Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XXII Thường Niên A
SẴN SÀNG VÁC THẬP GIÁ VỚI LÒNG MẾN CHÚA
============================== (Mt 16:21-27)
Irma Garcia là một giáo viên lâu năm của trường Tiểu học Robb, thành phố Uvalde, ngoại ô vùng San Antonio, bang Texas. Làm mẹ của 4 đứa con ngoan hiền, cô được khen là một hiền mẫu “ngọt ngào, tốt bụng, đầy thương yêu, vui vẻ với một nhân cách tuyệt vời”. Chuyện bất ngờ xảy ra tại trường học Robb với khoảng 500 học sinh gốc Tây Ban Nha đang theo học sáng 24/5/2022: một nghi phạm 18 tuổi đã đơn phương cầm khẩu súng trường bán tự động AR-15 vào nhà trường, hắn điên cuồng nã đạn khiến 2 giáo viên và 19 trẻ em bị thiệt mạng, trong đó có cô giáo Irma Garcia.
Thông tin ban đầu cho biết: lúc ấy khoảng 11 giờ 32 trưa, tên hung thủ mặc áo giáp đã bắn chết người bà của mình trước khi nhẫn tâm nã súng vào trường học. Khi nhận tin vụ nổ xảy ra, lực lượng tuần tra biên giới Hoa Kỳ phía nam, đã lao vào trường học bắn chết tay súng khi hắn cố tình đứng nấp sau rào chắn kháng cự chống trả quyết liệt. Được biết trước đó khi hắn điên cuồng tìm giết các trẻ em vô tội, cô giáo Irma Garcia đã lấy thân mình che chắn lằn đạn nhằm bảo vệ các học sinh an toàn. Cô thật anh hùng khi dám mạo hiểm hy sinh mạng sống mình cho những mầm non tương lai.
Một chiến dịch gây quỹ hỗ trợ tang lễ cho gia đình các nạn nhân vụ thảm sát đẫm máu được quyên góp trên website GoFundMe. Cô ái nữ đã viết những dòng tri ân người mẹ giáo viên của mình: “Mẹ là một người hùng. Con luôn tự nhủ rằng điều này không có thật. Con chỉ muốn được nghe giọng của mẹ. Con muốn cảm ơn mẹ đã trở thành nguồn động lực cho con. Con sẽ mãi mãi tự hào là con gái của mẹ. Mẹ yêu! Con sẽ gặp lại mẹ”. Cả thành phố Uvalde đều lặng lẽ khóc khi họ tập trung trong buổi cầu nguyện cho các nạn nhân và những người sống sót. Thống Đốc Greg Abbott của Texas, sau đó đã phải thốt lên: “Thật là vụ thảm sát kinh hoàng, không sao hiểu nỗi”.
Tin Mừng hôm nay, Chúa nhắc nhớ các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Thập giá biểu thị cho đau khổ, cho hình phạt, cho thử thách cuộc đời…
• Đức Giêsu Kitô can đảm uống chén đắng sứ vụ, đón lấy hình phạt thập giá để cứu độ nhân loại.
• Các môn đệ đi theo Chúa, cam chịu mọi roi đòn tù đày, khi đi rao giảng Tin Mừng của Chúa.
• Cô giáo Irma Garcia nhanh nhẹn lấy thân mình để che chắn các học trò trẻ thơ khỏi bị hung thủ điên cuồng tàn sát.
Khi vác lấy Thập Giá, các chứng nhân phải trả một giá quá đắt mới có thể chu toàn sứ vụ riêng mình.
Ta cùng suy niệm: 1. Thập Giá trong cuộc đời.
2. Đối diện Thập Giá với lòng yêu mến.
3. Lòng mến Đức Giêsu Kitô thúc bách tôi.
A. Thập Giá trong cuộc đời.
Thời xa xưa, nơi đế quốc Hy Lạp và Roma, thập giá là hình phạt dành cho tù nhân bị mang án tử.
• Thập Giá hình chữ T: thanh dọc và thanh ngang, vắt hai tay và đầu phạm nhân lên trên.
• Thập Giá hình chữ X: hai thanh gỗ bắt chéo nhau, hai tay & hai chân giang chéo, đầu lơ lửng.
Đây là một nhục hình ghê sợ và sỉ nhục đối với phạm nhân. Họ phải vác thanh ngang của thập giá từ chỗ xử án đến nơi thọ hình. Trên đường đi: dân chúng la ó khạc nhổ họ, quân lính đánh đập, hành hạ họ không nương tay. Đến pháp trường, phạm nhân bị trấn lột áo quần và treo thân mình trên thập giá.
• Khi bị treo lên cao như thế, người ấy đau đớn rên la inh ỏi (có khi cắn lưỡi tự mình chết sớm).
• Khi bị đóng đinh, dính chặt mình vào thanh gỗ, tội nhân có thể ngạt thở hay kiệt sức mà chết.
Cũng thế, với con người thời đại hôm nay, thập giá là biểu tượng của đau khổ, của vất vả đời thường.
Có thập giá của bổn phận:
o làm Thầy Cô đầu tư tâm trí, miệt mài bài vở giúp học sinh tiếp thu tốt, đạt chất lượng cao.
o làm Cha Mẹ hy sinh lao động đêm ngày, nuôi đàn con khôn lớn, giáo dục con nên ngoan hiền.
o làm Quân Nhân xông pha hiên ngang ngoài trận địa, gìn giữ bảo vệ an ninh tự do cho tố quốc.
o làm Nhà Lãnh Đạo điều hành sinh hoạt tập thể khéo léo, giúp thăng tiến cá nhân & cộng đồng.
Có người tự hỏi: Nếu Chúa yêu tôi, sao Chúa lại trao thánh giá cho tôi, bảo tôi vác thập giá theo Chúa?
Thực tế: Chúa không gửi thập giá cho ta. Cái xấu cái khổ đã xâm nhập vào thế gian là do con người.
• Adam Eva phạm tội bất tuân Thiên Chúa => Nguyên tội gây ra đau khổ và sự chết (St 3:17-19)
• Thảm họa thiên nhiên lũ lụt, hỏa hoạn => con người phá rừng, chặt cây, đốt cháy tràn lan…
• Đường phố Saigon ngập lụt tràn lan => con người xây dựng Nhà Ở trên cửa ngõ thoát nước.
• Bệnh tật Ung Thư => ăn uống không điều độ, kiêng khem, ít sinh hoạt thể dục, lười lao động..
• Tai nạn giao thông trên đường => chạy vượt tốc độ, lái xe say sưa, không nhường đường…
• Hạnh Phúc hôn nhân tan vỡ => thiếu gắn bó gặp gỡ, ít cơ hội bên nhau, tư dục vị kỷ cá nhân…
Do đó, thật tình mà nói: + Thập Giá hoàn toàn do con người tạo nên cho nhau.
+ Chúa mời gọi ta chấp nhận và vác thập giá của mình, để cùng đi với Ngài.
+ Chúa không bảo ta trốn vác thập giá nhưng Ngài trợ lực ta để gánh thập giá.
Khi ta đón nhận Chén Đắng đau khổ bổn phận mình: Thập Giá nên khí cụ yêu thương, vì mến mà Vác.
B. Đối diện Thập Giá với lòng yêu mến.
Ngày 26/6/2018, cơ quan nội chính Hoàng Gia Nhật Bản loan tin: Công Chúa Ayako muốn cưới người tình Kei Moriya, một thường dân, làm chồng mình. Hành động ấy vi phạm qui định truyền thống của Hoàng Gia nên Nhật Hoàng quyết định: Công Chúa bị tước bỏ tư cách là thành viên hoàng gia Nhật Bản => Nàng Ayako chấp nhận hy sinh những đặc quyền bản thân vì yêu mến chồng mình.
Đọc trong Kinh Thánh và lịch sử Giáo Hội trong 21 thế kỷ qua, ta thấy có các Chứng Nhân anh dũng đón nhận Thập Giá nghịch cảnh đời mình với lòng Mến Chúa cao độ, với tình Yêu Chúa thiết tha.
1. Môsê biết rằng nếu mình trở lại Ai Cập, sẽ bị Vua Pharaoh truy bắt vào tù vì ông đã lỡ giết người Ai Cập để bảo vệ đồng hương Do Thái. Thế nhưng, Thánh ý Chúa là trên hết, Môsê đã vâng lệnh Chúa truyền mà hồi hương Ai Cập, lãnh đạo dân Israel đi về Đất Hứa (Xh 3:10).
2. Ông Gióp được Chúa chúc phúc có nhiều sản nghiệp sung túc. Sau đó gặp vô số tai ương kinh khủng, ông vẫn kiên trì vững tin vào Chúa, vì “Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21).
3. Nhằm minh chứng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Đấng đáng muôn dân tôn thờ, tiên tri Ê-li-a đã thách đấu với các sư sãi Baal cùng tế lễ trên núi Carmel. Kết quả sau đó: của lễ tiên tri dâng tiến được lửa Đức Chúa từ trời ập xuống thiêu rụi đang khi của lễ sư sãi Baal vẫn trơ trơ như đá (I V 18:20-40).
4. Với lòng mến Chúa chân thật, quyết trung thành tuân giữ luật truyền thống tổ tiên dạy bảo, bảy anh em cùng với mẹ hiền can đảm chịu tử đạo bởi nhà vua An-ti-ô-khô độc ác (II Mcb 7:1-41).
5. Quyết trung trinh theo Chúa đến hơi thở cuối đời, hai anh em Gia-cô-bê và Gioan cùng đoan hứa sẽ uống được chén đắng mà Chúa sắp trao ban cho họ (Mc 10:39).
6. Đi rao giảng Tin Mừng của Chúa, Phêrô và Gioan được Chúa ban đặc ân chữa lành nhiều bệnh nhân. Nhóm Thượng Tế ghen tức bắt các ngài vào tù ngục song thiên sứ Chúa đã mở cửa ngục giải thoát an toàn. Lòng các ông vui mừng khi chịu khổ nhục vì danh Chúa (Cv 5:41).
7. Đang mưu toan trốn khỏi Giêrusalem vì sự truy nã lùng bắt của bạo chúa Neron cấm đạo gắt gao, thánh Phêrô bất chợt thấy Chúa Giêsu đang vác thập giá đi ngược chiều vào trong thành. Nhạy bén hiểu được ý muốn của Thầy Chí Thánh, Phêrô liền quay đầu trở lại Gierusalem, sẵn sàng đón nhận mọi gian nan khốn khó, cũng chịu đóng đinh ngược vào thập giá với Chúa.
8. Là Giám Mục thành Antiokia, thánh Inhaxio không ngừng rao giảng đạo Chúa, thu hút nhiều tín hữu từ bỏ tà thần ngoại giáo và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Việc ấy khiến Nhà Vua ghen tức, truyền bắt Inhaxio về Roma cho sư tử bị bỏ đói lâu ngày cắn xé. Thánh nhân vui sướng ca khen: “Ước chi răng thú dữ nghiền nát tôi nên bánh tinh tuyền dâng tiến Chúa Giêsu Kitô”.
Rõ là “Đường đời gai chông chí anh hùng ngời lên mắt sáng. Mang danh Kitô trong tim máu giữa nơi sa trường. Nào vùng lên chứng nhân Kitô, mang danh Ngài vào lòng thế giới. Gieo Tin Mừng vào trần thế với yêu thương” (Lm. Văn Chi). Lời mời gọi “vác thập giá theo Chúa” luôn đòi hỏi ta phải có lòng Mến Chúa thật, mới can đảm bước đi mà không ngập ngừng.
C. Lòng mến Đức Giêsu Kitô thúc bách tôi.
Pakistan là một quốc gia Hồi Giáo miền nam Châu Á. Tại đó, nhóm Taliban cực đoan hành động tàn sát dã man biết bao dân làng vô tội. Năm 2013, cô Malala Yousafzai, một thôn nữ vùng quê, đã đứng lên vận động bà con xóm làng đấu tranh đòi quyền lợi cho các bé gái được đến trường đi học. Nhóm Taliban bực tức âm thầm theo dõi cô, họ đã bắn vào đầu Malala khi cô ngồi trên xe buýt về gần nhà.
Được mang đến nhà thương chữa trị cấp tốc, may mắn thay sức khỏe cô được hồi phục từ từ.
Năm 2014, Ban Tổ Chức giải thưởng Nobel đã trao tặng Malala giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Lòng khao khát đòi bình đẳng nhân quyền cho các em nữ sinh đã khiến Malala Yousafzai bị sát hại.
Tâm trí cô luôn thao thức về tuổi thơ bất hạnh khi con trẻ như mình xa xưa không được đến trường.
Lòng Mến vô độ ấy được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nên cô xứng đáng nhận giải thưởng uy tín.
Suốt ba cuộc hành trình dài khác nhau đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Thánh Phaolo liên tục chịu đựng đủ mọi cực hình: bị quất 39 roi vọt đến năm lần, chịu đánh đòn 3 lần, bị ném đá một lần, bị đắm tàu ba lần, lênh đênh ngoài biển khơi cả một ngày một đêm. Không những thế, thánh nhân còn trực diện nhiều nguy hiểm khác: trên sông, trong phố, nơi sa mạc, ngoài biển khơi… Có lúc phải thức đêm vì mệt nhọc vất vả, bị đói khát, cứ nhịn ăn nhịn uống, chịu rét mướt trần truồng ( II Cr 11:24-27 ).
Lý do thánh Phaolo can đảm chịu đựng những hy sinh, kiên trì vác lấy những thập giá đó là vì tình yêu Đức Kitô đã thôi thúc thánh nhân ( II Cr 5:14 ).
Cũng vậy, khi nhìn vào trang sử của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tổ tiên cha ông chúng ta; các ngài đã anh dũng vui nhận bao cực hình khi giữ Đạo và sống Đạo, đến nỗi hy sinh đến giọt máu cuối cùng.
1. Suốt 7 tháng bị tra tấn vì theo đạo Chúa, ông trùm Emmanuel Lê văn Phụng can đảm giữ vững đức tin không bước qua thập giá bỏ Đạo. Ông căn dặn các con tha thứ cho kẻ tố cáo mình.
2. Giữa lúc khó khăn bắt bớ các tín hữu theo đạo, bà Agnes Lê thị Thành và gia đình đã liều lĩnh giúp đỡ các cha ẩn náu trong nhà mình. Về sau việc bại lộ, các cha chạy trốn được, bà bị lính điệu ra công đường, đánh đập nhiều lần đến nỗi máu loang lỗ khắp tấm áo bà đang mặc.
3. Thánh Micae Hồ đình Hy làm quan Thái Bộc dưới triều vua Tự Đức. Dù có được bổng lộc cao quý nhưng ông không sợ chết, không lo mất chức, vẫn can đảm thờ Chúa và nhiệt tâm giảng Đạo. Vua quí mến mong ông giả vờ bước qua thập giá, Ông không nghe liền bị lính bắt trói, lôi qua các đường phố, chịu đánh đòn tủi hổ và xử tử tại pháp trường An Hòa ngày 22/5/1857.
4. Cậu thiếu niên Tôma Trần văn Thiện 18 tuổi tính tình tốt lành, trí khôn thông minh gia nhập chủng viện Di Loan (Quảng Trị). Bị bắt vì theo Đạo, quan hứa gả con gái cho nếu bỏ Chúa. Ý chí kiên cường, cậu từ chối dứt khoát. Bị đánh 40 roi máu chảy thấm qua y phục, cậu vẫn chai lì chịu đựng. Sau đó, lính tháo gông, tròng dây vào cổ, kéo hai đầu dây thật mạnh cho cậu chết.
5. Cha Giuse Marchand Du, một linh mục thừa sai Paris sang truyền giáo tại Việt Nam. Bị triều đình kết tội tham gia phản loạn với giặc Lê văn Khôi (con nuôi Tả Quân Lê văn Duyệt) lãnh án tử hình. Cha cương quyết khẳng định “Tôi chỉ làm việc tông đồ, rao truyền đạo Chúa thôi”. Họ điệu cha ra pháp trường Huế ngày 30/11/1835 xẻo thịt cha thành trăm mảnh, đớn đau mà chết.
Mỗi vị thánh tử đạo tại VN đều chịu đủ mọi cực hình khác nhau vì trung thành giữ đạo Chúa, sẵn sàng chịu khổ vác thập giá với Chúa với lòng mến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết để cứu độ con người.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!!
Chúa mời gọi chúng con “hãy cô gắng vác thập giá đời mình mà theo Chúa”.
Thực tế, con lại thích cuộc sống dễ dãi hơn là chấp nhận các hy sinh gian khổ.
Xin giúp con hiểu rằng “con có đi qua con đường hẹp, đầy gian nan thử thách,
con mới có thể cảm nghiệm vượt thắng từ từ, hy vọng đạt đến vinh quang sau này”. AMEN.
============================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.