Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XIII Quanh Năm A (Mt 10:37-42)
KHÔNG VÁC THẬP GIÁ, KHÔNG XỨNG ĐÁNG LÀ MÔN ĐỆ
==================================================
Ngày 02/02/2018, ĐGH Phanxico chính thức bổ nhiệm Cha Philipphe Christony, một linh mục 60 tuổi của TGP. Paris làm Giám Mục Giáo Phận Chính Tòa Chartres. Vừa nhận được tin vui, Đức Cha tân cử hết lòng tạ ơn Chúa và chọn cho mình khẩu hiệu: “Je suis venu pour qu’ils aient la vie abondance” (Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào: Ga 10,10). Sau đó, ngài quyết định đi bộ quảng đường dài 100 km (suốt 5 ngày) về nhận nhiệm sở mới của mình. Mỗi tối, Đức Cha dừng chân và nghỉ đêm tại một giáo xứ nào đó trong Giáo Phận Chartres mới lạ.
Sự việc khác thường này gây ngỡ ngàng ngạc nhiên cho nhiều người. Bởi lẽ, việc ấy xảy ra tại quốc gia văn minh như nước Pháp, nơi mà có rất nhiều phương tiện giao thông hiện đại, đâu cần phải đi bộ mỏi chân. Thế nhưng, Đức Cha tân cử quyết định thực hiện điều đó với nhiều lý do: ngài cần chết đi con người cũ, mặc lấy con người mới, “Tôi đi bộ đến nhiệm sở mới để thay đổi cái nhìn cũ” / vị Mục Tử cần đến gần giáo dân mình. Đi Bộ là cách đơn giản và cụ thể giúp ngài tách biệt khỏi đời sống 20 năm đã qua là cha Xứ, để uốn nắn mình trong vai trò mới đang chờ đợi Đức Cha ở GP Chartres.
Có nhiều người hân hoan, hào hứng với hành động của ĐGM Philipphe Christony. Một vài linh mục và khá đông giáo dân cũng muốn đồng hành với ngài. Họ thấy nơi vị Mục Tử mới: con người mộc mạc giản dị, dễ gần dễ thương dễ mến, hiền lành khiêm nhượng nhiệt tình, khỏe mạnh năng động độc đáo… Điều mà giáo dân mong ước nơi ngài, chính là “xin Đức Giám Mục gần gũi với linh mục và với giáo dân” thêm. Đúng vậy, suốt thời gian đi bộ quảng đường dài, Đức Cha đã thấy cảnh đồng quê thật tuyệt vời, làng mạc hài hòa ấm cúng; khác hẳn bầu khí nhộn nhịp xa hoa của phố phường Paris.
Làm Giám Mục thì khác xa với làm Linh Mục. Giám Mục là người kế vị các Tông Đồ, được đặt làm Mục Tử chăn dắt đàn chiên Chúa trong giáo phận mình. Lời Chúa phán hôm nay: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10:38), giúp ta suy nghĩ và hồi tâm thêm.
• Các tông đồ ngày xưa đã dứt khoát từ bỏ thuyền và lưới, rời xa cha mẹ & người thân, đón nhận mọi khốn khó nghịch cảnh trên đường theo Chúa => mới có thể là Môn Đệ Chúa đến cùng.
• Đức Cha tân cử Philipphe Christony gắng rời khỏi môi trường GX ở Paris hoa lệ tiện nghi sung túc để lên đường đón nhận một Giáo Phận miền quê hẻo lánh. Ngài vui với thập giá bổn phận, sẵn sàng đi bộ qua từng giáo xứ, để “nếm thử mùi chiên” mà ngài sẽ là chủ chiên chăn dắt họ.
Không vác nổi thập giá mình thì không thể xứng đáng là môn đệ Chúa được. Vì vậy, ta cùng suy niệm:
1. Lắm người đã chối bỏ nhưng không thiếu những tâm hồn vui nhận Thập Giá mình.
2. Phần thưởng đích thật cho người dám đón nhận Thập Giá trong cuộc đời.
3. Cố gắng yêu mến Thập Giá bổn phận riêng mình.
A. Lắm người chối bỏ và không thiếu kẻ vui nhận Thập Giá.
Thập giá, xưa kia là một hình phạt của chính quyền đế quốc Roma áp đặt lên người dân thuộc địa. Kẻ phạm tội nặng bị kết án tử lúc ấy, thường phải vác cây thập tự đến nơi thọ hình, thân xác mình chịu đóng đinh vào đó. Suốt ba năm rao giảng cho người Do Thái, Đức Kitô nhận mình là Con Thiên Chúa, họ cho Ngài là nói phạm thượng. Họ đồng thanh kết tội Chúa phải chịu án tử, đóng đinh vào thập giá.
Và Chúa đã chết trên thập giá để cứu độ nhân loại. Thập giá đó là cây cứu rỗi, trở thành Thánh Giá.
Thập giá là biểu tượng của hình phạt sự dữ, của đau khổ cùng cực, của những nỗi đớn đau trong đời.
Vác thập giá mình là gánh lấy những đau khổ truân chuyên, những gian nan khốn khó mình đối diện.
1. Đã có lắm người chối bỏ không muốn gặp thập giá.
• Chàng thanh niên giàu có không muốn bán mọi của cải mình có để giúp người nghèo. Anh bỏ mất sự sống đời đời mà anh khao khát ước ao tận hưởng (Mt 19:16-21).
• Nhiều môn đệ theo Chúa đã lâu, tự dưng bỏ cuộc rút lui vì không tin lời Chúa dạy về Bánh Hằng Sống (Ga 6:60). Họ đánh mất gia nghiệp vĩnh cửu Chúa đã hứa ban.
• Tông đồ Giuđa Iscariot theo làm môn đệ Chúa đã nhiều năm, tự dưng tham tiền ham của mà thay lòng đổi dạ, bán Thầy cho phường gian ác (Mt 26:14-16). Anh vỡ mộng theo Chúa khi không đạt được vinh quang theo ý mình mơ ước.
• Bị treo trên thập giá đau đớn, anh gian phi không chấp nhận hình phạt mình đang chịu, cứ luôn miệng sỉ vả, nhục mạ Chúa, mong Ngài ra tay cứu vớt cả ba tử tội (Lc 23:39).
2. Không thiếu những hiền nhân vui nhận thập giá đến với mình.
• Trên đường lên đỉnh đồi Canvê chịu thọ hình, Chúa Giêsu được một người tên là Simon Kyrênê ghé vai chung sức vác thập giá với Ngài (Lc 23:26).
• Cũng theo Chúa trên đường thập tự đó, dù có nhiều môn đệ khác đã bỏ Chúa trốn đi hết nhưng vẫn còn Gioan trung tín, can đảm theo chân Thầy đến phút cuối cùng (Ga 19:26)
• Khi toan dự tính chạy trốn bạo chúa Neron đang lùng giết bách hại các kitô hữu, thánh Phêrô bất chợt thấy Chúa vác thập giá đi ngược chiều vào Giêrusalem. Nhận ra ý Chúa tỏ lộ, Phêrô đã trở lại thành thánh để cùng Chịu Đóng Đinh như Thầy Chí Thánh.
• Vâng lời Chúa đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Phaolo đã chịu đựng bao cực hình đau đớn: tù ngục, năm lần bị 39 roi vọt, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh lạc lỏng giữa biển khơi.. Bên cạnh đó, ngài còn trực diện nhiều nguy hiểm khác nữa: cướp bóc, đói khát, nhịn ăn nhịn uống, rét mướt trần truồng. Nói chung, Phaolo gặp nhiều khó khăn không kể xiết (II Cr 11: 23-27).
Trong niềm tin vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh, kẻ vui nhận thập giá đời mình luôn xác tín rằng: “Nếu họ kiên tâm chịu đựng, họ sẽ cùng được hiển trị với Chúa” (II Tm 2:12) trên quê Trời sau này.
B. Phần thưởng đích thật cho người dám đón nhận Thập Giá.
Agata là một thôn nữ xinh đẹp tại đảo Sicilia (Ý). Thời cấm đạo thế kỷ III, cô âm thầm giữ vững niềm tin Kitô Giáo. Nhiều thanh niên trai tráng khỏe mạnh xin kết hôn với nàng nhưng Agata từ chối, quyết sống đời tốt lành thuộc về Chúa. Họ tức giận tố cáo với quan địa phương, buộc cô phải bỏ đạo. Cô không sợ tù tội, chịu đánh đòn roi vọt dã man. Quan ra lệnh tước đoạt quần áo Agata, cho lăn tròn trên than hồng và những mảnh thủy tinh vỡ, sắc nhọn. Tức thì, một trận động đất dữ dội xảy ra. Hoảng sợ, họ truyền tống giam Agata vào ngục. Cô tắt thở trong trại tù sau đó, ngày 05/02/251.
Cô đã bảo toàn trinh tiết với cái Chết anh hùng, vui nhận thập giá vì trung tín theo đạo Chúa.
Có một lần thánh Phêrô đã thân thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy! Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì?” (Mt 19:27). Và Chúa đã trả lời ông cách khéo léo.
Chúa cho thấy trước những phần thưởng khích lệ cho người dám đón nhận Thập Giá đi theo Chúa:
• Được ngự trên Tòa Cao vinh hiển với Chúa trên cõi phúc hằng sống (Mt 19:28).
• Được phúc lộc gấp trăm, gấp bội đời này (Mt 19:29).
• Được sự sống vĩnh cửu đời sau (Mc 10:30).
• Được vui mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời (Lc 10:20).
• Được Chúa mạc khải những điều bí nhiệm mà các bậc khôn ngoan không biết (Mt 11:25).
• Được thấy và nghe những gì mà các ngôn sứ và người công chính khao khát (Mt 13:16-17).
Tuy nhiên, Chúa cũng nói rõ cho họ biết: bên cạnh những phúc lợi gấp trăm gấp bội đời này được tận hưởng, họ sẽ phải đối diện “sự ngược đãi” (Mc 10:30) song song với sự sống vĩnh cửu đời sau.
Nghĩa là: + có vác được thập giá hôm nay, mới đạt vinh quang ngày mai.
+ có gieo trong lệ sầu nước mắt, mới gặt trong nụ cười hân hoan.
+ có chịu đau khổ với Chúa, mới cùng Người được hưởng vinh quang (Rm 8:17).
C. Gắng yêu mến Thập Giá bổn phận mình.
Tại thành phố Herzegovina (nước Croatia), Thánh Giá tượng trưng cho tình yêu tối thượng, là kho báu của ngôi nhà. Khi cô dâu chú rể bước vào nhà thờ dâng lễ Cưới, họ mang theo một cây thánh giá. Linh Mục chủ tế sẽ chúc lành trên thánh giá đó. Trong thánh lễ, khi đến phần trao nhau lời Thề Hứa, cô dâu sẽ đặt tay phải lên cây Thánh Giá và chú rể sẽ đặt tay mình lên tay vị hôn thê. Cả hai cùng đan tay nhau trên cây Thánh Giá chung cuộc đời họ. Hình ảnh ấy đượm nồng ý nghĩa: họ thề nguyện sẽ chung thủy với nhau, dù vui hay buồn, ốm đau hay mạnh khỏe, gắn bó nhau cho đến chết mới thôi.
Sau đó, thay vì Hôn Nhau, cô dâu và chú rể sẽ cùng hôn cây Thánh Giá của họ. Vị linh mục sẽ nói: “Chúng con đã tìm thấy cây thập giá của mình. Đó là thập giá để yêu thương, để mang theo bên mình. Một thập giá không phải để vứt bỏ nhưng là để trân trọng”. Nếu một trong hai người rời bỏ người kia, người ấy sẽ xa rời Chúa Kitô trên thập giá.
Khi kết thúc hôn lễ, họ mang Thánh Giá về nhà, đặt để trên nơi trang trọng trong tư gia mới.
Thánh Giá yêu thương, Thánh Giá nối kết bổn phận cuộc đời cô dâu chú rể sống chết cho nhau.
1. Mỗi Ơn Gọi trong đời sống, luôn có nhiều hy sinh thử thách khác nhau.
• Là cha mẹ: phải lao động mưu sinh, kiên tâm giáo dục con cái, cô đơn tuổi già hiu hắt.
• Là thầy cô: miệt mài con chữ thường xuyên, soạn giáo án kỹ lưỡng, “bán cháo phổi”…
• Là binh sĩ: liều mình hy sinh xương máu, chiến đấu cực nhọc, bảo vệ an ninh tổ quốc.
• Là cảnh sát: ngang dọc phố xá ngày đêm, gìn giữ trật tự xã hội, chế ngự bọn gian phi..
• Là chủ chiên: dấn thân phục vụ đàn chiên, tận tụy bổn phận thiêng liêng, gìn giữ và bảo vệ đàn chiên khỏi lầm đường lạc hướng, xa lìa chính lộ ngàn đời…
2. Can đảm đón nhận Thập Giá bổn phận với lòng yêu mến phục vụ.
• Luôn ý thức trách nhiệm và cố gắng thực thi.
• Biết quan tâm đến mọi nhu cầu thiết thực.
• Nhiệt thành chu toàn tích cực mong đạt hiệu quả tốt đẹp.
Cha Gioan Cassaigne, Tu Hội Truyền Giáo Thừa Sai Paris, được Bề Trên sai đi truyền giáo
tại Việt Nam năm 31 tuổi. Ngài phụ trách một giáo xứ ở miền cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng),
nơi có 133 người phong cùi đang được chăm sóc. Năm 46 tuổi, Cha được Tòa Thánh đặt làm
Giám Mục cai quản GP. Saigon. Bất ngờ hai năm sau đó, bác sĩ phát hiện Đức Cha đã nhiễm
bệnh cùi, nên ngài từ chức xa rời thủ đô Saigon về lại làng cùi sinh sống 30 năm tại đó, cho
đến khi qua đời ngày 05/11/1973, hưởng thọ 78 tuổi. Cha viết trong di chúc: “Tôi ao ước chịu
đau khổ vì danh Chúa. Tôi mong được an nghỉ giữa những anh chị em bất hạnh. Tôi vui sướng
được hiến thân cho quê hương Việt Nam trọn đời của tôi”.
3. Tín thác mọi trách vụ bổn phận mình vào Ơn Thánh Chúa đỡ nâng.
• Năng cầu nguyện xin Ơn Chúa soi sáng, để biết và thực hành đúng bổn phận mình.
• Mong Thần Khí Chúa đồng hành trong khi ta hết lòng chu toàn trách nhiệm.
• Khởi sự làm mọi việc theo Thánh Ý Chúa, để Ngài dẫn dắt các việc ấy đến hoàn tất.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!!
Đời sống hàng ngày ai cũng thích an nhàn thanh thản, không ai muốn gian nan nguy hiểm.
Đôi khi khó khăn nghịch cảnh kéo đến, thập giá bệnh tật nan y xảy ra, họ dễ dàng thất vọng.
Xin giúp con kiên vững từng bước đi trên đường thập giá, gắng vượt qua từ từ bao hy sinh vất vả,
mong có ngày ‘được hiển trị’ với Chúa trong vinh quang Phục Sinh. AMEN.
=========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.