Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật V Mùa Chay B
ĐƯỢC GIƯƠNG CAO LÊN KHỎI MẶT ĐẤT
======================== (Ga 12:20-33)
Ngày 07/4/1541, thánh linh mục Phanxico Xaviê đã mừng Birthday thứ 35 của mình, bằng việc giã từ anh em Dòng Tên lên đường sang Á Châu truyền giáo. Suốt thời gian ngụ cư ở vương quốc Nhật Bản, ngài đã giúp hơn hai trăm ngàn cư dân địa phương học biết đạo Chúa và nhận phép Rửa Tội.
Thời ấy vào thế kỷ XVI, xứ Phú Tang được cai trị bởi hai thế lực tối cao: Hoàng Đế (lãnh đạo về tinh thần) và các tướng quân (nắm quyền trên những vương quốc và lãnh địa lớn nhỏ khác nhau).Năm 1582, tướng Hydeyoshi cầm quyền thống trị toàn nước Nhật. Ông ra sắc lệnh cấm đạo Công Giáo và bách hại hung bạo mọi kitô hữu. Cuối tháng 12/1596, đạo quân của ông vây bắt 26 nhà truyền giáo ở Osaka, trong đó có 6 vị thừa sai dòng Phanxico, 2 giáo sĩ Dòng Tên và 18 giáo dân Nhật Bản. Là một tu sĩ Dòng Tên, Phaolo Miki (người bản xứ) cũng bị bắt chung với các anh em trong dòng. Theo lệnh của Hoàng Đế ban ra, họ sẽ phải chịu xẻo tai và thụ án bị đóng đinh vào thập giá tại Nagasaki.
Ngày 05/02/1597, trên một ngọn đồi bên ngoài thành phố Nagasaki, hai mươi sáu cây thập tự được dựng sẵn, chuẩn bị nơi hành hình cho các vị tử đạo Nhật Bản. Đoàn phạm nhân bị dẫn đi rảo qua các thành phố, nơi có đông cư dân Công Giáo sinh sống, nhằm đe dọa trấn áp tinh thần những kitô hữu còn theo đạo Chúa. Phaolo Miki cùng các bạn chung án tử hình, đã can đảm bước đi đến đỉnh đồi xử án. Anh vinh dự mừng rỡ khi thấy trước “triều thiên tử đạo” Chúa ban, sắp được đặt trên đầu mình.
Tuy bị hành hình đau đớn, họ vẫn vui tươi khuyến khích nhau chịu cực khổ, để nên giống Chúa. Bị treo trên thập giá, Phaolo Miki thầm thỉ lời tuyên xưng cuối cùng: “Không có đường lối cứu độ nào khác ngoài đường lối các kitô hữu đang theo. Đường lối ấy dạy tôi tha thứ những kẻ hãm hại mình, nên tôi sẵn sàng tha cho Hoàng Đế và mọi kẻ chủ động trong việc giết tôi. Mong họ hãy nhận lãnh phép Rửa Tội của Kitô giáo”. Quân lính sau đó đã dùng lưỡi giáo đâm chết Phaolo Miki và các bạn thụ án.
Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32), thật đậm đà ý nghĩa.
- Chúa đã thực sự bị đóng đinh và chết trên thập giá, mang Ơn Cứu Chuộc đến cho muôn người.
- Nên giống Chúa Giêsu Kitô, Phaolo Miki và các bạn tử đạo Nhật Bản cũng chịu hình phạt đóng đinh vào thập giá, chan hòa giọt máu mình trong chén đắng cuộc đời làm hy lễ tiến dâng.
Ta cùng suy niệm:
- Câu chuyện “Được Giương Cao Khỏi Mặt Đất”.
- Nhiều kẻ tin Chúa, cũng hy sinh chịu giương cao.
- Can đảm hy sinh chính mình, để được sống muôn đời với Chúa.
A. Câu chuyện “Được Giương Cao Lên Khỏi Đất”.
Sách Dân Số chương 21 có tường thuật sự kiện: dân Do Thái sau khi rời bỏ Ai Cập, họ lang thang trong sa mạc lâu ngày, lương thực mang theo cạn kiệt khiến bụng đói, cổ khô khan, khát nước. Lòng dân mất kiên nhẫn, buông lời trách Chúa và Mô-sê: “Sao ông lại để chúng tôi chết đói chết khát trong hoang địa này, chẳng có bánh ăn, càng không có nước uống” (Ds 21:5). Vừa nói lời xúc phạm ấy xong, bất ngờ rắn độc xuất hiện cắn họ chết tức thì. Dân Israel bèn xin lỗi Chúa, mong Ngài xua đuổi rắn đi.
Chúa truyền lệnh cho Mô-sê đúc một con rắn bằng đồng và treo lên cột cao. Hễ ai còn bị rắn cắn, lập tức nhìn lên con rắn đồng ấy, sẽ được chữa lành. Dấu chỉ “con rắn đồng” này có tính ngôn sứ, tiên báo trước tương lai: sẽ đến ngày “Con Người cũng được giương cao lên như thế” chuộc tội nhân loại.
- Xưa, kẻ bị rắn cắn, chỉ nhìn lên dấu hiệu Chúa gửi đến với lòng tin, thì được cứu chữa.
- Nay, ai nhìn lên Thập Giá Chúa, mà tin vào Ơn Cứu Độ của Ngài, sẽ được sống muôn đời.
Đúng vậy, suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng, nhiều bệnh nhân đã tin vào Chúa đều được Ngài chữa lành.
- Anh mù tự bẩm sinh, đã tin Chúa là ngôn sứ, là Đấng Messia, nên được sáng mắt (Ga 9:17.38).
- Anh mù Bartimê được thấy rõ ràng do lòng tin của anh vào “Giêsu, Con Vua Đavít”(Mc 10:52).
- Người bại liệt có lòng tin mạnh vào Chúa, được Chúa giúp đi lại bình thường (Lc 5:20).
- Kẻ vừa điếc vừa ngọng, biết tin tưởng Chúa, tai và lưỡi anh: nghe, nói được rõ ràng (Mc 7:35).
- Người cùi Capharnaum, tin Chúa sẽ giúp đỡ mình, nên được sạch bệnh hoàn toàn (Mc 1:42).
Dưới ánh sáng đức Tin, họ thực sự nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ quyền uy, nên đạt “vạn sự như ý”.
B. Tin vào Con Thiên Chúa, nhiều kitô hữu chấp nhận “chịu giương cao”.
Lời Chúa nhấn mạnh xa xưa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Lời ấy luôn vang vọng, mời gọi tín hữu đi theo Chúa, gắng chấp nhận “chịu giương cao lên khỏi đất” trong cuộc đời của mình, như Thầy Chí Thánh đã “căng mình trên Thập Giá” xưa.
- Thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng, sẵn lòng chịu đóng đinh ngược trên thập giá tại Roma năm 67, để hiệp thông chia sẻ khổ đau với Chúa.
- Thánh tông đồ Anrê cũng chịu căng mình trên thập giá hình chữ X, với lời di ngôn sau cùng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy đón nhận con! Lạy Chúa Giêsu Kitô, hãy nhận lấy hồn con!”.
- Bạo Chúa Neron ngày xưa bách hại những kẻ tin theo Chúa. Nơi đấu trường Colosseum, ông ra lệnh bắt các kitô hữu trói vào thập tự, thiêu sống họ như những bó đuốc bừng cháy làm trò vui cho dân chúng thành Roma.
- Tại Phillipines, hàng năm khi cử hành Phụng Vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, giáo dân vùng San Pedro vẫn giữ tập tục truyền thống: một anh em trong làng tình nguyện giơ tay chân mình ra cho người khác đóng đinh vào thập giá. Người ấy chịu đau đớn trong thinh lặng, để hy sinh đền tội và tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô.
Thậm chí ngày nay, tại một vài quốc gia Hồi Giáo miền Trung Đông, như: Arab Seoute, Syria, Iraq… vẫn tồn tại hình phạt thập giá, dành cho những tội nhân phạm trọng tội. Họ dùng khổ hình ấy như một răn đe trừng trị cho những ai vi phạm luật pháp nặng nề.
C. Hy sinh bản thân đời này, để sống vinh phúc muôn đời.
“Cho thì có phúc hơn là nhận”(Cv 20:35). Hạt lúa được gieo vào lòng đất có chết đi, mới nẩy sinh được nhiều bông hạt khác. Ai có hy sinh cuộc sống mình ở đời này, mới giữ lại được nó cho sự sống đời đời.
Để có thể hy sinh được chính bản thân mình, người ấy phải:
- Có tinh thần quảng đại, biết mở rộng cõi lòng ra với tha nhân.
- Can đảm dấn thân, sẵn sàng hy sinh cho đến cùng, không mỏi mệt.
- Luôn kiên trì theo đuổi ước vọng, không nản chí khi gặp trở ngại, không sợ hãi trước mọi thử thách gian nan.
Theo sau những hy sinh vất vả ấy, họ sẽ thấy:
- Bao hoa trái thơm tho được nẩy nở, muôn kết quả tốt đẹp bổng thành hình.
- Sinh hoạt cộng đồng được thăng hoa, nhờ sự đóng góp tích cực của cá nhân mình.
- Chính bản thân họ được an ủi khích lệ, với những thành quả ban đầu mình gặt hái.
Cuối cùng, phần thưởng cho những Hy Sinh ấy, chính là:
- Chúa tặng ban Danh Dự, Hồng Phúc chói ngời cho kẻ đã “mến yêu Chúa nơi anh chị em” mình.
- Xã hội đề cao tán dương, cộng đoàn trân trọng quí mến những gì họ đã cống hiến cho tập thể.
- Cuộc đời “những tâm hồn thiện chí” ấy trở nên muôn Của Lễ Tuyệt Vời hiến dâng tốt đẹp cho Thiên Chúa tình yêu.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể!
Xưa trên núi Canvê, Chúa đã chịu giương cao và chết trên thập giá, để cho chúng con được sống.
Xin Thần Khí Chúa trợ lực, giúp con vui nhận đau khổ cuộc đời, vác thập giá với Chúa cho đến cùng.
Bởi “Chúa là núi đá, là Ơn Cứu Độ con, là thành lũy chở che: con chẳng hề nao núng” (Tv 147:3).
======================================================== AMEN.
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.