Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XIV Thường Niên A
HỌC VỚI CHÚA, ĐẤNG HIỀN HÒA & KHIÊM TỐN
=============================== (Mt 11:25-30)
Phanxico Salesio xưa kia là người có bẩm tính nóng nảy, khó chịu. Để uốn nắn mình có thể trở thành vị thánh thứ IV mang tên Phanxico của Giáo Hội, ngài khổ công tự luyện mỗi ngày gắng hiền hòa, nhẫn nhục từ từ. Ngày nọ, ngưởi anh trai thấy em mình ngày càng dịu dàng hơn trước, luôn thắc mắc không hiểu tại sao Phanxico được như vậy? Ngài trả lời: “Em biết mình dễ bực bội tức giận. Nhưng em muốn hết lòng theo gương Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Phanxico nghĩ rằng: lấy một giọt mật thì bắt được cả bầy ruồi, còn hơn lấy cả thùng giấm mà chẳng tóm được con ruồi nào.
Thời ấy, có nhà quí phái bực tức dẫn đàn chó và các gia nhân đến trước sân nhà ĐGM Phanxico Salesio. Ông cho chó sủa ầm ĩ và lệnh cho gia nhân chửi bới Đức Cha cách kịch liệt. Ông còn lên tận cửa phòng vị Giám Mục khua tay xỉ nhục ngài thậm tệ. Đức Cha cứ ngồi nghe không nói ra lời gì. Nghĩ rằng ngài khinh thị mình, nhà quí phái càng chửi rũa gấp đôi. Đức Cha vẫn thinh lặng như tượng gỗ, cuối cùng ông quí phái kiệt lực đành rút lui. Ai cũng khó hiểu tại sao Đức Cha giữ được sự thản nhiên như thế? Ngài trả lời: “Tôi đã minh ước với cái lưỡi của tôi là: bao lâu tâm hồn tôi còn xúc động, thì lưỡi tôi sẽ không nói một lời nào”.
Quả thật, Phanxico Salesio là vị thánh hiền hòa nhân hậu vì ngài biết cách để sửa mình và phương thức tốt đẹp để nên thánh. Khá nhiều lần thánh nhân giữ vững sự im lặng trường kỳ trước bao lời lăng nhục. Có lần bạn bè chứng kiến một vị lãnh chúa cứ buông lời thô tục với Đức Cha, ngài trả lời với họ sau đó: “Tôi giận sôi người lên nhưng tôi thích chết đi còn hơn là nói một lời nào đó có thể làm buồn lòng Thiên
Chúa”. Đúng vậy, phương thức nên thánh của ngài, là: Im lặng nhẫn nhịn trong sự Dịu Hiền hết sức.
Sự dịu hiền ấy, ĐGM Phanxico Salesio đã thực hiện hết mình, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa.
Phúc Âm hôm nay, Chúa mời gọi các kitô hữu: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29). Hiền hậu và khiêm tốn là 2 nhân đức tuyệt vời.
Đức Giêsu Kitô luôn hiền hòa nhân ái với các tội nhân. Không những thế, Chúa còn khiêm tốn tiếp xúc hòa nhã với mọi hiền nhân, cư xử khéo léo với biết bao người công chính.
Thánh Giám Mục Phanxico Salesio, Tiến sĩ Hội Thánh bẩm sinh là người ưa nóng giận khó tính nhưng ngài đã uốn nắn mình nên giống Chúa, học với Chúa sự hiền hòa khiêm hạ tự đáy lòng.
Ta cùng suy niệm: 1. Chúa Giêsu, Đấng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.
2. Nên giống Chúa, các Thánh đã sống hiền hậu và khiêm tốn.
3. Học với Chúa sự hiền hòa nhân ái, lòng khiêm hạ đích thật.
A. Đức Giêsu Kitô, Đấng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.
Khi nhập thể làm người, đồng hành với tha nhân giữa bao sinh hoạt thế trần, Đức Giêsu Kitô liên tục thể hiện lòng nhân ái khoan dung, sự hiền hòa khiêm hạ của một Thiên Chúa tình yêu với những người Ngài gặp gỡ và tiếp xúc.
1. Chúa không ngừng hiền hậu với mọi thành phần dân chúng trong xã hội.
o Ngài không nham hiểm, nhẫn tâm kết án chị phụ nữ phạm tội ngoại tình (Ga 8:11).
o Ngài yêu mến mở rộng vòng tay chào đón các trẻ em chạy đến với Ngài (Mt 19:14).
o Ngài nhẫn nhịn cảm thông, tha thứ cho việc Phêrô chối Thầy ba lần (Lc 22:61).
o Ngài chịu sự khinh thị của dân Nazareth (Mc 6:4-6), của dân xứ Samaria (Lc 9:53).
o Ngài cởi mở quảng đại đón tiếp Nicodemo đến đàm thoại với mình ban đêm (Ga 3:1-2).
o Ngài sẵn sàng cam chịu để Giuđa nộp bán Ngài cho kẻ dữ (Mt 26:14-16).
o Ngài im lặng cho bọn gian phi khạc nhổ, xỉ nhục, hành hạ mình ghê tởm (Lc 22:63-65).
2. Chúa lại còn thể hiện sự khiêm nhường với bao người mà Chúa yêu thương.
o Chúa khiêm hạ hết lòng vâng theo Thánh Ý Cha uống trọn chén đắng (Mt 26:39).
o Chúa giáng sinh làm người trong cảnh nghèo hèn túng thiếu không ai hay biết (Lc 2:7).
o Chúa âm thầm ẩn dật học nghề thợ mộc với dưỡng phụ Giuse (Mc 6:3).
o Chúa trìu mến khép mình vào nhà Giakêu bị người ta ruồng bỏ (Lc 19:5-7).
o Chúa khuyên bảo mọi người hãy chọn chỗ ngồi thấp bé trong bữa tiệc (Lc 14:10).
o Chúa khiêm tốn cúi mình rửa chân cho từng môn đệ dấu yêu (Ga 13:5).
o Chúa được mai táng trong huyệt đá nhờ vả của ông Giuse Arithmathia (Mt 27:59-60).
Rõ ràng, từng bước chân của Chúa, đều để lại trong lòng người dương thế: nét hiền hòa nhẫn nhục, vẻ dịu dàng khiêm tốn, chan hòa tình mến thiết tha.
B. Nên giống Chúa, các Thánh đã sống hiền hậu và khiêm nhường.
Ta hiểu thế nào về hai chữ Hiền Hậu?
Hiền Hậu là ôn hòa đằm thắm, dáng vẻ dịu dàng, cử chỉ nhẹ nhàng nết na, thân thiện ngoan hiền.
Người hiền hậu là người tốt lành tốt bụng, không hề có hành động muốn hãm hại người khác. Kẻ hiền hòa nhân ái là kẻ có tài có đức, phẩm hạnh tốt đẹp, sống yêu thương không báo thù ai.
Tóm lại: người hiền hậu thường có Tư Tưởng ôn hòa, Lời Nói thân thiện, Hành Động nhẹ nhàng.
Họ không buông lời sai trái, hành động vội vã khi đang cơn Giận Dữ, Nóng Nảy.
Thánh Giuse Cupertino khi còn là chủng sinh, luôn chăm chú học hành nghiêm túc nhưng đến kỳ thi nào cũng bị “trượt vỏ chuối”. Bề Trên biết ngài là người đức hạnh, nhiệt tâm ao ước được làm linh mục, nên cảm thông cho ngài vượt qua đợt thi cử. Lần nọ, trong cuộc thi vấn đáp các chủng sinh, ngài xếp hàng đứng ở giữa các bạn. Đức Giám Mục bắt đầu khảo hạch các Thầy đứng đầu, ai nấy đều trả lời trôi chảy, Đức Cha ưng ý lắm. Sau đó, để tiết kiệm thời gian, Đức Cha nói: “Thôi, bây giờ tôi khảo hạch các Thầy phía cuối, xem có thuộc Thần Học không?”. Ngài ngạc nhiên, họ cũng thưa đáp gọn gàng tốt đẹp. Thấy vậy, Đức Cha xoa tay tuyên bố: “Vậy là đủ rồi. Tôi đã khảo hạch Thầy nào cũng thuộc làu cả, nên tôi không cần khảo thêm các Thầy đang đứng ở giữa nữa”. Tất cả một phen hú hồn, Giuse Cupertino thở phào nhẹ nhõm, miệng tíu tít cám ơn Bề Trên đã khiến Thầy bớt nỗi lo thi cử triền miên.
Sau đó, Giuse Cupertino được làm Linh Mục, rồi trở thành một vị thánh quen thuộc ở Âu Châu. Nhiều người đã chọn thánh nhân làm Quan Thầy cho những thí sinh sắp sửa vào kỳ thi…
Ta nghĩ thế nào về hai từ Khiêm Nhường?
Khiêm Nhường là khiêm nhu nhẫn nhịn trong quan hệ đối xử, không tranh giành, khoe khoang. Người khiêm nhường luôn Hiểu mình, Biết người => dễ Nhã Nhặn, Lắng Nghe người khác. Kẻ khiêm nhượng trong lòng, không muốn tự đề cao, khoe khoang khoác lác mình với tha nhân.
Nói chung: người khiêm tốn thật là người luôn khép mình học hỏi, tự nổ lực bản thân để cầu tiến, biết Nhận cái Ưu của tha nhân mà bắt chước, Hiểu cái Khuyết của mình để chỉnh đốn hoàn thiện.
Thánh Gioan Maria Vianney học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng có lòng đạo đức và sự kiên tâm tu luyện kiến thức, nên Đức Giám Mục Giáo Phận đã cho ngài được thụ phong Linh Mục. Khi làm cha sở giáo xứ Ars nghèo nàn khô đạo, Chúa ban cho Cha nhiều ơn đặc biệt. Nhờ đó, Cha cứu được số đông các linh hồn khỏi ách nô lệ Satan cám dỗ. Một lần nọ, Satan xuất hiện nói với Cha:“Nếu trên thế giới có hai đứa như mày, thì bọn tao đành phải thất nghiệp dài dài”. Song le, Cha không hề cao ngạo, không hề ỷ lại vào Ơn Thánh Chúa ban. Cứ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần, Cha lại mang giấy bút lên phòng Thánh để dọn bài giảng cho Chúa Nhật sắp tới. Bên cạnh đó, ngài luôn mua sách tu đức để học hỏi thêm.
Ngày nay, người ta vẫn lưu giữ được một tủ sách khá lớn của Cha Gioan Maria Vianney (Pháp).
Ta thấy: mỗi vị Thánh đều khiêm tốn khai thác triệt để những “nén bạc” Chúa trao cho mình, hầu phụng sự Hội Thánh, phục vụ các linh hồn mỗi ngày một đắc lực và hiệu quả hơn.
C. Học với Chúa sự hiền hòa nhân ái, lòng khiêm hạ đích thật.
Ông Bà tổ tiên VN xưa thường nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đức Khổng Tử cũng dạy ta “Ngọc bất trát, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” (Viên ngọc không gọt dũa, không đẹp nét. Người không học, sẽ khó thông lý lẽ). Việc học hỏi để mở mang kiến thức, để có đủ lý trí nhận định; thật cần thiết. Bởi lẽ, “những gì ta biết mới chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết còn cả một đại dương bao la”.
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII là một mẫu gương cho ta trong việc bền chí học tập, bất kể tuổi đời cao
niên hay hoàn cảnh bận rộn liên miên. Vừa được bầu làm Giáo Hoàng khi đã 77 tuổi, Đức Thánh Cha làm ngạc nhiên thế giới khi quyết định khai mở Công Đồng Vaticano II cho toàn thể Giáo Hội. Trong các buổi thảo luận ở Công Đồng, tất cả mọi nghị phụ đều thống nhất dùng tiếng La Tinh làm ngôn ngữ chính. Tự biết mình chưa thông thạo La Ngữ mấy, Đức Gioan XXIII đã viết trong hồi ký: “Chúa Nhật 09/9/1962: phải tiếp Lm. Ciappi để ôn học La Ngữ, chuẩn bị diễn văn trong các phiên họp tôi chủ tọa”.
Rõ ràng, một Vị Cha Chung khi ấy 81 tuổi, đầu tóc bạc phơ, vẫn miệt mài học lại La Tinh.
Sau đó, ngài viết thêm trong hồi ký: “Thứ Năm 13/9/1962, vẫn bàn chuyện đạo đức với linh mục Ciappi bằng La Ngữ, tập nói lại cho quen”.
Bên cạnh việc ôn lại La Ngữ, Đức Thánh Cha học thêm Anh Ngữ suốt thời gian là Giáo Hoàng.
Việc nghiên cứu khoa học Đời đòi buộc ta chuyên chăm liên tục. Việc học lý lẽ Đạo càng phải chú trọng triệt để hơn. Nhất là khi ta khao khát được học với Chúa sự Hiền Hậu và Khiêm Nhường đích thực.
1. Từ ngàn xưa, Đức Giêsu Kitô đã là một Thầy Dạy tuyệt vời.
o Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, toàn trí.
o Lời giảng dạy của Chúa: lời quyền uy, thu phục nhân tâm, rộng mở kho tàng đạo lý.
+ Ngài quen kể dụ ngôn giúp người đương thời dễ dàng đón nhận và hiểu rõ.
+ Ngài dùng lời lẽ khôn ngoan khi thảo luận với các thầy tiến sĩ trong đền thờ.
+ Ngài sử dụng lý chứng đầy thuyết phục, đánh tan luận điệu giả hình của Biệt Phái.
+ Ngài phán dạy uy quyền chế ngự, truyền lệnh trục xuất thần ô uế ra khỏi bệnh nhân.
o Chúa không đơn thuần dạy lý thuyết nhưng Ngài thể hiện cuộc sống đi đôi với lời dạy.
+ Chúa minh họa những lời dạy bằng các hành động yêu thương tội nhân…
+ Chúa thương xót dân chúng qua việc chữa lành bệnh tật cho muôn người.
+ Ngài thể hiện một Thiên Chúa quyền năng khi xua trừ Satan, Ma Quỷ phải khiếp sợ.
2. Là kitô hữu, ta thành tâm học hỏi với Chúa đêm ngày.
o Học với Chúa về mầu nhiệm Nước Trời, dạy cho ta biết có một Thiên Chúa Ba Ngôi.
o Học với Chúa sứ điệp Yêu Thương: kính mến Thiên Chúa hết lòng hết trí khôn và yêu thương anh chị em chung quanh như chính mình (không hằn thù, báo oán, hủy diệt nhau).
o Học với Chúa sống Hiền Hòa:
+ Không kết án hay xét đoán / Không hằn giận hay báo thù / Không gieo hận hay trả oán.
+ Không ghen tị hay tranh chấp / Không tạo phe nhóm, chia rẽ, mất hiệp thông liên kết.
+ Biết khoan dung luôn tha thứ / Biết cho đi cách quảng đại / Biết cảm thông tạo hòa hợp.
o Học với Chúa sống Khiêm Nhường:
+ Luôn đặt Chúa vượt trên các tà thần (lạc giáo, sắc dục, tiền tài, danh vọng, ma quỷ…)
+ Luôn để ích lợi chung tập thể lên trên mọi sở thích, đắc thủ cá nhân.
+ Luôn biết mình bé nhỏ, cần tiếp thu học hỏi tha nhân hơn nữa để lớn lên với người.
+ Luôn phục vụ cộng đồng hơn là mong được phục vụ.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!!
Chúa ghét kẻ kiêu căng ngạo mạn nhưng thương người khiêm nhường hèn yếu.
Chúa hạ người quyền thế xuống khỏi vị cao và nâng lên những người phận nhỏ.
Xin giúp con học nơi Chúa, Đấng hiền hòa và khiêm nhường trong lòng,
bằng việc sống theo con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng mà thánh Têrêsa Hài Đồng đã đi xưa. AMEN.
==========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.