Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật IV Phục Sinh * Ga 10:11-18
MỤC TỬ TỐT HY SINH TÍNH MẠNG CHO ĐÀN CHIÊN
==========================================
Chuyện xảy ra ngày 28/11/2014 tại một ga xe điện ngầm ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ông Hạ Quân mang con đi bác sĩ khám bệnh. Bất ngờ, đứa con bị phát hiện là nhiễm mắc căn bệnh Máu Trắng hiểm nghèo. Chi phí để có thể chữa bệnh cho cháu phải tốn kém đến khoảng 700,000 nhân dân tệ. Thấy số tiền điều trị quá lớn so với cái nghèo bần cùng của gia đình gần như bó tay. Cuối cùng, để có thể kiếm được tiền, ông quyết định lấy thân mình làm “bao tải”, gắng “chịu đấm ăn xôi” cho muôn người qua lại nơi công cộng ra tay đấm ông, rồi thu tiền họ.
Mặc chiếc áo thun trắng, với dòng chữ viết trên lưng áo “bao cát thịt người, 10 nhân dân tệ một cú đấm”, Hạ Quân can đảm đứng trước nhà ga métro, tự nguyện để mọi người đấm và trả tiền. Trước mặt ông, có một thùng giấy chứng nhận của bệnh viện về tình trạng bệnh tật của con trai, làm chứng cớ cho nhiều người tin. Quả thật, không ai tưởng tượng nỗi, một người cha dám hy sinh làm một việc điên rồ, với ước mong duy nhất có đủ tiền chữa bệnh cho con. Hình ảnh đó giúp ta liên tưởng ý niệm “mục tử tốt lành dám hy sinh tính mạng vì đàn chiên”(Ga 10:11).
A. Mục Tử đích thực: chăn dắt, hy sinh bảo vệ đàn chiên.
Mục tử, theo nghĩa nôm na: là người chăn gia súc, ngày ngày dẫn dắt thú vật ra đồng ăn cỏ.
Tại Việt Nam, có mục đồng là các trẻ chăn trâu bò, sáng sáng dắt chúng đi ăn cỏ ngoài ruộng.
Nơi xã hội Hoa Kỳ: ngày xưa, ở các trang trại lớn, có những chàng cowboys được thuê mướn chăn bò và trong đất nước Do Thái, cũng không thiếu những mục tử đi chăn dắt đàn chiên tương tự như vậy.
1.Người Do Thái phân biệt hai loại mục tử: người chủ chiên săn sóc trực tiếp đàn chiên mình sở hữu. và kẻ chăn thuê được người chủ thuê mướn, chăn dắt đàn chiên, làm công lấy tiền. Mỗi ngày người mục tử có nhiệm vụ: sáng sớm, đưa chiên ra đồng ăn cỏ và đi lại chung quanh, bảo vệ đàn chiên; chiều tàn, lùa chiên về lại trang trại, vây hàng rào quanh chuồng, canh gác cẩn thận.
2.Khi đàn chiên đi ăn cỏ giữa đồng vắng bao la, thường gặp nhiều hiểm nguy đe dọa: sói rừng, thú dữ tìm cơ hội tấn công, vồ xé ăn thịt / kẻ gian lẻn vào cướp phá, trộm cắp đàn chiên / con chiên bướng bỉnh, ưa dở chứng đi tách đàn, lạc bầy giữa nơi hoang vu, hiu quạnh. .
B. Sự khác biệt giữa mục tử đích thực và người chăn thuê.
Chúa Giêsu đã hé lộ một chi tiết cho thấy sự khác biệt giữa chủ chiên và kẻ chăn thuê: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy”(Ga 10:12)
Mục Tử tốt lành có nhiều ưu điểm:
- Yêu thương và trìu mến chiên hết lòng (Is 40;11).
- Quan tâm từng con chiên trong đàn (Mt 18:12-13).
- Lo lắng, tạo mọi thuận lợi tốt lành cho chiên của mình (Ed 34:14).
- Giúp chiên sống ấm no, hạnh phúc (Tv 23:1).
- Làm cho chiên luôn được vững dạ, an lòng (Tv 23:4).
Ngược lại, kẻ chăn chiên thuê tỏ lộ cho thấy nhiều khuyết điểm:
- Vô trách nhiệm: chẳng quan tâm, dưỡng nuôi chiên (Dcr 11:16a).
- Bê bối thờ ơ, xao lãng việc chăm sóc (Ed 34:4).
- Chỉ lo hưởng thụ an nhàn, tìm mọi cách bóc lột quyền lợi chiên (Ed 34:3, Dcr 11:16b).
- Ích kỷ, vụ lợi, đầy tham vọng (Is 56:11).
- Khi gặp nguy khốn, chỉ lo chạy trốn để đàn chiên bơ vơ (Ga 10:1-10,11-18).
C. Những chủ chiên đích thực trong đời sống.
Mỗi ngày, kitô hữu được hấp thụ nguồn kho tàng đức tin vô giá nơi Thiên Chúa, qua các mục tử mà Chúa đã đặt lên coi sóc đàn chiên Người: Đức Giáo Hoàng, Các Giám Mục, các Linh Mục…
Bên cạnh đó, kitô hữu cũng được nuôi dưỡng, được ấp ủ đầy tình yêu thương trong mái ấm một gia đình. Chính các phụ huynh, bậc làm Cha Mẹ là những thầy cô đầu tiên, giúp con trẻ từng bước chập chững đi vào đời. Họ giống như các mục tử, quan tâm chăm sóc và hướng dẫn con cái họ được no đủ về mặt thể lý, luôn ấm áp về phần tinh thần.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành!
Chúa đã hy sinh, sống và chết cho đàn chiên Giáo Hội.
Xin giúp chúng con là những chiên con của Chúa
biết Nghe, Nhận Thức, Yêu Mến và Đi Theo Chúa cho đến cùng. AMEN.
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.