo “các ông không được làm việc xác trong ngày sabbat” (Lc 6:2).
- Thậm chí, các môn đệ Chúa ngồi vào bàn ăn không rửa tay trước khi dùng bữa theo tập tục Do Thái, cũng bị vài thầy Biệt Phái và kinh sư từ Giêrusalem đến phàn nàn (Mt 15:2-3).
- Họ cũng để ý trách môn đệ Chúa không chay tịnh tốt lành như môn đệ ông Gioan và môn đệ người Pharisiêu đã làm (Lc 5:33).
- Thấy Chúa chữa bệnh cho người bại tay trong ngày sabbat, nhóm Biệt Phái còn bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Chúa Giêsu (Mc 3:6).
- Chứng kiến Chúa cho người bại liệt đứng dậy vác chõng mà đi, các kinh sư căm tức khi thấy Ngài nói phạm thượng “dám cho mình là Thiên Chúa” (Mc 2:7).
Sở dĩ các kinh sư và nhóm Pharisiêu luôn dò xét phản kháng Chúa liên tục, vì đã nhiều lần:
- Chúa chỉ trích họ hay nói mà lại không làm.
- Chúa kết án họ giả hình, tỏ ra có vẻ thanh sạch bên ngoài nhưng thực tế thối tha bên trong.
- Chúa thấy họ ưa khoe khoang, khoác lác, tự cho mình là tốt lành thiện hảo.
- Chúa trách họ truyền bá giải thích Kinh Thánh sai lệch, cản đường người khác đạt chính lộ.
B. Các Thầy tư tế, thông luật Do Thái tìm cách mưu hại Chúa.
Các thầy thông luật, quen gọi là Rabbi, là những kẻ có thế giá trong dân điều hành mọi kỷ cương, sinh hoạt tôn giáo. Vì thông thạo luật Do Thái nên họ được các thính giả nhìn nhận là bậc Thầy đáng kính. Họ nắm giữ sự hiểu biết và giải thích về luật Môsê, giúp dân chúng học hỏi.ở hội đường ngày sabbat.
Đã nhiều lần, họ hô hào xách động đám đông người Do Thái âm mưu hãm hại Chúa Giêsu.
- Dịp mừng lễ Vượt Qua ở Giêrusalem, Chúa lật đổ, đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đến thờ bởi họ làm ô uế sự thánh thiêng của nhà Thiên Chúa ngự. Hành động ấy đã khiến nhiều người Do Thái bực tức với Chúa (Ga 2:18).
- Họ cố tình đặt ra sự kiện “7 anh em cùng lấy một phụ nữ làm vợ theo luật Môsê” nhằm phi bác việc khi kẻ chết sống lại ở đời sau, chị ấy sẽ là vợ của ai trong 7 anh em (Lc 20:27-38).
- Nhóm lãnh đạo hội đường toa rập với dân chúng lôi Chúa Giêsu ra khỏi thành vốn được xây dựng trên núi cao. Họ dự tính đưa Chúa lên đỉnh núi mà xô Ngài xuống vực thẳm (Lc 4:29).
- Khi mạnh dạn tuyên bố “Ta và Cha Ta là một”, Chúa Giêsu gây phẫn nộ trong đám đông cộng đoàn.. Họ đòi lấy đá ném Ngài (Ga 10:30-31).
- Trong cuộc xử án Chúa, họ đồng thanh la to đòi đóng đinh Chúa vào thập giá (Ga 19:6), kết án Ngài không thương tiếc.
- Không những thế, họ còn hùa nhau bỏ ra một số tiền lớn để mua chuộc các binh lính canh gác mồ Chúa đi xuyên tạc sự thật là “Ông Giêsu Nazareth không có sống lại thật. Chính các môn đệ ông ta đã đến trộm xác khi chúng tôi đang ngủ say giữa đêm” (Mt 28:12-13).
Tục ngữ ca dao có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Những kẻ gian dối thường tìm đến nhau để âm mưu hành động xấu xa. Giống như các kinh sư và nhóm Pharisiêu không hề mộ mến Chúa Giêsu, những Thầy Tư Tế và Thông Luật cũng luôn tìm mọi cách mưu hại Chúa, vì:
- Họ ghen tị bực tức khi thấy dân chúng mộ mến Chúa như một bậc Thầy cao cả, xem Ngài như Đấng có uy quyền cả trong lời giảng và hành động (Lc 4:32).
- Họ lo sợ một khi đám đông dân chúng đi theo Chúa hết, sẽ làm cớ cho quân Roma đến tàn sát, phá hủy thành trì của họ (Ga 11:48).
- Chính Chúa lên án các tật xấu giả hình, những lỗi lầm sai trái của họ đã cản trở dân chúng sống tốt lành. Thay vào đó, họ như “kẻ mù dắt dân không hiểu biết cũng mù như họ xuông hố”..
C. Gắng khôn ngoan trước những tâm địa ác ý của thế nhân.
Lời Chúa phán xưa: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11:23). Chúa Giêsu đến từ trời, giảng dạy kho tàng chân lý nước Trời, giúp con người đạt đến Sự Thật toàn vẹn. Kẻ đi trong gian dối, thường nói lời say sưa giả trá và hành động phản sự thật.
Vào một ngày nọ, Sự Thật và Dối Trá tình cờ gặp nhau. Dối Trá chào hỏi Sự Thật và nói: “Hôm nay là ngày đẹp trời”. Nghe lời ấy, Sự Thật cùng đi dạo chơi với Dối Trá tới một giếng to đầy nước. Đoạn Dối Trá thò tay xuống nước và quay sang nói với Sự Thật: “Nước sạch và ấm lắm, nếu bạn muốn chúng ta cùng nhau bơi, được không?”. Sự Thật hơi nghi ngờ, liền đưa tay nhúng vào nước thấy dễ chịu, cũng dìm mình trong dòng nước với Dối Trá.
Cả hai đang bơi vui vẻ, thì tự dưng Dối Trá chạy lên khỏi giếng, mặc áo của Sự Thật rồi bỏ đi lặng lẽ. Sau đó, tắm xong vừa trèo lên khỏi giếng, Sự Thật không thấy quần áo mình, bèn chạy khắp nơi để tìm kiếm. Sự Thật cứ để mình trần trụi, không thèm mặc quần áo của Dối Trá đã bỏ lại trên giếng. Mọi người thấy Sự Thật đứng giữa trời trần trụi như thế thì ngại nhìn, vội quay sang chỗ khác. Thấy vậy, Sự Thật hiểu ý, tự mình xấu hổ quay lại giếng và ẩn náu trong giếng mãi mãi.
- Từ ngày đó, Dối Trá cứ ung dung đi khắp thế giới, khoác trên mình áo của Sự Thật, đáp ứng tâm địa thế nhân. Không ai còn muốn nhận ra Sự Thật trần trụi nữa.
- Cũng từ lúc ấy, Lòng con người chỉ quen thấy một Dối Trá khoác áo Chân Thật / khi mà họ không thể chấp nhận một Sự Thật trần trụi.
Nhớ lại khi đứng trước quan Philato, Chúa Giêsu từng tuyên bố: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37).
- Kẻ vâng giữ luật Chúa, nghe và thực thi ý Chúa, ý Giáo Hội là người biết tôn trọng Sự Thật.
- Kẻ không thuận theo Thánh Ý Chúa, không tuân giữ luật Giáo Hội là người phản nghịch Chúa.
- Kitô hữu biết nghe Lời Chúa, tuân giữ giáo huấn các Tông Đồ, là người:
- Đón nhận mọi lời dạy bảo về Tín Lý và Luân Lý của Giáo Hội.
- Thực hành sống Phúc Âm theo lời Chúa dạy mỗi ngày.
- Tuân giữ truyền thống phụng vụ, nghi lễ từ thời các Tông Đồ để lại.
- Tham gia sinh hoạt trong Giáo Hội do Chúa thiết lập, tránh xa lạc giáo, bè phái dị giáo..
- Sống đời nội tâm thánh đức, kết hiệp và bám chặt với Chúa thường xuyên.
- Siêng năng lãnh nhận Các Bí Tích trong Giáo Hội đều hòa.
- Thực thi các điều luật mà Chúa và Giáo Hội đã ban hành.
2. Kitô hữu không thu góp với Chúa là phân tán, phản nghịch cùng Chúa, khi:
- Đặt nặng của cải vật chất cho bản thân, thờ ơ việc tôn thờ Chúa.
- Tin vào tà thuyết lạc giáo hơn là nghe theo lời Chúa phán dạy.
- Chỉ trích, phê phán mọi đạo lý mà Chúa đã mạc khải qua Giáo Hội.
- Thích phản kháng, chia rẽ mọi quyết định chung của cộng đoàn dân Chúa.
- Truyền bá một giáo thuyết mới tương phản với Giáo Hội tông truyền.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!!
Như đồng tiền có hai mặt phải trái, tâm địa lòng người dễ tốt, xấu khác nhau.
Kẻ có lương tâm tốt luôn tôn trọng Sự Thật và ra sức bảo vệ, làm chứng cho Sự Thật.
Người có tâm địa xấu, dễ quen điều Dối Trá, hành động trong gian xảo và lừa đảo.
Xin giúp con tôn thờ Chúa trong Thần Khí và Sự Thật (Ga 4:23) vì chỉ có Sự Thật mới giải thoát con.
================================================================== AMEN.
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.