Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật VI Quanh Năm B
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT NHÂN LOẠI (Mc 1:40-45)
============================================
Trong lịch sử Giáo Hội, thánh Rita Cassica là một trong những vị thánh thời danh của Giáo Hội, nổi tiếng là vị “Thánh của những trường hợp vô vọng” (impossible) vì bất cứ điều gì nan giải chạy đến cùng thánh nữ nhờ ngài cầu bầu cùng Chúa, ắt sẽ được Thiên Chúa nhậm lời. Được biết Rita sinh năm 1381 tại thành Cassica thuộc tỉnh Umbria (Italy). Cha mẹ ngài vốn hiếm muộn không con trong tuổi già. Họ luôn kiên trì khẩn nài cùng Chúa nên Chúa ban cho họ một người con yêu quý là cô con gái Rita. Đến tuổi khôn lớn, Rita muốn dâng mình cho Chúa nhưng cha mẹ muốn cô phải lập gia đình.
Năm 12 tuổi, Rita kết hôn với một thanh niên dòng dõi quý tộc. Anh rất khô đạo, ưa cọc cằn hành hạ vợ mình. Vốn tâm hồn đạo hạnh, Rita hiền hòa chịu đựng và kiên nhẫn cầu nguyện. Cuối cùng, vị hôn phu đã thay đổi nếp sống, tận tâm yêu mến Rita hơn. Chúa chúc phúc cho tình yêu của họ có 2 con trai kháu khỉnh. Ngày nọ, trong một cuộc tranh chấp bất hòa của dòng tộc, người chống của Rita bị kẻ thù giết chết. Bà sẵn sàng tha thứ cho tên sát nhân nhưng hai con trai của Rita lại quyết tâm trả thù cho cha. Khuyên bảo các con không nghe, Rita liên tục xin Chúa đừng để chúng phạm điều gian ác.
Và Chúa nhậm lời bà khi trong cùng một năm, cả 2 người con của Rita đều ly trần. Bà xin vào tu ở dòng Augustino tại Cassica nhưng bị Nhà Dòng từ chối vì Rita đâu còn là trinh nữ như các soeurs. Bà nhẫn nại khẩn cầu Chúa giúp bà đạt ước nguyện. Chúa đã cho hai thánh Gioan Tẩy Giả và Augustino hiện ra dẫn Rita đến nhà dòng Madalena đang khi tu viện ấy còn kín cổng cao tường. Tại đó, Rita được nhận vào Dòng, sống trong bầu khí cầu nguyện và chiêm ngắm, ngày ngày hầu hạ bệnh nhân và dân nghèo; được 40 năm trong tu viện, đoạn qua đời ngày 22/5/1457, hưởng thọ 76 tuổi.
Rita được người đời xem là Peacemaker (người đem an bình), “Saint of the Impossible”. (Vị Thánh của người vô vọng), “the Saint who asks too much” (bà Thánh xin nhiều quá). Rõ ràng, ta thấy:
- Rita thành Cassica có lòng thương xót tha nhân quá đỗi. Hễ ai có nhu cầu thiết thực, tìm đến với Rita nhờ ngài khấn xin cùng Chúa: Chúa lại thương chúc lành cho việc ấy được hoàn hảo. Lời cầu nguyện của thánh nữ Rita như có năng lực vô song, hữu hiệu.
- Đọc lại Tin Mừng hôm nay, ta cũng chứng kiến Chúa thương xót người mắc bệnh phong đau đớn. Ngài đụng vào tay anh, khiến cơn bệnh nan y trong anh biến mất. Tình Chúa yêu thương lan tỏa đến tất cả những bệnh nhân có đức Tin bền bỉ, có lòng cậy trông & mến Chúa cao độ.
Ta cùng suy niệm:
- Thiên Chúa thương xót con người.
- Thiên Chúa xua tan mọi âu lo đè nặng trên con người.
- Sống đức Tin vào một Thiên Chúa tình thương.
A. Thiên Chúa thương xót con người.
Khởi đầu cuộc sáng tạo vũ trụ huy hoàng đẹp đẽ, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hinh ảnh Chúa, cùng ban cho tổ tông loài người quyền làm chủ trên mọi sinh vật. Điều ấy nói lên tình thương của Thiên Chúa hằng ưu ái con người biết chừng nào. “Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 144:16)
Cho đến hôm nay, khi nhận ra mình được vinh phúc làm con Chúa qua bí tích Thánh Tẩy, người Kitô hữu không ngớt cảm nhận tình Chúa thương yêu nhân loại thật cao vời khôn ví, không gì so sánh được tương xứng.
- Thay vì toàn thể nhân loại phải chết vì tội bất phục tùng Thiên Chúa, Chúa vẫn hứa ban Đấng Cứu Thế đến chuộc tội đền thay con người.
- Thay vì con người phải mang bệnh tật đớn đau, Chúa lại ra tay chữa lành những nhức nhối thể lý của biết bao bệnh nhân tìm đến với Ngài.
- Thay vì các tội nhân phải khốn khổ vì những dằn vặt nội tâm ray rứt, Chúa lại gửi Thánh Linh của Ngài đến làm nguồn an ủi trợ lực, đỡ nâng con người khỏi bi quan thất vọng.
- Thai vì loài người phải chịu sự thống trị ngàn đời của Satan, Thiên Chúa đã sai Con Ngài giáng trần, dùng quyền năng mạnh mẽ xua trừ, tận diệt thần ô uế nơi họ.
Trên hết và trước hết: Chúa thương xót con người vì họ biết tin tưởng, chạy đến kêu cầu Chúa, không cậy trông nơi các tà lực bên ngoài chẳng hề có thực quyền. Người mù tên Bartimê liên tục kêu to: “Lạy ông Giêsu, con Vua Đavít! Xin rủ lòng thương tôi” (Mc 10: 48). Đúng vậy, Chúa đã tỏ lòng thương xót người khuyết tật bất hạnh ấy.
B. Thiên Chúa xua tan mọi âu lo đè nặng trên con người.
Sinh, bệnh, lão, tử là bốn cái khổ dằn vặt con người đêm ngày khiến họ không sao ăn ngon ngủ yên. Trong đó, cái Bệnh là cái dai dẳng mà con người không thể nào thoát khỏi và trốn tránh được. Chính trong sự tuyệt vọng đó, Thiên Chúa đã giơ tay chữa lành mọi bệnh tật đang hành hạ thể lý bệnh nhân.
- Chúa chữa lành cho mắt anh mù được sáng, thấy mọi sự chung quanh tỏ tường (Mc 8:25).
- Chúa cho những người què quặt, đui mù, tàn tật được lành bệnh (Mt 15:30).
- Chúa ra lệnh kẻ bất toại chỗi dậy, vác chõng về nhà thoải mái (Mc 2:11-12).
- Chúa đặt tay Ngài trên anh cùi, khiến bệnh phong hủi tự dưng biến mất (Mc 1:42).
- Chúa giúp anh điếc nghe và hiểu đầy đủ mọi điều mắt thấy, tai nghe (Mc 7:34-35).
- Chúa mạnh tay xua đuổi thần ô uế Satan ra khỏi người bệnh thật nhanh chóng (Mc 1:25-26).
- Chúa truyền phán một lời, tử thi nằm trong quan tài sống lại hiển nhiên (Lc 7:14-15).
- Chúa thương xót chàng tê liệt đã 38 năm bên bờ hồ Cửa Chiên, Ngài làm phép lạ giúp anh được khỏi bệnh, vác chõng và đi được (Ga 5:1-9).
Nói chung, Thiên Chúa xót thương con người vì họ có lòng tin chân thành nơi Ngài: “Đức tin của con đã cứu con” (Mc 10:52). Người mắc bệnh phong trong Tin Mừng hôm nay, đã khiêm tốn quỳ xuống trước mặt Đức Giêsu Kitô, biểu lộ niềm tin vào Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Chạnh lòng thương xót, Chúa giơ tay đụng vào anh, lập tức bệnh phong biến khỏi (Mc 1:42).
C. Sống đức Tin vào một Thiên Chúa tình thương.
“Tôi tín nhiệm cha, mới sai cha đến xứ Ars, một xứ đạo chẳng có lòng đạo đức bao nhiêu”. Đó là lời vị Giám Mục GP. Lyon nói với cha Gioan Vianney khi trao cho ngài bài sai làm cha sở xứ Ars. Lời Đức Cha chủ chăn Giáo Phận nói không sai: ngày đầu tiên đến nhiệm sở, không ai đón tiếp Cha sở, lễ ngài dâng khi ấy chỉ có một vài người tò mò đến tham dự. Thậm chí, Chúa Nhật hàng tuần, cả con nít lẫn người lớn đều bận đi làm, không ai màng đến thánh lễ trọng với ông cha xa lạ.
Thất đàn chiên khô khan nguội lạnh như thế, Cha Vianney rất đau khổ. Ngài tìm cách lân la làm quen để gần gũi họ. Mỗi buổi chiều, người dân địa phương thấy ông cha lang thang ngoài đồng, hỏi han cười vui với nông dân. Nhờ vậy, sau một thời gian cha con thông hiểu và quý mến nhau hơn. Các cư dân địa phương ngạc nhiên trước sức hấp dẫn kỳ diệu phát sinh từ ông linh mục đơn sơ giản dị ấy. Cha chăm chú ngồi tòa Giải Tội lâu giờ. Nhiều tội nhân đi xưng tội thuộc đủ mọi giáo xứ khắp nơi, cả những giáo phận khác, quốc gia khác cũng đến xưng tội với cha Gioan Vianney.
Điều gì thu hút họ đến đông như vậy? Thưa: quả tim của Cha. Cha Vianney có quả tim tràn đầy tính yêu Chúa với những kẻ tội lỗi. Nhiều đàn ông cứng cỏi ban đầu đến xứ Ars cố ý chỉ trích chế nhạo ngài nhưng về sau: chính họ phải thú nhận “từ nơi cha có một sức gì quá ư mãnh liệt khiến tôi không thể không vào tòa Giải Tội, xứng hết các tội lỗi, đoạn trở về đổi mới hân hoan!”. Có cả các vị Hồng Y, Giám Mục cũng bị thu hút đến xưng tội. Cứ buổi trưa, họ cũng tới xứ Ars ngồi hàng ghế giáo dân để nghe Cha sở Gioan Vianney dạy giáo lý nữa.
Có ai ngờ: một ông cha bị anh em LM cho là dốt nát nhất, lại dạy cho hàng vị vọng trong Giáo Hội.
- Chính trái tim Cha Vianney ngập tràn tình yêu Chúa đã giúp tâm hồn các tội nhân nhận ra lòng nhân ái bao la của một Thiên Chúa tình thương.
- Chính cuộc sống đơn sơ thánh thiện của Cha Sở xứ Ars đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu, thức tỉnh những cõi lòng chai đá biết ăn năn sám hối, trở lại với Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
TIN là khởi điểm giúp con người nhận được Ơn Cứu Độ của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hy sinh giang tay chịu chết trên thánh giá, đền thay tội lỗi cả nhân loại hư vong. Kitô hữu không những tuyên xưng đức tin vào Chúa trên môi miệng nhưng còn phải cụ thể hóa lời xác tín ấy bằng hành động bên ngoài. Bởi lẽ, “đức tin không có việc làm thí quả là đức tin chết” (Gc 2:17).
Trong sinh hoạt sống Đạo, người Kitô hữu thể hiện hành động đức Tin qua nhiều cách thế khác nhau:
- Đón nhận Lời Hằng Sống trong quyển Kinh Thánh: đọc và suy tư Lời Chúa dạy.
- Lắng nghe tiếng Chúa: qua lời giáo huấn Giáo Hội, qua các phương tiện truyền thông xã hội của thông tin Công Giáo.
- Thực hành việc mộ đạo: kinh nguyện, dâng lễ, thực thi bác ái làm việc lành sáng danh Chúa.
- Học hỏi, đào sâu, mở rộng kiến thức Lời Chúa: website Công Giáo, khóa học hỏi, báo chí…
- Gia tăng lòng mộ mến Chúa, qua các việc: đi tour hành hương, viếng thánh địa, thăm Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ LaVang, Đức Mẹ Tà-Pao, Đức Mẹ Măng Đen, Đức Mẹ Bãi Dâu, Đức Mẹ Núi Cúi…
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!!
Tình thương là một ngôn ngữ không lời mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy được.
Chúa hằng thể hiện lòng thương xót của Chúa qua bao thay đổi thăng trầm trong cuộc sống của con.
Xin giúp con luôn vững tin vào một Thiên Chúa tình yêu, Đấng giàu lòng nhân ái và tha thứ,
Đấng thấu hiểu và cảm thông con, Đấng không hề bỏ rơi con những khi con thất vọng ê chề. AMEN.
=========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.