Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Chay A
CHIÊM NGẮM VINH QUANG CHÚA TRÊN NÚI CAO
================================== (Mt 17:1-9)
Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao (Mt 17:1).
Everest là tên một ngọn núi cao nhất thế giới, khoảng 8.849 mét, nằm giữa biên giới hai quốc gia Trung Quốc và Nepal. Tháng 5/2021, anh Nguyễn Khải, một cư dân California là người Việt Nam đầu tiên đã chinh phục thành công khi leo lên được đỉnh núi hùng vĩ này. Được ngắm hoàng hôn từ nơi cao chót vót anh nhìn thấy cảnh vật chung quanh thật huyền bí và ngoạn mục. Để leo núi được tốt đẹp như thế, anh phải luyện sức khỏe tốt, sự chịu đựng bền bỉ và nhất là một ý chí quyết tâm mạnh mẽ. Thật đúng như David Mc Cullough đã viết: “Leo núi không phải để thế giới thấy bạn mà là để bạn nhìn được thế giới”.
Có một đạo sĩ người Nhật ngày nọ cùng leo núi với người Tây Tạng dẫn đường. Họ cũng đạt ý nguyện lên núi cao. Từ trên núi xuống người đầy băng tuyết bao phủ, cả hai bất ngờ thấy một người leo núi khác bị ngã quỵ dọc đường. Vị đạo sĩ nói với anh bạn Tây Tạng: “Chúng ta mau chạy đến giúp đỡ kẻ hoạn nạn ấy”. Người Tây Tạng trả lời: “Không ai buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác đang khi chính mạng sống mình đang bị cơn bão tuyết giá rét đe dọa”. Nhưng vị đạo sĩ trả lời: “Dù chúng ta có chết vì lạnh đi nữa, thì chúng ta nên hãnh diện chết vì đã trợ giúp tha nhân. Đó không phải là điều tốt đẹp hay sao?”.
Người Tây Tạng không nghe, vội xuống núi một mình đang khi vị đạo sĩ Nhật cứ cúi mình vác người bị nạn lên vai, khệ nệ đem anh ta xuống núi. Đi được một quãng xa, vị đạo sĩ chợt thấy bạn đồng hành Tây Tạng đang nằm dài bất động trên tuyết. Thì ra, do mệt quá, anh ấy dừng chân ngồi nghỉ rồi bị lạnh cóng chết bất động lúc nào không hay. Trong khi vị đạo sĩ nhờ hy sinh vác nặng hết sức người bị nạn, nên cơ thể ông được nóng thêm mãi, vì vậy lòng bác ái cứu người ấy đã giúp ông thoát chết vì lạnh. Quả thật, “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15:13).
Tin Mừng tuần này, Đức Giêsu Kitô và ba môn đệ yêu dấu đã cùng nhau đi leo lên một ngọn núi cao.
• Chúa tỏ hiện vinh quang chói lói của một Thiên Chúa quyền năng. Nhưng sau đó, Ngài không quên mạc khải cho ba môn đệ thân tín biết “Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều (Mt 17:12) , bị loại
bỏ và giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22).
• Bởi thế, theo Chúa là phải vác thập giá. Vì chưng “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Chúa, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mt 16:25; Lc 9:24).
Hai nhà leo núi Nhật Bản và Tây Tạng đều thành công khi lên được ngọn núi cao. Thế nhưng khi xuống núi, người Tây Tạng vì muốn bảo vệ thân xác mình đã đơn phương xuống núi vội vã, bất ngờ bị chết cóng vì giá rét cực độ. Đang khi đó, nhà leo núi Nhật Bản không ngại hy sinh thân mình ra tay cứu giúp người bị nạn dọc đường, vô tình sự ấm áp ấy giúp ông ta bớt lạnh buốt, thoát khỏi cái chết khắc nghiệt. Ông đã liều mạng sống mình vì tha nhân hoạn nạn, đâu ngờ ông tự cứu mình khỏi cái lạnh đang đe dọa.
Ta cùng suy niệm:
1. Những sự kiện Kinh Thánh xảy ra trên núi cao.
2. Đi lên núi gặp Chúa và xuống núi đổi đời.
3. Kitô hữu lên núi để gặp Chúa và chiêm ngắm vinh quang Ngài.
A. Những sự kiện Kinh Thánh xảy ra trên núi cao.
Núi là bề mặt trái đất được nâng cao đáng kể, có khi tới cả trăm hay ngàn mét so với đồng bằng chung quanh hay so với mặt nước biển. Vì thế, lên núi phải đi leo đến nơi cao, đặc biệt địa hình xứ Palestine có nhiều sườn đồi lồi lõm. Đọc các sách trong Kinh Thánh, ta chú ý một vài câu chuyện xảy ra trên núi cao.
1. Tổ phụ Abraham vâng lệnh Chúa truyền, đã đem con trai yêu dấu là Isaac đến xứ Mô-ri-gia đoạn sát tế người con ấy làm của lễ toàn thiêu trên một ngọn núi cao (St 22:1-2).
2. Ông Môsê đi chăn chiên cho bố vợ, dẫn đàn chiên đến núi Khôrép. Ở đó, Thiên Chúa hiện ra với Môsê và trao cho ông sứ vụ trở lại Ai Cập lãnh đạo toàn dân Israel rời khỏi xứ ấy (Xh 3:1-10).
3. Tiên tri Êlia & các sư sãi thần Ba-al triệu tập dân chúng trên núi Carmel. Trên nơi cao đó, của lễ tiên tri dâng tiến Chúa được lửa từ trời xuống thiêu đốt còn của lễ dâng thần Ba-al vẫn trơ trọi như cũ. Từ đó, Êlia cho thấy Chúa là Thiên Chúa thật còn Ba-al là tà thần hư ảo (I V 18:16 – 40).
4. Mở đầu việc rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã lên núi cầu nguyện cùng Chúa Cha. Đến sáng, Ngài gọi các môn đệ lại và chọn lấy mười hai ông, gọi là Tông Đồ (Lc 6:12-13).
5. Thấy đoàn lũ dân chúng theo Ngài quá đông, Chúa Giêsu đi lên núi cao. Ngài mở miệng công bố Tám Mối Phúc Thật (Mt 5:1-11), quen gọi là Hiến Chương Nước Trời, hay bài giảng trên núi.
6. Tại hội đường Carphanaum, lời Chúa giảng dạy thật chí lý khiến dân thành không sao bắt bẻ nỗi. Họ phẫn nộ lôi Chúa ra khỏi thành, kéo Ngài lên tận đỉnh núi (Lc 4:28-30) để xô Ngài xuống vực
thẳm nhưng Chúa đã băng qua giữa họ mà đi.
7. Tại núi Ô-liu, gần Giêrusalem, Chúa Giêsu được cất lên trời ngay trước mắt các tông đồ. Có đám mây quyện lấy Ngài khiến các ông không còn thấy Ngài nữa (Cv 1:9-12). Và hôm nay trên núi cao Tabor, Chúa biến đổi hình dạng trước mặt ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mt 17:1-2). Chúa bày tỏ căn tính Thần Linh của Ngài trong tương quan với Chúa Cha, với lịch sử ơn cứu độ (có Môsê và Êlia đàm đạo với Ngài). Qua đó, Chúa củng cố niềm tin các môn đệ thêm viễn tượng lạc quan vào Ngài trong tương lai, “một Đức Kitô sẽ phải chịu tử nạn rồi lại phục sinh”.
B. Đi lên núi gặp Chúa và xuống núi đổi đời.
Với những đoạn Kinh Thánh dẫn chứng trên đây, ta thấy Núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện vinh quang Ngài và con người đi lên núi là để gặp gỡ Thiên Chúa. Xét khía cạnh địa lý, Núi ở trên cao giữ khoảng cách tách biệt với đồng bằng dưới đất. Và trong đời sống tâm linh, người kitô hữu lên núi hướng đến trời cao tìm gặp Chúa, tách rời khỏi những phiền muộn đang trói buộc mình nơi sinh hoạt hàng ngày.
Vậy, Lên núi là ta hướng thượng gặp Chúa và Xuống núi, ta cố gắng canh tân sống theo ý Ngài.
1. Sau khi lên núi tuân vâng thực thi việc Chúa truyền, Abraham được Chúa sủng ái cách đặc biệt. Xuống núi, ông được ca tụng là Cha của những người tin, xứng đáng là tổ phụ dân Thiên Chúa.
2. Vừa khi gặp Chúa và đàm đạo với Chúa trên núi Kho-rép, ông Môsê xuống núi thi hành nhiệm vụ Chúa trao, thành vị lãnh đạo dân Chúa đưa toàn thể con cái Israel rời bỏ Ai Cập về Đất Hứa.
3. Phút cuối đời, Môsê lên núi Nơ-vô, đối diện với Gierico, được Chúa cho thấy toàn bộ miến đất Chúa hứa cho 12 chi tộc Israel định cư (Đnl 34:1-9). Sau đó, ông nhắm mắt ly trần dù không đặt
chân vào Đất ấy nhưng mãn nguyện vì đã chu toàn mọi mệnh lệnh Chúa truyền ban cho ông.
4. Êlia lên núi Carmel tế lễ cùng Thiên Chúa tối cao, được Chúa khứng nhận lễ vật chân thành. Sau đó xuống núi ông lật đổ niềm tin mù quáng phi lý của các sư sãi Ba-al, khiến họ hãi sợ run rẩy.
5. Trời sáng sớm tinh sương, Chúa Giêsu lặng lẽ cầu nguyện cùng Chúa Cha tại nơi thanh vắng trên núi cao. Sau đó, Ngài chọn 12 môn đệ thân tín theo Ngài loan báo Tin Mừng Nước Trời.
6. Ngày xưa trên núi cao, Môsê nhận thập giới mà Chúa truyền cho dân Israel phải tuân giữ. Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu công bố luật mới cho mọi kitô hữu khắp hoàn cầu, giúp họ kiện toàn
đời sống nên trọn hảo.
7. Đi với Thầy Chí Thánh lên núi Oliu, nhóm Mười Một chứng kiến vinh quang Chúa hiển ngự trên tầng trời cao. Xuống núi trở về Giêrusalem tụ họp nhau trong nhà cầu nguyện, họ nhận được Lửa
Thần Khí tác động, mạnh mẽ đứng lên dõng dạc tuyên xưng “Đức Kitô đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy” (Cv 5:30).
Rõ ràng, tiếng Chúa không ồn ào nơi náo động xôn xao nhưng nhẹ nhàng mạc khải cho những tâm hồn thích tìm riêng cho mình một chỗ định cư. “Lên ngọn núi cao” là cơ hội nghe được tiếng Chúa thì thầm, để rồi sau khi vui vẻ nhận diện sứ điệp, ta sẵn sàng “xuống núi” đổi đời, sám hối thực hành lời Ngài đã truyền ban.
C. Người kitô hữu cùng lên núi với Chúa.
Ngày 15/8/1233, lễ Đức Mẹ hồn xác Lên Trời, có 7 thương gia miền Florence (Ý) đến nhà thờ dự lễ. Được ơn Chúa thúc đẩy, họ đồng thanh từ bỏ mọi hàng hóa kinh danh, mọi cửa hàng thương mại.. để
hiến thân phụng sự một lý tưởng cao hơn, với ý định Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Họ cùng nhau trèo lên đỉnh núi Sênariô, dựng một cái nhà nhỏ rồi sống chung với nhau trên đó. Bảy doanh gia canh tác một miếng đất khô chồi quanh nhà, dần dần những thân nho tươi tốt mọc lên sai trái. Vào đêm mùa Đông nọ vườn nho thổ cư bổng trĩu nặng những chùm trái mọng mướt. Họ xem đó là dấu chứng Chúa chúc lành.
Cả bảy anh em cùng nhau chọn bốn đặc điểm làm quy luật sống: (1) nhất quyết giữ mình độc thân, dù trong số đó có người đang độc thân hay đã lập gia đình, dứt khoát không vướng bận phu thê, (2) đem phân phát tất cả tài sản họ từng sở hữu cho kẻ nghèo, (3) giữ lòng tôn sùng kính mến Đức Mẹ đặc biệt, (4) luôn yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, tôn vinh Ngài trong tư tưởng, lời nói, việc làm.. đêm ngày qui hướng mọi việc về Chúa. Hàng năm Giáo Hội mừng lễ Bảy Thánh Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ 17/02.
Thật là khó khi đã giàu sang sung túc đầy đủ, mà 7 doanh nhân lại từ bỏ để dâng mình cho Chúa.
Thật là can đảm, khi họ quyết tâm trèo lên một đỉnh núi cao, để đồng tâm nhất trí cầu nguyện và lao động, sống đời ơn gọi “phụng sự Chúa và Đức Mẹ” hết tâm hồn, hết trí khôn. Quả thật:
1. Nhiều chứng nhân đã khôn ngoan lên núi, tìm gặp Chúa trong tĩnh lặng:
• Để hiệp thông, gắn bó mật thiết gần gũi với Chúa (như Môsê).
• Để lắng nghe tiếng Chúa huyền nhiệm, nói riêng với chính họ (như Samuel).
• Để nhận diện vinh quang Chúa uy nghi, cao cả (như Êlia).
• Để xác tín đức Tin vào Chúa thêm vững mạnh (như Abraham).
2. Nơi đời sống thánh hiến, các tu sĩ “lên núi” gặp Chúa trong tịnh tâm:
• Để hồi tâm, xác quyết, đoan hứa và cam kết (như Teresa Calcutta).
• Để đón nhận ơn Chúa soi sáng và tìm ra thánh ý Ngài (như Kowalska Faustina).
• Để kết hợp, kín múc sức thiêng, gia tăng nguồn ân sủng (như các nữ tu Thừa Sai Bác Ái).
• Để suy tư, đào sâu lời Chúa kêu gọi, tiếng Chúa gọi mời (như Antôn viện phụ)).
3. Khi sống thánh giữa đời, người tín hữu “lên núi” trong giờ phút cầu nguyện:
• Để hướng tâm về Chúa luôn.
• Để nghĩ tưởng về Chúa triền miên, dâng trọn bao nỗi lòng cảm xúc.
• Để suy tư Lời Chúa chợt đến trong tâm trí mình.
• Để xét mình hồi tâm với bao sám hối, canh tân.
4. Hiệu năng tốt đẹp sau khi ta dành thời gian “lên núi” với Chúa.
• Được Chúa ở cùng luôn mãi. (Con Yêu Dấu rất đẹp lòng Ta).
• Được bám chặt nơi Chúa liên lỷ, khó tách rời (Giêsu ơi, ở cùng con luôn mãi).
• Được Chúa soi sáng trong mọi tư tưởng, lời nói, hành động (Chúa là hạnh phúc của con).
• Được Chúa nâng đỡ trong mọi nơi mọi lúc (Cùng đi với Chúa, gian nan con có lo chi?).
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !
Chúc tụng Chúa là núi đá cho con nương ẩn, là thành trì bảo vệ con (Tv 144:1-2). Xin tác động trên con Thần Khí Chúa, để con luôn hướng về Chúa đêm ngày, biết say men tìm kiếm Chúa trong mọi nơi mọi lúc, vì “Chúa chính là gia nghiệp đời con”. AMEN.
==========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.