Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XXIII Thường Niên A
KHÔN NGOAN KHÉO LÉO SỬA LỖI CHO NHAU
============================== (Mt 18:15-20)
Thành Cát Tư Hãn là một vị Vua danh tiếng của đế quốc Mông Cổ. Quân đội ông hùng mạnh đến nỗi ông tiến đánh nơi nào thì thắng cuộc nơi đó. Một buổi sáng nọ, ông cùng đoàn tùy tùng phi ngựa vào cánh rừng gần lâu đài để săn bắn. Đoàn quân đi săn ai nấy đều mang cung tên đầy đủ, riêng Thành Cát Tư Hãn chỉ mang trên cánh tay mình một con chim ưng yêu quý. Bởi ông tin con chim ấy có thể bay vút lên trời cao nhìn thấy con mồi dễ dàng. Thế nhưng buổi săn hôm ấy, họ không săn được con thú nào. Nhà Vua bèn tách riêng khỏi đoàn cận vệ, trở về cung điện theo đường mòn của mình.
Suốt một ngày đàng dong duổi, ông cảm thấy khát nước. Cỡi ngựa đi hoài đi mãi, bất chợt Thành Cát Tư Hãn tìm thấy dòng nước rỉ từ khe đá trên vách núi chảy xuống. Vội xuống ngựa và lấy ra chiếc cốc bằng bạc mang theo mình, ông hứng lấy nước để uống. Khi toan đưa chiếc cốc lên miệng, thình lình con chim ưng lao đến hất khỏi chiếc cốc trên tay ông rơi xuống đất. Vừa tức giận vừa cúi xuống nhặt chiếc cốc bạc lên, lau sạch bụi đất rồi ông lại hứng nước lần nữa. Khi nước chảy chưa đầy nửa cốc, ông thèm uống vì quá khát. Nhưng chim ưng lại tiếp tục bay vào tay ông hất tung cốc nước đổ.
Thành Cát Tư Hãn khó chịu lắm, không thể chấp nhận sự vô lễ của con chim yêu quý này. Ông từ từ rút kiếm ra khỏi vỏ, đoạn nhặt chiếc cốc lên và hứng nước lần thứ III. Đôi mắt nhà Vua vừa để ý nước rót vào cốc bạc vừa canh chừng con chim ưng. Khi chuẩn bị nâng cốc nước lên để uống, chim ưng liền lao vào vội vã, tức thì ông vung kiếm đâm thủng lồng ngực con chim. Nó rơi phịch xuống đất nằm thoi thóp chờ chết. Thành Cát Tư Hãn đứng lên rời bỏ chim ưng bất trị, buồn bã đi ngược lên thượng nguồn dòng nước, thì ông thấy xác một con rắn có nọc cực độc đang nằm chết, máu nó tan trong nước.
Ông bật khóc hiểu ra sự kiện: chỉ vì muốn cứu nhà Vua khỏi uống nước đã bị nhiễm độc, con chim yêu quý đó cứ liên tục bay vào nhiều lần cố tình hất đi cốc nước ông sắp uống. Thành Cát Tư Hãn đâu ngờ rằng “mình đã giết oan một con vật trung thành nhất với mình”. Trở về hoàng cung, ông ra lệnh cho đúc một tượng chim ưng bằng vàng. Trên cánh chim bên phải, ông khắc dòng chữ: “Khi một anh bạn làm điều gì ta không thích, người đó vẫn là bạn ta”. Và trên cánh chim bên trái, ông lại khắc thêm: “Bất cứ hành động nào ta làm trong sự giận dữ, hành động ấy đều đưa đến thất bại”.
Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy các môn đệ: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó thôi” (Mt 18:15). Thực tế:
- Nobody perfect. Con người nhân vô thập toàn. Không ai dám nói mình là người hoàn hảo.
- Chúa mong thánh Phêrô hãy tha lỗi cho anh em không chỉ 7 lần mà là 70 lần 7, tha dài dài.
- Con chim ưng đã 3 lần sửa lỗi sai sót khi Thành Cát Tư Hãn toan uống nước độc từ dòng suối. Nó cứu ông khỏi cái chết tức thời nên Nhà Vua đã thọ ân con chim ấy suốt đời mình.
Ta cùng suy niệm:
- Góp Ý, Sửa Lỗi cho nhau là việc cần thiết.
- Những việc Sửa Lỗi trong Kinh Thánh.
- Phương thế giúp Sửa Lỗi đạt hiệu quả tốt đẹp.
A. Góp Ý, Sửa Lỗi cho nhau là việc cần thiết.
Là thụ tạo bất toàn, con người dễ sai sót thường xuyên mỗi ngày, nên việc Góp Ý, giúp Sửa Lỗi nhau nên tốt là điều thiết thực. Tuân Tử, một hiền triết Trung Hoa, có nói: “Kẻ khen ta mà khen thật là Bạn ta. Kẻ chê ta mà chê đúng là Thầy ta. Còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta chỉ là người Hãm Hại ta”. Đúng vậy, biết nhận ra lỗi mình sai trái không có nghĩa là thừa nhận mình thất bại, tự ti mặc cảm mình hèn kém.
Thánh Gioan Tông Đồ nhận định: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta đã tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (I Ga 1:8). Phải khiêm tốn đón nhận sự sửa lỗi huynh đệ của người khác mới giúp bản thân ta thăng tiến từng ngày. Do đó: Góp Ý, Sửa Lỗi là nghệ thuật của đức Ái. Sách Huấn Ca dạy ta: “Con hãy sửa lỗi anh em cho khôn khéo, tất nhiên anh em sẽ yêu quý con”.
Nhìn chung, việc Góp Ý, Sửa Lỗi nhau trong tình bác ái, bao giờ cũng tế nhị và khó thực hành, vì:
- Ai cũng có tự ái, đặt Cái Tôi, cái Myself quá lớn: không muốn kẻ khác nhận định xấu về mình.
- Người tự mãn quá đáng rất sợ mất thể diện trước tha nhân: không thích kẻ khác sửa sai mình.
- Ta dễ nhìn thấy cái Rác trong mắt anh em nhưng lại quên cái Xà đang nằm trong mắt mình.
Biết là thế, nhưng việc Góp Ý, Sửa Lỗi nhau thật cần thiết biết bao. Tại sao? Vì:
- Con người vốn mỏng manh yếu đuối, tính khí dễ sai lỗi thường xuyên mỗi ngày.
- Việc góp ý, sửa lỗi là cơ hội giúp tội nhân phục thiện, cố gắng canh tân đổi mới nên tốt hơn.
- Hành vi giúp Anh Em thức tỉnh, nhận biết lỗi lầm của họ là việc làm thực thi đức Ái cho nhau.
Có hai anh bạn tri kỷ, chơi thân với nhau đậm tình đậm nghĩa. Trong một lần dạo chơi ngoài bãi biển, cả hai tự dưng tranh cãi nhau gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, anh A đã đấm vào mặt anh B. Bị nhăn mặt đau đớn anh B vẫn cúi mình lặng lẽ viết trên cát: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã đánh tôi”. Họ tiếp tục bước đi đến ốc đảo gần đó, bèn dừng chân lại và rủ nhau tắm mát. Anh B thình lình bị chìm sâu giữa biển, anh A kịp thời ra tay cứu bạn khỏi chết. Sau khi hồi phục, anh B khắc lên tảng đá: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu tôi”. Anh A rất ngạc nhiên thắc mắc hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết trên cát, còn bây giờ lại khắc trên tảng đá?”. Anh B khéo léo trả lời: “Khi ai làm ta đau, nên viết điều ấy trên cát, để cơn gió tha thứ xóa tan nó từ từ. Nhưng khi ta nhận được việc tốt từ người khác, ta cần ghi khắc chuyện ấy trên đá để rồi không cơn gió nào có thể cuốn mất nó được”.
B. Những việc Sửa Lỗi trong Kinh Thánh.
Thiên Chúa: Đấng là nguồn Chân-Thiện- Mỹ, mỗi ngày luôn trợ lực từng người bằng Ơn Thánh giúp ta từ từ cải thiện nên tốt, giống như Cha trên Trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5:48). Bởi thế, được Thiên Chúa sửa sai là diễm phúc, được Ngài giáo huấn chỉ dạy các lỗi lầm ta phạm, thật may mắn thay!
- Sau khi Đavít chiến thắng, giết được tướng tài Goliath của quân Philitinh, dân chúng khen ngợi Đavít tối đa. Điều ấy khiến vua Saolê ghen tị, tìm đủ cách giết hại Đavít. Trong một lần truy nã vua Saolê bất ngờ bị lọt vào tay Đavít nhưng ông không nỡ ra tay giết hại người đã được Chúa xức dầu phong vương. Việc Đavít tha lỗi khiến vua Saolê xấu hổ biết bao (I Sm 24:17-22).
- Lên làm Vua nước Israel, Đavít lại phạm tội ngoại tình và nhẫn tâm hại tình địch cho chết. Thiên Chúa sai tiên tri Nathan đến sửa lỗi và lên án vua Đavít về hành vi sai phạm nặng nề đó. Nhà Vua sấp mình thống hối, ăn năn khóc lóc vì tội mình đã phạm (II Sm 12:7-15).
- Trong một thị kiến, Phêrô thấy một tấm khăn lớn từ trời có đủ mọi súc vật thả xuống trước mặt ông, mời gọi ông đón nhận. Phêrô dứt khoát từ chối vì chúng nhơ nhớp. Thiên Chúa lên tiếng sửa sai Phêrô: “Những gì Thiên Chúa đã nói là thanh sạch, ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10:15).
- Suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa không ngớt sửa sai khéo léo những phạm nhân lầm lỗi:
- Chúa sửa lỗi Matta chớ cậy mình khi chị lên tiếng trách cô em Maria không phụ giúp việc nhà. Thật ra, Maria đã biết chọn phần tốt nhất cho cô ta (Lc 10:42).
- Chúa sửa sai nhắc nhớ hai anh em Giacôbê và Gioan “muốn được dự phần vinh quang nước Trời, cần phải can đảm uống chén đau khổ trước đã” (Mc 10:39).
- Chúa tinh tế nhắc khéo tội nhân bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình: “Chị hãy đi về và đừng phạm tội thêm nữa” (Ga 8:11).
- Chúa trắc nghiệm lòng mến để sửa lỗi Phêrô sau khi ông đã yếu đuối chối Chúa ba lần: “Simon, con ông Gioan, anh có thực sự yêu mến Thầy chăng?” (Ga 21:15-17).
- Chúa sửa sai quan niệm của khách dự tiệc thích chọn chỗ ngồi vinh dự trong bữa tiệc: họ cần khiêm hạ ngồi chỗ thấp kém để khỏi bị “quê độ” (Lc 14:10).
- Chúa nghiêm khắc sửa trị đức tin yếu ớt của người cha có đứa con bị quỷ ám mắc bệnh kinh phong “Ta còn phải chịu đựng các ngươi cho đến bao giờ nữa” (Mt 17:17).
Biết khắc phục lỗi lầm để sống trưởng thành trong con người thiện hảo, đẹp lòng Chúa biết bao!
C. Phương thế giúp Sửa Lỗi đạt hiệu quả tốt đẹp.
Thánh Giám Mục Phanxico Salesio có một anh giúp việc sống bê tha rượu chè. Một đêm nọ, sau khi nhậu say về, anh đi loạng choạng siêu vẹo, té ngã thật đau đớn. Khi ấy, các gia nhân trong nhà đều ngủ cả, chỉ còn Đức Giám Mục thức khuya chép sách vở. Thấy anh qụy ngã, ngài đứng ra khỏi phòng dìu anh say mèm về giường, lấy mềm đắp cho anh cẩn thận. Đức Cha lo sợ: “Nếu không lấy chăn phủ kín, lỡ đêm hôm anh bị trúng gió độc chết bất ngờ, linh hồn anh sẽ về đâu?”.
Sáng hôm sau, thánh Phanxico Salesio thuật lại cho anh nghe việc sai lỗi đêm qua. Anh hối hận và xin Đức Cha tha thứ. Anh xin hứa “từ nay về sau, sẽ không uống một giọt rượu nào nữa”. Ngài nói ngay: “Đừng chừa vội quá như thế. Hãy dốc lòng uống pha nửa rượu nửa nước, rồi mới từ từ bớt rượu, cho đến khi chừa hẳn”. Anh giúp việc thấy thánh nhân khoan dung cho anh chừa rượu dần dần như thế, lấy lòng cảm phục ngài hết lòng. Sau đó, anh nhận Đức Cha làm Cha giải tội riêng mình.
- Sự khéo léo Góp Ý của vị Giám Mục thật đắc nhân tâm, giúp kẻ nghiện tập bỏ rượu từng ngày.
- Đôi lúc để Sửa Lỗi đương sự được thành công, thánh Phanxico Salesio phải kiên nhẫn chờ thời cơ đúng lúc: mới khôn ngoan nói từng lời, chỉ dẫn từng bước giúp tội nhân phục thiện dễ dàng.
1. Các nhà tâm lý đề nghị 3 bước giúp ta sửa lỗi cho tha nhân Đúng Cách và Hợp Lý.
a. Biết rõ chắc chắn người ấy đã phạm lỗi rõ ràng.
+ Vừa tảng sáng, Chúa Giêsu trở lại đền thờ: các kinh sư và nhóm Biệt Phái dẫn đến trước mặt Chúa một phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình. Họ để chị đứng ở giữa (Ga 8:2-3).
b. Hy vọng việc Sửa Lỗi sẽ tạo hữu ích cho người phạm lỗi.
+ Tiên tri Giona đi khắp thành Ninivê loan báo thành sẽ bị phá đổ vì dân tội lỗi quá mức. Vua và dân liền chay tịnh, mặc áo vải thô tỏ lòng sám hối nên được Chúa tha (Gn 3:4-5).
c. Người có trách nhiệm trực tiếp chỉ bảo, sửa lỗi: giúp định hướng lại cho thuộc cấp khỏi sai lệch nữa / giúp kẻ ấy có thêm kinh nghiệm học hỏi để sửa sai, chừa lỗi từ từ.
+ Tên sát nhân Alessandro Serenelli, kẻ hãm hại trinh nữ Maria Goretti, được thánh nữ cầu nguyện thường xuyên giúp anh hoán cải và hoàn thiện tốt lành trong nhà tù chung thân.
2. Việc sửa lỗi chỉ đạt hiệu quả tốt, khi phạm nhân biết Nhận Lỗi và Dốc Lòng Chừa bỏ.
- Đương sự tỏ dấu Biết Ơn, cám ơn người đã chỉ ra Lỗi Lầm, Góp Ý nhắc nhớ mình.
- Đương sự tỏ thiện chí, mạnh dạn Sửa Lỗi, Canh Tân, Phục Thiện.
- Đương sự dứt khoát tự mình trui luyện nên Tốt hơn:
- quyết chừa bỏ Tật Xấu ấy.
- có giảm bớt Lỗi Lầm đó dần dần.
- làm nhiều việc Tốt Lành tránh xa việc Sai Sót, không tái phạm nữa.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!!
Ngạn ngữ Latinh có viết: “Errare humanum est – Con người ai cũng sai lỗi”.
Nơi Phúc Âm hôm nay, Chúa đã dạy con 3 bước giúp anh em sửa lỗi cho nhau nên Tốt hơn.
Xin dạy con biết Khiêm Tốn lắng nghe, Nhẫn Nại đón nhận lời Góp Ý, Sửa Sai của tha nhân.
Qua đó, con mới hy vọng nên Hoàn Thiện từng ngày trong Ơn Thánh Chúa đỡ nâng. AMEN.
========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.