Suy Niệm Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi B (Mt 28:16-20)
NHÂN DANH CHA và CON và THÁNH THẦN
==================================
Trong suốt ba thế kỷ đầu tiên của GH Công Giáo, nhiều cuộc bách hại Đạo xảy ra: các kitô hữu phải lẩn trốn và ẩn náu nhiều nơi khác nhau, trong các hang toại đạo, để duy trì và bảo vệ đức tin. Khi ấy, Hoàng Đế Constantino I (306-337) thấy xuất hiện trên bầu trời điềm lạ về một thập giá sáng ngời, với lời phán: “In hoc signo vinces: dưới dấu chỉ này, ngươi sẽ chiến thắng”. Tin vào mệnh trời, Vua cho lệnh giương cao cờ hiệu, có hình Dấu Thánh Giá, ra chiến đấu với kẻ thù. Quả nhiên, đạo quân Maxentio bị thất thế và thua trận tại thành phố Rôma ngày 28/10/312. Hoàng Đế Constantin I cho rằng, chiến thắng ấy là “dấu chỉ Thiên Chúa ban ơn”, nên ra lệnh dẹp bỏ mọi hình thức bắt bớ các kitô hữu. Nhà Vua chính thức công bố: “Kitô Giáo là tôn giáo chính thức của hoàng triều Rôma”.
Thời gian sau đó, Hoàng Đế Constantino I và mẹ ngài là bà Helena xin theo đạo Công Giáo. Với lòng sùng mộ kính mến, bà Helena thân hành qua thánh địa Giêrusalem để tìm cho được các di tích về cuộc khổ nạn của Chúa, đặc biệt cây thánh giá mà chính Đức Giêsu đã bị đóng đinh trên đó. Lạ lùng thay, họ may mắn tìm được gỗ thánh giá thật vào ngày 14/9/326 và tổ chức rước trọng thể.
- Đức Giêsu chịu chết trên thập tự: Ngài dùng thánh giá làm phương tiện cứu chuộc nhân loại.
- Kitô Hữu làm dấu thánh giá, tuyên xưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
A. Cha, Con và Thánh Thần: Một Chúa Ba Ngôi.
Niềm tin thô sơ ban đầu của tổ tiên VN chúng ta: tin có một Đấng làm chủ vạn vật, quen gọi là Ông Trời, Đấng đáng tôn thờ và tin kính. “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”. Theo dòng thời gian, ánh sáng Phúc Âm được lan tỏa trên đất Việt, người dân nhận thức Ông Trời ấy chính là Thiên Chúa: Đấng tạo dựng vũ trụ, Đấng cầm quyền sinh tử, Đấng điều hành mọi vận chuyển tuần hoàn trên trời dưới đất.
Khi nhập thể vào trần gian, Chúa Giêsu đi rao giảng, nói cho ta biết về Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu độ, Chúa Thánh Thần thánh hóa và kiện toàn.
- Cha, Con, Thánh Thần đều là Thiên Chúa, cùng một bản thể và uy quyền như nhau.
B. Dấu Thánh Giá: tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.
Khi làm dấu thánh giá, người kitô hữu: ghi nhớ công ơn Chúa Cha đã dựng nên họ, nhớ đến công ơn Chúa Con đã cứu chuộc họ, xác tín thân xác họ là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Người Công Giáo dùng ngón tay trỏ làm dấu thánh giá nhẹ nhàng, thứ tự trên trán, ngực và hai vai. Trong khi đó, tín đồ Chính Thống Giáo làm dấu thánh giá với ba ngón tay chụm lại ( ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út) của bàn tay phải, tiêu biểu cho niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa.
C. Sống tuyên xưng và làm chứng về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mẹ Têrêsa Calcutta là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Thánh nữ đã từng khẳng định: công việc từ thiện của hội dòng Thừa Sai Bác Ái không chỉ có tính cách xã hội và nhân đạo, nhưng còn là nghĩa vụ của đức tin. Nơi nào con người bị đau khổ, Mẹ nhận ra Đức Kitô đang đau khổ. Khi chống nạn phá thai, Têrêsa Calcutta không ngừng kêu gọi: “Nếu các ngươi không muốn giữ lại con mình thì hãy cho tôi. Vì tình yêu Chúa, xin đừng giết nó”. Bằng cái nhìn đức tin, Mẹ làm chứng về tình yêu Chúa Ba Ngôi giữa thế giới của người nghèo. Mẹ thường nhắn nhủ các nữ tu của mình: “Chúng ta đã nhận lãnh rất nhiều nơi những người nghèo còn hơn là họ nhận được những gì từ nơi chúng ta”.
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm, trí khôn con người không thể hiểu tường tận, nhưng ta tin thật vào mạc khải Đức Giêsu Kitô đã tỏ bày. “Dò sông, dò biển, dễ dò. Đố ai lấy thước mà đo lòng người”.
Trong niềm tin sâu thẳm, kitô hữu cố gắng sống tuyên xưng và làm chứng về Chúa Ba Ngôi mà thôi.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Thiên Chúa là Cha, là Con và là Thánh Thần!
Xin ở trong linh hồn con mỗi ngày, để con được chan chứa niềm tin yêu.
Xin thánh hóa linh hồn con từng giờ, để con nên thanh khiết
trong mọi tư tưởng, lời nói, hành động; hầu làm sáng danh Chúa luôn luôn. AMEN.
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.