Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật II Phục Sinh B
ĐÔI MẮT TÔMA BỪNG SÁNG LÒNG TIN
========================= (Ga 20:19-31)
Ông Kofi Annan, người xứ Ghana, làm Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc suốt hai nhiệm kỳ 1997-2006. Lúc nhỏ, sống trong khu ngoại ô khốn khó của một quốc gia nghèo nàn Phi Châu, Kofi học hành thông minh luôn đứng nhất lớp. Một lần nọ, vị hiệu trưởng nhà trường đến thăm lớp học và nói chuyện với các học sinh. Trong khi nói, ông giơ lên cho các em thấy tờ giấy trắng, trên đó có một chấm đen ở góc tờ giấy. Đoạn ông hỏi chung cả lớp: “Các em có thấy đây là cái gì không?”. Tất cả đều đáp lại: “Đó là một dấu chấm”. Ngài hiệu trưởng hỏi lại: “Thế không ai trong các em nhận ra đây là một tờ giấy trắng sao?”.
Cả lớp im lặng ngỡ ngàng. Rồi ông nói tiếp: “Ta thấy câu trả lời của các em đều không sai, một chấm đen nổi bật trên trang giấy trắng. Thế nhưng tại sao không ai trong cả lớp nhận ra rằng: tờ giấy ấy còn nhiều khoảng trắng sạch sẽ. Ta có thể viết trên đó những dòng chữ đẹp, tư tưởng hay. Nó sẽ giúp ta quên đi chấm đen nhỏ nằm ở góc giấy. Có đáng gì một vệt đen mà bỏ đi cả trang giấy trắng quý giá”.
- Sau này khi lớn lên trưởng thành ra lập nghiệp, Kofi Annan nhớ mãi câu chuyện để đời đó.
- Ông cô gắng điều khiển ngũ quan, sử dụng đôi mắt sao cho tinh tường, khéo léo.
A. Đôi mắt trần của con người khao khát đi tìm Chúa.
Trong Phúc Âm, có nhiều tâm hồn thiện chí khát mong tìm gặp Chúa với đôi mắt thể lý phàm trần.
- Đôi mắt Maria Madalena thấy mộ trống, nhìn Chúa cứ lầm tưởng là người làm vườn (Ga 20:15).
- Đôi mắt Phêrô nhìn vào trong mồ thấy mất xác Thầy, khăn liệm xếp gọn một chỗ thì hoang mang
bối rối (Ga 20:6-7).
- Sau khi ở đền thờ Gierusalem mừng lễ Vượt Qua xong, đôi mắt thánh Giuse và Đức Mẹ Maria phải mất ba ngày đi tìm Chúa vì không thấy Ngài trở về Nazareth với đoàn lữ hành (Lc 2:45-46).
B. Đôi mắt thần linh Chúa nhìn thấu đáo tâm trạng con người.
Đang khi đó, đôi mắt thần linh của Chúa nhìn thấu đáo tâm trạng từng người cá biệt.
- Đi ngang qua trạm thu thuế, Chúa trìu mến nhìn Lêvi, mời gọi ông: “Hãy theo Ta” (Mt 9:9).
- Đêm Chúa bị người ta xử án, Phêrô yếu đuối lỡ miệng chối Thầy ba lần. Ngay lúc ấy gà liền gáy, đôi mắt Chúa quay lại nhìn Phêrô, ông sực nhớ lời Thầy đã cảnh cáo trước đó (Lc 23:61).
- Đối diện một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đôi mắt Chúa giàu lòng thương xót cảm thông và tha thứ cho sự yếu đuối của chị, “mong chị đừng phạm tội nữa” (Ga 8:10-11).
- Quan sát nhiều người đang bỏ tiền dâng cúng vào đền thờ, đôi mắt Chúa thấu đáo tấm lòng cao cả của một bà góa nghèo: dù bà đã bỏ vào số tiền nhỏ nhưng lại bỏ nhiều hơn cả (Lc 21:3-4).
C. Điều khiển con mắt trong sáng, con mắt đức Tin.
Mỗi kitô hữu cần sử dụng con mắt đức tin để nhận thức Chúa Phục Sinh rõ ràng.
- Điều khiển đôi mắt để nhìn các khía cạnh tích cực hơn là khoanh tròn những việc tiêu cực.
- Điều khiển đôi mắt để nhìn cái tốt của tha nhân, không xói mòn cái xấu của người chung quanh.
- Điều khiển đôi mắt để có cái nhìn thông cảm hơn là phán đoán lạnh lùng, lên án thẳng thừng.
- Điều khiển đôi mắt để nhìn toàn diện, xa hơn, không dừng lại ở tiểu tiết vu vơ, thiển cận vô lý.
- Điều khiển đôi mắt để nhìn khách quan tổng thể hơn là nhận định chủ quan, dễ sai lầm thiếu sót.
- Điều khiển đôi mắt để nhìn sâu xa nội tâm bên trong hơn là nhìn một cách hời hợt bên ngoài.
Ngày xưa trong Cựu Ước:
+ Đavít nhận biết Saolê là người đã được Chúa xức dầu phong vương, nên không nỡ ra tay giết Nhà Vua
(I Sm 24:7).
+ Vua Salomon dùng đôi mắt khôn ngoan Chúa ban để xét xử công minh cho một người mẹ bị mất con
bởi tay một sản phụ khác đã cướp mất con riêng của bà (I V 3:16-28).
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh!
Đôi mắt Chúa tinh toàn, thấu nhìn các tông đồ sợ hãi, khi Chúa sống lại hiện ra thình lình với họ.
Đôi mắt Chúa cảm thông, xót xa nhìn Tôma đòi kiểm chứng thân xác Ngài đã phục sinh.
Xin Ơn Thánh Chúa củng cố niềm tin còn mỏng dòn, yếu đuối trong chúng con,
giúp chúng con mỗi ngày vận dụng con mắt Đức Tin, mạnh dạn can đảm tuyên xưng:
“Chúa đã chết và sống lại thật, mang Ơn Cứu Rỗi đời đời đến cho muôn người”. AMEN.
=========================================================================
LLm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.