Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay B
NHIỆT THÀNH BẢO VỆ ĐỀN THỜ CHÚA
======================== (Ga 2:13-25)
Du khách nước ngoài, mỗi khi có điều kiện đến Hoa Kỳ, đều không lỡ cơ hội ít là một lần đi viếng thăm các thành phố nổi tiếng của Hiệp Chủng Quốc: Washington DC., New York, Las Vegas, Los Angeles…. Điều tôi chú ý khi đã lên thủ đô Mỹ Quốc ba lần, đó là thánh điện Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm của Giáo Hội Hoa Kỳ, vốn được xây cất và khánh thành cách đây hơn năm thập niên. Đây thực sự là một tòa nhà cao nhất của thủ đô (khoảng 72 m), một kiến trúc đẹp tân kỳ, một đền thờ lộng lẫy của Giáo Hội Hoa Kỳ nhằm tôn vinh vị thánh bổn mạng: Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Điểm du lịch này thực sự thu hút hàng năm cả triệu du khách đến tham quan.
Điểm đặc biệt khác là dọc theo hai vách tường trên dưới của thánh đường, có hơn 70 nhà nguyện lớn nhỏ, tôn kính đặc biệt Đức Mẹ của nhiều quốc gia, dân tộc khắp thế giới: Trung Hoa, Áo, Cuba, BaLan, Tiệp Khắc, Ái nhĩ Lan, Phi Châu, Pháp, Đức, Philippines, Guamano, Ấn Độ, Italia, Đại Hàn, Mỹ La Tinh, Lithuania, Malta, Slovak, Mễ Tây Cơ, Slovenia, Việt Nam… Mỗi nhà nguyện phản ánh cách bài trí khác nhau theo văn hóa của các sắc dân nhập cư vào Mỹ Quốc.
Nhà nguyện kính Đức Mẹ LaVang của Việt Nam thì nằm bên cạnh cung thánh ở hành lang bên phải của tầng dưới, xem ra được xây dựng năm 2006 đầy vẻ lộng lẫy trang nghiêm. Cung điện được thiết kế với đá cẩm thạch từ quê nhà mang qua, bên trái có bức tranh 118 vị thánh & chân phước tử đạo, trong khi bên phải là bức tranh vẽ về sự tích LaVang, trên trần nhà có 24 vì sao và dưới sàn là hình cái trống đồng. Nhìn chung, khối giáo dân VN tại hải ngoại muốn phô diễn tối đa nét sắc sảo khi được Giáo Hội Mỹ ưu tiên dành riêng một nhà nguyện cho sắc tộc mình trong Vương Cung Thánh Đường.
Đúng là đền thờ vật chất, quá huy hoàng sặc sỡ do sức lao công con người gom góp. Còn một thứ đền thờ thiêng liêng chính là linh hồn con người, thật quí trọng và rạng rỡ hơn do máu Đức Giêsu Kitô cứu chuộc.
- Chúa Giêsu thường xuyên gắn bó với phụng tự đền thờ.
- Chúa muốn đền thờ luôn được thanh sạch và thánh hóa.
- Kitô hữu trân trọng và bảo toàn đền thờ thiêng liêng.
A. Chúa Giêsu luôn gắn bó sinh hoạt với đền thờ.
Với người Do Thái, đền thờ Giêrusalem là nơi Thiên Chúa hiện diện và gặp gỡ dân Ngài. Vì thế, hàng năm vào dịp Lễ Vượt Qua, dân Israel khắp nơi trẩy hội hành hương về đền thờ. Với Chúa Giêsu, suốt ba năm công khai đi giảng đạo, Chúa cũng đã ba lần lên Giêrusalem mừng lễ với đồng hương.
Thật ra, cả cuộc đời Ngài nơi trần thế cũng đã thường xuyên gắn bó với sinh hoạt phụng tự đền thờ.
- Vừa sinh con được bốn mươi ngày, Mẹ Maria đã bồng Hài Nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem, để làm nghi thức thanh tẩy, dâng hiến Con Trẻ cho Thiên Chúa, đúng theo luật Môsê truyền dạy.
- Năm mười hai tuổi, đi theo Thánh Giuse và Mẹ Maria mừng lễ Vượt Qua ở Giêrusalem, Chúa Giêsu đã ở lại đền thờ ba ngày tranh luận với các Thầy giảng dạy.
- Khoảng thời gian ẩn dật ba mươi năm, Chúa Giêsu có thói quen đến hội đường Do Thái ngày sabbat, nghe Kinh Thánh và học hỏi sách Luật.
- Trong một lần trực diện với đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã khóc thương thành thánh sẽ bị sụp đổ tương lai. Ngài tiếc nuối dân thành không nhận biết an bình và hồng ân Chúa mang đến cho họ.
Và hôm nay, qua Tin Mừng thánh Gioan, ta thấy: Chúa bực tức quát tháo, xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ, vì họ đã tục hóa nơi thánh thiêng, biến khu vực thờ phượng thành chốn buôn gian bán dối, làm điều bất xứng nơi “nhà Cha Ngài” hiển trị.
B. Thanh tẩy và thánh hóa đền thờ Chúa.
Niềm tin của tín hữu hướng về đền thờ, nơi Đấng Tối Cao ngự trị, là một niềm tin bất diệt và trường tồn.
1. Các tín hữu luôn tỏ bày sự tôn trọng, yêu mến và cung kính đối với đền thờ.
- người Hồi Giáo giữ bổn phận: mỗi ngày hướng về đền thánh La Mecque cầu nguyện năm lần.
- dân Do Thái ngày ngày ra đứng trước bức tường trơ trọi, di tích còn sót lại duy nhất của đền thờ Giêrusalem mà cầu nguyện và than khóc.
- tín đồ Phật Giáo khi đến các Chùa Chiền niệm hương, cúng Phật: họ luôn cởi giầy dép bỏ ra ngoài tiền đường, đi chân không vào chánh điện khẩn cầu, ước nguyện.
- kitô hữu Công Giáo ngồi trong thánh đường, luôn thinh lặng cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, tắt I-phone di động, tránh lo ra chi phối những chuyện thường ngày bên lề xã hội.
2. Các tín hữu đêm ngày nhiệt tâm xây dựng và bảo vệ đền thờ được tốt đẹp.
- Chúa Giêsu không muốn “thương mại hóa” nhà cầu nguyện của Cha Ngài (Ga 2:16-17).
- Người Thái Lan quảng đại dâng cúng giúp giới lãnh đạo Phật Giáo xây Chùa Vàng đẹp đẽ óng ánh ngay tại thủ đô Bangkok (Vọng Các), với tượng Đức Phật to lớn bằng vàng nguyên khối.
- Việt Kiều Công Giáo hải ngoại đang ở xứ người, nghe các Cha bên nhà vận động tu sửa, xây dựng lại Nhà Thờ quê xưa: các cụ ông cụ bà không ngại rút tiền già đóng góp, lại hô hào con cháu tiếp tay giúp đỡ…
3. Các tín hữu ý thức trách nhiệm gìn giữ đền thờ luôn khang trang và sạch sẽ.
- tín đồ Phật Giáo mồng một ngày rằm mỗi tháng, đi lễ Phật nghe thuyết pháp, làm việc công quả và cúng dường, giúp sinh hoạt nhà chùa luôn nghiêm trang và thanh sạch.
- người Công Giáo Mỹ, tuy du lịch xa trong những ngày lễ nghỉ hoặc quá bận rộn ít đến nhà thờ giáo xứ hàng tuần, nhưng họ vẫn không quên đóng góp Phong Bì đều hòa, chu toàn bổn phận.
- kitô hữu Việt Nam mỗi ngày nghỉ cuối tuần, thiện nguyện đến nhà thờ Giáo Xứ, Giáo Họ làm công tác chung: cắt cỏ, hút bụi thảm, clean-up lau chùi, vệ sinh Nhà Chúa, nhà Xứ.. Thậm chí, anh chị em giới trẻ xung phong dạy Việt Ngữ, giúp Giáo Lý cho thế hệ con em sinh trưởng nơi xứ người…
C. Kitô hữu trân trọng và bảo toàn đền thờ thiêng liêng.
Thánh Phaolô viết: “Thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa ”(1 Cr 3:16). Thế nên, mỗi kitô hữu sau khi nhận phép Rửa Tội, bản thân người ấy chính là đền thờ thiêng liêng, được Thiên Chúa ghi sâu ấn tích.
1. Ta phải biết tôn trọng thân xác mình và tha nhân, vì:
- Giới luật Chúa buộc: “cấm giết người” (giới răn thứ năm).
- Chúa dựng nên thể xác con người giống hình ảnh Ngài.
- Thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa, đã được thánh tẩy.
- Thân xác anh em được Chúa ngự trị, khi họ rước Mình và Máu Thánh Ngài.
2. Các Thánh biết bảo toàn hồn xác, luôn là gương sống Đạo sinh động cho các kitô hữu xưa nay:
- Thánh Lucia xinh đẹp, quyết dâng trọn cuộc đời thuộc về Chúa hoàn toàn. Chị bị người quyền thế ép buộc đưa vào nơi tội lỗi, Chúa cho thân xác chị cứng đờ, kẻ gian không hãm hại được chi.
- Thánh Đaminh Saviô cản trở các bạn xem tranh ảnh xấu, cương quyết gìn giữ xác hồn thanh sạch “thà chết còn hơn phạm tội”.
- Thánh Maria Goretti không muốn kẻ xấu hãm hiếp mình, Chị cương quyết chống cự đến cùng dù bị đe dọa và chịu đâm nhiều nhát dao oan nghiệt cho đến chết.
Một phụ nữ quí tộc tên Elizabeth vào cầu nguyện trong đền thờ. Chúa hiện ra nói với bà: “Con giàu sang phú quí lắm, hãy xây nhà cho Ta cư ngụ”. Bà liền cho mướn thơ xây ngay cho Chúa một nhà thờ đẹp đẽ. Song le, tiền bạc dư dã còn nhiều, Chúa nói: “Cám ơn Bà đã xây nhà thờ sang trọng cho Ta, nhưng nó còn nhỏ bé quá, Ta muốn một nhà thờ lớn hơn, đồ sộ hơn”. Bà trả lời: “Chúa ơi! Chúa không thấy nhà thờ con vừa xây cho Chúa thật lộng lẫy, vĩ đại nhất vùng này sao. Chúa còn đòi nhà thờ nào khác nữa ư? Hay là Chúa muốn con xây một Vương Cung Thánh Đường cho Chúa?”. Chúa phán với bà quí tộc: “Con hãy thử nhìn qua cửa sổ nhà con, con thấy gì bên đó? Một người nghèo túng cực, đang trú ngụ trong túp lều dưới bóng cây cổ thụ đó. Con thấy không? Con nhớ nhé: khi Con xây nhà cho người nghèo khổ sở ấy là xây nhà cho Ta. Và khi con xây nhà cho Ta là Con xây cho chính con một ngôi nhà vĩnh cửu trên trời”.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa là Đấng Cứu Độ con! Con yêu mến Chúa.
Xin ơn thánh Chúa gìn giữ xác hồn con luôn thanh bạch, trong trắng xứng đáng là đền thờ thiêng liêng Chúa ngự đến trong con mỗi ngày. AMEN.
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.