Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh B
CÁC CON SẼ LÀ CHỨNG NHÂN (Lc 24:35-48)
====================================
Ngày 25/3/2015, toàn thế giới xôn xao khi nghe tin một phi cơ Airbus 320 đang trên hành trình bay từ Tây Ban Nha sang Đức, chuyên chở phi hành đoàn và hành khách khoảng 150 người, bất ngờ gặp nạn rớt xuống tan tành tại vùng núi Alpes-de-Haute hẻo lánh, miền Nam nước Pháp. Người ta nhận ra các mãnh vỡ của máy bay nằm vương vãi trên một diện tích rộng lớn với địa hình hiểm trở. Sau vài ngày dọn sạch hiện trường, họ tìm thấy hai hộp đen vốn ghi lại đầy đủ những diễn biến xảy ra trước khi máy bay lâm nạn. Được biết: Phi công trưởng rời phòng lái ra ngoài đi vệ sinh nhưng khi trở lại ông không thể vào được. Ông gõ cửa nhẹ không thấy trả lời, đập cửa mạnh hơn càng không có hồi đáp. Ông cố gắng đạp đổ cửa bằng mọi cách nhưng bất lực. Cuối cùng, chỉ còn viên phi công phó vốn có tiền sử trầm cảm nặng, ông một mình điều khiển máy bay với kế hoạch tự sát như đã tính trước.
Rõ ràng: Chiếc hộp đen là vật chứng duy nhất giúp người ta tìm ra được nguyên nhân phi cơ lâm nạn.
Cũng thế, ngày xưa: các Tông Đồ là những nhân chứng uy tín nhất, giúp nhân loại được nhận biết tin mừng “Đức Kitô tử nạn và phục sinh”.
A. Chứng thật trong Kinh Thánh.
Tìm trong Kinh Thánh, có nhiều người đã can đảm làm chứng cho sự thật không chối cãi được.
- Anh mù tự bẩm sinh đã minh chứng về người đã chữa anh khỏi mù: “có một người tên Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, bảo tôi đi đến hồ Si-lô-ác mà rửa mắt”(Ga 9:11).
- Bà Maria Mác-đa-la sau khi được trực tiếp thấy Đức Kitô Phục Sinh, đã vội chạy đi loan báo tin mừng với các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”(Ga 20:18).
- Rao giảng và làm phép rửa bên bờ sông Giođan, Gioan đã minh xác: “Tôi không phải là Đấng Kitô” (Ga 1:20) nhưng ông “chứng thật rằng Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa chọn”(Ga 1:34).
- Dù bị bắt bớ xiềng xích trong ngục tù, Phêrô và Gioan đã không sợ sệt lại còn can đảm chứng thực: “Đức Giêsu đã bị treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy”(Cv 5:30).
B. Chứng gian giữa đời thường.
Nhiều người quen gọi chuyện ngoài đời là chuyện “thế gian”, hơn là “thế ngay”, với lắm sự dối gian.
- Hoàng hậu I-de-ven vì mưu toan cướp giật vườn nho của Na-vốt, đã mua chuộc hai đứa vô lại, xúi chúng làm chứng gian rằng: “Na-vốt đã nguyền rũa Thiên Chúa và đức vua”(1 V 21:10).
- Các thượng tế, kỳ lão và Thượng Hội Đồng Do Thái quyết tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án Ngài phải chết. Chúng khai báo gian tà: “Tên này đã nói: tôi có thể phá đền thờ Thiên Chúa và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại” (Mt 26:59-61).
- Nhóm thượng tế và kỳ mục dùng tiền hối lộ binh lính, để họ đi loan tin thất thiệt, xuyên tạc xảo trá: “Ban đêm, lúc chúng tôi đang ngủ, các môn đệ Giêsu đã đến trộm xác” (Mt 28:12-13).
C. Kitô hữu là chứng nhân Tin Mừng.
- Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đến từ trời, đã dạy cho con người biết Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, luôn yêu thương mọi loài Người đã dựng nên. Chúa Giêsu là nhân chứng duy nhất nói cho ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi, dạy ta kính Chúa & yêu tha nhân như chính mình.
- Các Tông Đồ được Chúa Giêsu chọn làm môn đệ đi theo Ngài. Họ cũng lên đường rao giảng và là chứng nhân của Tin Mừng, làm phép Rửa cho muôn dân thiên hạ (Mt 28:19).
- Qua dòng thời gian, Giáo Hội sản sinh thêm rất nhiều chứng nhân khác nữa:
- Cha Đamiêng: hy sinh sống với người cùi đảo Molokai, gieo ánh sáng Tin Mừng và Hy Vọng cho những bệnh nhân khốn khổ.
- Nữ tu Têrêsa Calcutta: chứng nhân cho “một Đức Kitô bị bỏ rơi” giữa các anh chị em Ấn Độ nghèo đói, những người đang sống vất vưỡng bên lề đường xã hội.
Bình thường, vai trò Nhân Chứng đích thực cho Tin Mừng đòi buộc cá nhân ấy:
+ nắm chắc điều mình biết, để tuyên xưng và làm chứng tá.
+ xác tín vững vàng vào Phúc Âm, vào điều mình rao giảng.
+ dám can đảm giới thiệu và kiên trì minh chứng sự thật, chân lý.
Ngày nay tại Việt Nam, nhiều dân tộc miền núi Thượng Du Bắc Việt ước ao ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi trên họ. Đã có những linh mục thuộc Gíáo Phận Hưng Hóa không ngại dấn thân vùng sâu, vùng xa, đến dâng thánh lễ cùng dạy Giáo Lý cho kitô hữu địa phương: họ là chứng nhân của Chúa.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu! Thánh Phaolô ngày xưa đã khiêm tốn thân thưa:
“Thật vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9:16).
Xin ban ơn thánh Chúa trợ lực trong đời, để con can đảm là chứng nhân:
nói về Chúa và làm mọi việc vinh danh Chúa giữa thế trần hôm nay. AMEN.
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.