Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật V Mùa Chay A
CHÚNG TA CŨNG ĐI ĐỂ CÙNG CHẾT VỚI THẦY
=============================== (Ga 11:1-45)
Ngày 06/02/2023, một trận động đất khủng khiếp với 7.8 độ richter đã tàn phá hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt hại nặng nề. Nhiều người ra sức đào bới trên những đống gạch đổ nát nhằm hy vọng giải cứu các nạn nhân còn sống sót. Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ sau cơn địa chấn, con số tử thi ước lượng đã lên đến hơn 11.000 người chết. Khi ấy, tại làng Jandairis, một địa phương thuộc tỉnh Aleppo (Syria), nhóm cứu hộ vui mừng tìm được một baby mới chào đời còn sống sót bên cạnh xác người mẹ đã tắt thở.
Em được cho là “phép lạ của Jandairis”, người duy nhất còn sống trong khi các thân nhân của em đều đã chết trong vụ sập tòa nhà bốn tầng của họ. Ông Khali Sawadi, một người họ hàng xa, nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi liên tục tìm kiếm thân nhân nằm dưới đống tro bụi. Đầu tiên thấy tử thi người chị, người cha và mẹ em bé đang dính chặt với nhau. Bất ngờ chúng tôi nghe thêm một tiếng động khác khi đang đào sâu, vội vàng dọn sạch chỗ ấy và tìm thấy em bé này. Tạ ơn Chúa”.
Tin vui được lan truyền rộng rãi trên mạng khắp đất nước Syria. Cả một triệu người xem video cho thấy hình ảnh người đàn ông đang bế một baby trần truồng, phủ đầy bụi, đi ra khỏi đống đổ nát trước khi kịp quấn em trong chăn. Em bé vẫn còn dính chặt dây rốn nối với mẹ, chứng tỏ bà đã kịp sinh con ra trước khi nhắm mắt lìa trần. Họ vội vàng mang em đến bệnh viện thị trấn Afrin gần đó. Bác sĩ Hani Maarouf cho biết: “Em cân nặng 3,175 kg; sinh đủ tháng, mở mắt chào đời 7 tiếng đồng hồ sau trận động đất”.
Được đưa đến bệnh viện, chân tay baby còn tê cóng vì lạnh rét, huyết áp xuống thấp. Các y tá, bác sĩ gấp rút sơ cứu và truyền dịch cho em vì bé đã không được bú mẹ trong suốt thời gian dài. Hãng tin AFP cho biết thêm: “Tính đến nay, bé vẫn được nằm trong lòng ấp, thân thể bị bầm tím nhưng tình trạng sức khỏe ổn định”. Đúng là: một sự lạ thần kỳ đã xảy ra giữa bao nhiêu thất vọng về hậu quả của trận động đất.
Tôi chợt nhớ lại lời Đức Phật xưa, có nói: “Ôi sự sống, sống bằng sự chết”. Đời sống của đứa con được nẩy sinh từ cái chết bi thảm của người mẹ. Sinh lực của baby được thoát thai từ bao cố gắng vất vả của người mẹ. Bà biết chắc mình sẽ chết từ từ sau thảm họa nhưng bà muốn đứa con trong bụng bà phải được sống. Lẽ tất nhiên sau đó, bà đã dùng hết sức mình để hạ sinh con an toàn dưới đống gạch vụn.
Tin Mừng tuần này, ta nghe lại câu chuyện phép lạ Chúa Giêsu tái sinh sự sống cho Lazaro, người bạn của Chúa, đã chết nằm trong mồ được bốn ngày. Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” đã truyền lan sinh lực cho kẻ vừa mới sinh thì. Và Lazaro đã sống lại, ngồi dự tiệc với Chúa sau đó (Ga 12:2).
Ta cùng suy niệm:
1. Chúa Giêsu lên Giêrusalem chịu chết rồi sống lại sau đó.
2. Nhiều môn đệ cũng đi theo Chúa và cùng chết với Chúa.
3. Cùng chết đi hôm nay để được sống vinh phúc mai sau.
A. Chúa lên Giêrusalem chịu tử nạn rồi phục sinh.
Đường Tử Nạn của Chúa đã gần kề. Như bao người Do Thái khác có thói quen hàng năm về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, Đức Giêsu Kitô cũng thỉnh thoảng hòa nhịp với đồng hương về mừng đại lễ ở đó.
• Năm 12 tuổi, cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria, Con Trẻ Giêsu đã trẩy hội hành hương đến Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua (Lc 2:41). Ngồi giữa các thầy dạy, Ngài vừa nghe và đặt câu hỏi.
• Gần lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem (Ga 2:13). Ngài bện lấy dây roi, mạnh tay xua đuổi những kẻ buôn bán chiên, bò, bồ câu và những người đổi tiền ra khỏi đền thờ.
• Hôm nay, Chúa lại sửa soạn về Giêrusalem lần nữa, bất chấp sự lo ngại hoang mang của các môn đệ: “Thưa Thầy, mới đây người Do Thái đã tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến nơi đó
nữa sao?” (Ga 11:8).
Chúa vẫn tiếp tục lên đường, bởi “Ai đi ban ngày thì không sợ vấp ngã vì thấy ánh sáng mặt trời”. Chúa là ánh sáng, Ngài cứ đi theo kế hoạch của Cha Ngài, để Ơn Cứu Độ nhân loại được hoàn thành trọn vẹn.
Đường Chúa đi là đường thập giá. Ngài lên Giêrusalem để chịu bao đau khổ do các thượng tế, kỳ mục và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết. Song le, đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại (Mt 16:21).
Đỉnh điểm của Ơn Cứu Độ là sự phục sinh của Chúa. Ngài đã chết và cũng đã sống lại thật sau đó.
Sự chết không làm chủ được Ngài. Chúa là nguồn sống bất diệt, Đấng ban sự sống cho người đã chết:
• Ngài truyền sinh lực cho bé gái 12 tuổi con ông Gia-ia đã chết, được sống lại (Mc 5:41).
• Ngài sờ vào quan tài người chết, ra lệnh cho anh thanh niên hãy trỗi dậy khỏi tử thần (Lc 7:14).
• Hôm nay, đứng trước mộ người quá cố, Ngài kêu lớn tiếng: “Lazaro, hãy ra khỏi mồ”(Ga 11:43).
Đúng như lời Chúa hứa ngày xưa, khi dùng miệng tiên tri Ezekiel phán: “Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt.. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh” (Ed 37:12.14).
Với ba phép lạ Chúa làm cho “con người được sống lại từ trong cõi chết”, kitô hữu mạnh dạn xác tín:
1. Thiên Chúa là nguồn sự sống.
o Khởi đầu cuộc sáng tạo, Thần Khí Chúa bay lượn và ban sinh khí cho vạn vật (St 1:3-25).
o Từ bụi đất, Chúa thổi sinh khí vào giúp con người trở nên sinh vật sống động (St 2:7).
o Sau khi hủy diệt loài người tội lỗi với Lụt Hồng Thủy, Thần Khí Chúa lại ban cho con
trai con gái ông No-e sinh sản thêm nhiều, nhưng xác phàm tuổi đời của họ sẽ không quá một trăm hai mươi năm” (St 6:3).
2. Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Ngài đến để ta được sống và sống dồi dào (Ga 10:10).
3. Bởi thế, “Ai thấy và tin vào Chúa thì được sống muôn đời. (Dù con người có chết), Chúa cũng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:40).
4. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm thời và cuộc sống mai sau trên quê Trời mới bất diệt, vĩnh cửu. “Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người
đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (I Tx 4:14).
Do đó: sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay mà thôi.
Đặc biệt nhất, câu trả lời của Chúa nói với Matta hôm nay, đủ minh chứng cho niềm tin của mỗi kitô hữu vào cuộc sống mai sau: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11:25-26).
B. Nhiều môn đệ đã đi theo Chúa và cũng chết như Thầy Giêsu.
Thấy tâm lý chung các môn đệ hơi do dự khi cùng Thầy Chí Thánh trở lại Giêrusalem, tông đồ Toma đã khích lệ các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11:16).
Đúng vậy, sau ngày lễ Hiện Xuống, thánh nhân đã đi rao giảng Tin Mừng ở Parthia. Đoạn sang truyền giáo ở Ấn Độ rồi bị đâm bằng giáo chết tử đạo tại đó (tư liệu của Scripture Obedient Ministry). Nhiều môn đệ khác cũng tin Chúa và cũng chết theo gương Chúa khi xưa.
1. Thánh Phêrô bị đóng đinh ngược trên thập giá, đầu quay xuống đất ở Roma (Italy).
2. Thánh Giacôbê (con ông Giêbêđê) bị vua Hêrôđê chém đầu tại Giêrusalem (Cv 12:2).
3. Thánh Giacôbê (con ông Alphê) bị ném xuống đất từ nóc đền thờ Giêrusalem vẫn không chết. Họ tiếp tục dùng gậy của người thợ nhuộm vải, đánh đập thánh tông đồ cho đến chết.
4. Thánh Bartôlômêô (tông đồ Nathanael) đi rao giảng ở Armenia (Ba Tư), bị đánh bằng roi, lột da rồi thiêu sống nhưng chưa chết. Cuối cùng họ chặt đầu, đóng đinh ngài vào thập tự năm 71.
5. Thánh Anrê bị đóng đinh trên thánh giá hình chữ X ở thành phố Patras (Hy Lạp). Chúng cột thân xác ngài vào thập giá bằng những sợi dây thừng để kéo dài sự đau đớn. Ngài tiếp tục rao giảng
cho những kẻ hành hạ mình thêm hai ngày nữa mới trút hơi thở cuối cùng.
6. Thánh Têphanô bị người Do Thái lôi ra ngoài thành Giêrusalem và ném đá chết (Cv 7:58).
7. Thánh Inhaxio Antiokia bị đem ra hí trường xử tử. Bọn lính Roma thả hai con sư tử đã nhốt lâu ngày bỏ đói. Chúng gầm rống dữ tợn, xông vào thánh nhân mà cắn xé nghiền nát ngài tan xương.
8. Thánh Maximilien Maria Kolbe đồng ý chịu án tử tù thay cho một phạm nhân phải chết. Ngài hy sinh hiến mạng mình thay cho bạn tù, bị phát xít Đức bỏ đói 15 ngày và chích thuốc độc chết.
9. Thánh Marchand Du (linh mục thừa sai Pháp) bị lính tọng đá vào miệng, cột chặt ngài lại. Sau mỗi hồi chiêng trống, lý hình cắt từng miếng da trên thân thể ngài thật đau đớn cho đến 100 nhát. Vị chứng nhân của Chúa đã giãy giụa, quằn quại ngước mắt nhìn trời rồi gục đầu tắt thở. Rõ ràng vì yêu mến Đức Giêsu Kitô, các ngài sẵn sàng hy sinh chịu khổ nhục, để “cùng chết với Thầy”.
C. “Chết đi với Chúa hôm nay để được sống với Ngài vinh quang”.
Bác sĩ Albert Bruce Sabin (1906-1993) là người Ba Lan gốc Do Thái. Ông có hai người cháu gái bị bọn phát xít Đức thiêu sống trong lò sát sinh Auschwitz thời Đệ Nhị Thế Chiến. Dù mang nặng nỗi niềm u uất, ông vẫn âm thầm ngày đêm phục vụ cho y học. Thời ấy (1959-1961), hàng triệu trẻ em trên thế giới bị xóa sổ vì nhiễm bệnh bại liệt trầm trọng. May mắn thay, bác sĩ Sabin đã thành công với phát minh chế ra vaccine ngừa bại liệt. Nhờ vậy, cơn sốt bại liệt bị dập tắt hoàn toàn giống như virus Covid-19.
Tuy có bằng sáng chế trong tay, bác sĩ Sabin vẫn cho phép các công ty dược phẩm được quyền sản xuất tự do, cung cấp thuốc vaccine chữa trị miễn phí cho trẻ em toàn cầu. Ông không cần tiền thưởng, chỉ mong vaccine được đến với trẻ em nghèo. Được hỏi liệu ông có muốn trả thù phát xít Đức đã giết hai cháu của mình không, bác sĩ trả lời: “Họ đã giết hai đứa cháu yêu quý của tôi nhưng tôi lại cứu hàng triệu đứa trẻ khắp thế giới. Bạn không nghĩ đó là một sự ‘trả thù’ lớn hơn sao?”. Những năm sau đó, bác sĩ Sabin tiếp tục sống với mức lương bình thường. Ông vui vì đã làm được điều hữu ích cho đời.
Một tâm hồn cao thượng dám chết đi cho tư lợi riêng, để mưu cầu ích chung cả nhân loại.
Một lương y tài đức đã tận dụng tài năng hiếm có mà cứu sống các trẻ em trên toàn thế giới.
Được ơn Chúa hoán cải, thánh Phaolo đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho dân ngoại (ngoài đất Israel).
Ngài chịu đựng biết bao sự khốn khó (II Cr 11:24-27) để danh Chúa được muôn dân nhận biết, tin kính:
• Bị người Do Thái đánh bốn mươi roi đau đớn (5 lần) / Bị đánh đòn thê thảm (3 lần).
• Bị ném đá tàn nhẫn không nương tay (1 lần) / Bị đắm tàu chìm dưới biển sâu (3 lần).
• Bị lênh đênh giữa biển khơi (1 đêm 1 ngày) / Thức đêm vất vả mệt nhọc, mất ngủ.
• Bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống (dài ngày), chịu rét mướt trần truồng lạnh lẽo.
Thêm vào đó, Phaolo còn gặp bao nguy hiểm: trộm cướp, trên sông, trên biển, nơi sa mạc, ở thành phố…
Thánh nhân vui nhận tất cả, “vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi” (Pl 1:21).
Trong mùa Chay, người kitô hữu quen hát bài thánh ca Con Đường Chúa Đã Đi Qua của Lm.Văn Chi:
“Lạy Chúa! Xin cho con bước đi… Xin cho con cùng chết với Ngài để được sống với Ngài vinh quang”.
1. Là tín hữu: chết đi trong từ bỏ tội lỗi xấu xa => sống lại với đời sống đạo tốt lành, thánh thiện.
2. Là tu sĩ: chết đi trong từ bỏ ý riêng vị kỷ => sống lại tuân theo Ý Chúa, vâng ý Bề Trên phán.
3. Là linh mục: chết đi trong tham vọng riêng tư => sống toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa & tha nhân.
4. Là vợ chồng: chết đi trong từ bỏ đam mê ngoại tình => sống đời hôn nhân chung thủy, tín trung.
5. Là con cái: chết đi trong từ bỏ tật xấu, ngang bướng => sống ngoan hiền, vâng lời cha mẹ dạy.
6. Là học sinh: chết đi trong xa lánh tham lam, gian dối => sống học hành chăm chỉ, đạt điểm cao.
7. Là doanh nhân: chết đi trong từ bỏ làm ăn bất chính => sống thu nhập hợp lý, thăng hoa lợi lộc.
Mỗi thành phần dân Chúa biết chết đi trong những bất toàn cá nhân nơi mình để sống lại con người thiện hảo hoàn toàn nên giống Thiên Chúa là Cha chung nhân loại ở trên trời (Mt 5:48).
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!!
Cuộc sống trần gian nay còn mai mất, Chết chưa phải là hết nhưng là bước vào một thế giới khác.
Đời sống thế tục con người hôm nay sẽ quyết định cho số phận, vận mệnh tương lai đời sau.
Xin giúp con sống đời bác ái yêu thương, biết kính Chúa và yêu người cho trọn tình, vẹn nghĩa hầu hy vọng ngày nào đó, con được Chúa thương đón nhận vào Nhà Chúa muôn đời. AMEN.
==========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.