Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật II Thường Niên C
TÌNH YÊU CHAN CHỨA RƯỢU NỒNG (Ga 2:1-12)
========================================
Chỉ còn 10 ngày nữa, người Việt Nam khắp nơi sẽ hân hoan chào đón Tết mới, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Ông bà tổ tiên xưa nay thường nói: Năm hết, Tết đến. Năm mới, con người mới. Bởi thế, thói quen cưới Vợ, gã Chồng cho con cháu dịp cuối năm, vốn là một truyền thống, phong tục không thể nào quên. Đôi bạn trẻ được Cha Mẹ lo cưới hỏi, để những ngày đầu Xuân; tân lang và tân nương mang lễ phẩm (cặp bánh, đôi chai rượu) đi Tết mới, ra mắt và nhận họ Nội, Ngoại hai bên…
Phúc Âm tuần này, xoay quanh câu chuyện tiệc cưới tại Cana, một xóm làng thân thuộc với Đức Maria và Chúa Giêsu. Đường dài từ Nazareth xuống Cana khoảng 8 dặm, dân cư ngụ trong vùng chẳng bao nhiêu, nên chủ tiệc ưu ái mời hết mọi người trong làng đến chung vui. Chuyện nan giải éo le, xảy đến bất ngờ cho tiệc cưới: thiếu Rượu ngon, để chiêu đãi khách uống. Chủ tiệc có vẻ bối rối, khó xử. Đức Maria là người quen biết nhà đám, nhạy bén nhận ra vấn đề bế tắc. Mẹ khẩn cầu cùng Chúa Giêsu, con Mẹ. Ngài nhậm lời Mẹ nài van: nước hoá rượu tràn trề, lai láng.
A. Tiệc Vui cần có thức ăn ngon và rượu nồng.
Con người “không ai là một hòn đảo’, mỗi cá nhân đều thích sống hợp quần, liên kết. Tiệc Vui ăn uống với nhau là cơ hội giúp mọi người gần gũi, gia tăng tình yêu thương thân thiết hơn: tiệc tân gia, tiệc thôi nôi, tiệc tốt ngiệp ra trường, tiệc thượng thọ….
Ăn Tiệc thì phải có rượu vào lời ra, niềm vui mới ngọt ngào, lan toả; nụ cười mới thấy “ép-phê”.
- Nhiều thực khách ưa quen sánh ví: “Muốn ăn ngon, phải đủ hai yếu tố: thứ nhất tốt Nhắm, thứ nhì Lắm anh em”. Nghĩa là: làm cỗ to, mà không có đồ nhậu tốt, rượu ngon, không có đông người tham dự…thì mất vui.
- Một số dân nhậu, lại bạo miệng quảng cáo: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Đàn ông mà không biết uống rượu, chẳng khác gì lá cờ bay phất phơ, thiếu sức mạnh của gió thổi. Phải ăn cho ngon, uống cho no say, dzô “trăm phần trăm” lai rai, mới xứng đáng là “dân chơi thứ thiệt”.
B. Đời sống Hôn Nhân cần có rượu nồng Yêu Thương, Cảm Thông và Chia Sẻ.
- Rượu nồng Yêu Thương:
- hy sinh, nhẫn nhục, chịu đựng gian khó; sống chết cho nhau.
- dám quên mình, để sống vị tha, bỏ qua những lầm lỗi.
- nhìn điểm Tốt nơi người yêu hơn là đay nghiến mãi các sai sót sủa họ.
- Rượu nồng Cảm Thông:
- hiểu những yếu đuối con người, giúp nhau xây dựng nên tốt.
- hâm nóng luôn những kỷ niệm đẹp, những thời điểm đáng nhớ của gia đình.
- biết đáp ứng và phát triển những sở thích tốt của nhau.
- Rượu nồng Chia Sẻ:
- liên đới, hỗ trợ nhau mưu sinh, giúp thăng hoa kinh tế gia đình.
- hiệp thông hợp nhất trong bổn phận làm cha mẹ, giáo dục con cái nên tốt.
- trao đổi, thảo luận và cộng tác thực hiện mọi sinh hoạt trong mái nhà chung.
C. Hãy mời Chúa và Đức Mẹ hiện diện trong gia đình mình luôn mãi.
- Nơi tiệc cưới Cana, cô dâu chú rể suýt bị “quê độ” vì thiếu Rượu bất thình lình giữa buổi tiệc.
May mắn thay, Đức Maria là khách qúi được mời dự tiệc, biết rõ sự khó của họ, Mẹ đã nhờ Chúa Giêsu hỗ trợ. Và phép lạ “nước hoá rượu” xảy ra, giúp nhà đám có đủ rượu, ngon hơn.
- Hạnh phúc hôn nhân Công Giáo, nhiều khi thiếu Rượu đạo đức, tin tưởng và yêu mến nhau, đời sống chung bị ảnh hưởng. Những lúc ấy, vợ chồng hãy rước Chúa và Đức Mẹ vào trong gia đình mình. Chắc chắn, Chúa sẽ làm phép lạ giúp xua tan mọi bất hoà, nghi kỵ, lo lắng trong ta.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu! Ngày xưa, cùng Mẹ vào đời, Chúa đã can thiệp giúp đôi tân hôn ở tiệc cưới Cana.
Hôm nay, con cùng Mẹ bước đi, trên đường đầy bao gian nguy, xin Chúa tiếp tục che chở,
ban cho gia đình chúng con đầy Rượu nồng yêu thương, chan hoà hạnh phúc, an vui. AMEN.
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.