Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật V Quanh Năm B
MỌI NGƯỜI ĐANG ĐI TÌM THẦY (Mc 1:29-39)
======================================
Ngày 10/5/2017, nhiều giáo dân VN bùi ngùi thương tiếc khi nghe tin Cha Augustino Nguyễn viết Chung, một linh mục thuộc Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn vừa qua đời. Được biết trước kia vị linh mục khả kính ấy là một tín đồ Phật Giáo, một sinh viên Đại Học Y Khoa Saigon. Cha có lòng ngưỡng mộ Đức Cha Gioan Cassaigne, một giáo sĩ người Pháp can đảm hy sinh sống chết với người cùi VN tại Di Linh cho đến hơi thở cuối cùng. Tuy không hiểu biết gì về đạo Công Giáo nhưng gương phục vụ của Đức Cha đã in sâu trong Nguyễn viết Chung hình ảnh về một thần tượng cao đẹp.
Đến sinh hoạt tại giảng đường Đại Học, anh Chung lại tiếp cận và mộ mến một giáo sư khác người Bỉ tên Lichetenberger. Ông là vị bác sĩ có kiến thức uyên thâm giảng dạy luôn sinh động và phong phú. Sau đó anh vô tình khám phá thêm ngài còn là một linh mục dòng Tên, đã dấn thân cho khoa học không mỏi mệt trong nhiều năm. Đời sống tốt lành của cha nào ngờ đọng lại trong tâm trí anh nét son Phục Vụ. Thế nên khi tốt nghiệp ra trường năm 29 tuổi, bác sĩ Chung đã tiên phong xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh với khát vọng được phục vụ những bệnh nhân cùi như Đức Cha thần tượng.
Năm 1993, khi nhận công tác tại trại phong Bến Sắn Bình Dương, bác sĩ Chung lại thấy mình thua xa nhiều nữ tu Nữ Tử Bác Ái đồng nghiệp khi họ yêu thương phục vụ các bệnh nhân. Các soeurs luôn nhẫn nại lắng nghe người bệnh hết lòng, không muốn ai buồn tủi, khiến bác sĩ nghĩ rằng: muốn có tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế, phải trở thành một người giống như các soeurs. Thế là bác sĩ đã xin học Đạo, được rửa tội là người Công Giáo năm 1994. Ở độ tuổi tứ tuần như thế, bác sĩ lại muốn đi tu Dòng Vinh Sơn và thụ phong linh mục 25/3/2003: cha Augustino Nguyễn viết Chung.
Cả đời có tâm nguyện hướng đến Chân Thiện Mỹ, bác sĩ Chung may mắn gặp được 3 hình ảnh tác động mạnh mẽ trên ơn gọi linh mục của cha: Đức Cha Gioan Cassaigne, giáo sư bác sĩ Lichetenberger và soeur Khánh Loan (một nữ tu ở trại phong Bến Sắn 17 năm, chết vì bệnh ung thư tại đó). Theo lời cha Chung: “ba vị ấy đã rao giảng Tin Mừng cho tôi bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói”..
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu Kitô chữa lành cho bà mẹ vợ thánh Phêrô và nhiều bệnh nhân mắc đủ thứ bệnh khác nhau. Sáng sớm, thấy Chúa đang cầu nguyện ở nơi hoang vắng, họ tiếp tục đi tìm Ngài.
Vừa gặp được Chúa, các môn đệ thân thưa: “Mọi người đang đổ xô đi tìm Thầy đấy” (Mc 1:37).
- Mọi bệnh nhân hăm hở đi tìm Chúa vì tin Chúa là vị lương y đại tài, họ mong được chữa lành.
- Chàng bác sĩ Phật Giáo tên Chung cũng khát khao sự Thiện, mong phục vụ bệnh nhân nghèo khổ, bất hạnh. Trên con đường chính lộ ấy, anh đã gặp được chính Chúa qua ba hình ảnh Thần Tượng của anh. Thiên Chúa đã thu hút Nguyễn viết Chung và anh dứt khoát đi theo Ngài.
Ta cùng suy niệm:
- Có rất nhiều người nao nức đi tìm Chúa.
- Họ mong gặp Chúa với nhiều động lực khác nhau.
- Phương thế giúp nhận ra Chúa trong cuộc đời.
A. Có rất nhiều người nao nức đi tìm Chúa.
Thiên Chúa hiện diện khắp nơi nhưng con người vẫn mãi đi tìm. Ngài đồng hành bên ta cách huyền nhiệm nên đôi mắt thế tục của ta khó nhận thức tỏ tường. May mắn thay, khi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế mặc xác con người, nhiều tâm hồn tín hữu đã gặp được chính Chúa.
- Nhận biết dấu hiệu “Đức Vua dân Do Thái mới hạ sinh”, các nhà chiêm tinh từ Phương Đông đã mau mắn lên đường tìm đến tận nơi Hài Nhi đã giáng sinh (Mt 2:9-10).
- Nghe bạn thân mách bảo “Đấng mà sách luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, tôi đã gặp”, ông Nathanael vội vã đi tìm Chúa và đã gặp được Ngài. Ông sung sướng khi nghe lời Chúa khen tặng: “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1:45-51).
- Có mấy người Hy Lạp từ phương xa đã lặn lội đến tận Giêrusalem để chỉ mong được gặp ông Giêsu (Ga 12:20-21).
- Sau khi chứng kiến Chúa làm phép lạ hóa bánh & cá ra nhiều và được ăn no nê, đám đông dân chúng lại rủ nhau xuống thuyền đi đến Capharnaum để mong tìm thấy Ngài (Ga 6:24).
- Vốn khát khao đời sống trọn lành, một thanh niên giàu có cũng sốt sắng đi tìm Chúa và đến hỏi ngài: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời” (Mt 19:16).
- Nghe bà hàng xóm cao rao: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”, nhiều cư dân làng Xy-kha liền vội ra khỏi thành để đến gặp Chúa Giêsu (Ga 4:28-30).
- Với lòng mến Chúa cao độ, Maria Magdala đã sốt ruột đi ra mộ liệm xác Chúa từ sáng sớm khi trời còn mờ tối. Không thấy xác Ngài, cô khóc lóc tìm kiếm khắp nơi. Thậm chí Maria còn hỏi người làm việc ở nghĩa trang là có thấy Chúa của mình ở đâu thì chỉ cho cô hay (Ga 20:15).
Đường đời trăm phương ngàn hướng biết đâu là chính lộ để an tâm bước đi. Cuộc sống mãi long đong, người Kitô hữu cứ đi tìm Chúa mỗi tháng ngày. Chỉ đến khi gặp được Chúa rõ ràng rồi, lòng họ mới hân hoan phấn khởi. Thật đúng với tâm trạng sám hối của thánh Augustino đã tự thú: “Trái tim con mãi băn khoăn cho đến khi gặp Chúa và được nghỉ ngơi trong Ngài”.
B. Họ mong gặp Chúa với nhiều động lực khác nhau.
Mẹ Teresa Calcutta là vị sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái, một hội dòng chuyên phục vụ những anh chị em nghèo khổ, bệnh tật khắp nơi. Truyền thống nhà dòng: các nữ tu mỗi ngày phải dành riêng một giờ chầu trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Họ cần gặp Chúa trước khi ra phục vụ tha nhân. Các Soeurs mong muốn cuộc đời mình đan dệt thường xuyên bằng bí tích Thánh Thể. Chính Mẹ Teresa xác tín “nếu bạn muốn yêu mến người nghèo mãnh liệt, bạn cần dành nhiều thời gian cho việc chầu Chúa”.
- Các nữ tu Thừa Sai Bác Ái tìm gặp Chúa mỗi ngày là để hăng say phục vụ dân nghèo tích cực.
- Việc gặp Chúa nơi nhà chầu Thánh Thể đưa các chị đến gần nhau. Qua đó, họ yêu thương nhau và quí mến dân nghèo, người bệnh khốn khổ với một niềm tin sâu xa & một tình yêu vĩ đại.
Quan sát những người đi tìm Đức Giêsu Kitô trong Phúc Âm, ta thấy họ mong gặp được Chúa với nhiều động lực khác nhau.
- Các bệnh nhân thì mong được Chúa chữa lành khỏi những cơn bệnh hiểm nghèo phần xác.
- Người công chính mong gặp Chúa để học hỏi nơi Ngài những điều hay lẽ phải.
- Những tâm hồn thiện chí ao ước được thấy Chúa để sáng tỏ sự thật, vững tin vào chân lý.
- Các nhà đạo đức mong chiêm ngắm Thánh Nhan Chúa để tôn kính thờ lạy hết lòng..
- Bậc hiền nhân tìm đến Chúa để tỏ lòng ngưỡng mộ, khâm phục thần tượng đích thực.
- Người thánh thiện muốn đến gần Chúa để gia tăng niềm tin cậy mến, kín múc ơn Ngài trợ lực.
- Thậm chí, không thiếu những kẻ ác tâm gian xảo đi tìm gặp Chúa để khiêu khích chỉ trích. Đôi lúc, họ còn manh tâm đủ mọi cách để bắt bớ, ném đá, xô Ngài từ trên nơi cao xuống vực thằm..
Tâm địa thế nhân là vậy đó, họ đi tìm gặp Chúa với nhiều nguyên nhân dị biệt có khi tương phản nhau, “sông sâu còn có kẻ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người”. Cao cả thay bởi Chúa là Thiên Chúa toàn năng: Đấng tạo dựng mọi sự trong vũ trụ, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn thâm sâu của lòng người bất nhất.
- Chúa biết rõ những suy nghĩ, ý muốn của thế nhân trước khi họ trực diện với Ngài.
B. Phương thế giúp nhận ra Chúa trong cuộc đời.
Một ngày nọ, Gioan Thiên Chúa di chuyển đến thành phố Gibralta (Tây Ban Nha) mưu sinh: mỗi ngày cậu rong ruổi khắp nơi bán hàng rong giày dép và tranh ảnh để nuôi thân. Bất ngờ cậu gặp một đứa trẻ cùng khổ đáng thương với đôi chân nó trần trụi bị nứt nẻ vì sỏi đá. Gioan vội cõng thằng bé trên vai. Đi một khoảng đường dài thấm mệt, Gioan dừng chân nghỉ ngơi. Em bé liền chỉ cho Gioan thấy một trái lựu (tiếng Spanish, có nghĩa là Grenade) có cây thánh giá mọc trên trái ấy và nói: “Hỡi Gioan Thiên Chúa! Trái lựu sẽ là thánh giá của ngươi”. Nói xong, em bé bổng thình lình biến mất.
Khi ấy, Gioan mới nhận ra chính Chúa Giêsu là đứa trẻ mà ngài đã giúp đỡ cõng bé trên vai. Kể từ đó, Gioan ăn năn sám hối, quyết tâm dành hết những ngày đời còn lại để phụng sự Chúa bằng
việc săn sóc các bệnh nhân tại thành phố Grenada (Tây Ban Nha). Ngài tận tâm phục vụ người nghèo, thực thi công việc bác ái suốt đời mình. Trong một lần khác, cũng chính Chúa Giêsu xuất hiện dưới hình một em bé tay cầm quả thạch lựu trao cho Gioan và nói: “Đây là thánh giá của con”. Thế nên sau này, các tu sĩ Trợ Thế dòng Bệnh Viện Gioan Thiên Chúa đã chọn trái Thạch Lựu làm biểu tượng của riêng mình như chính Thánh Tổ Phụ ngày xưa đã đón nhận trái ấy từ chính bàn tay Chúa Hài Nhi.
- Cầm trái lựu của Chúa trao tận tay mình, Gioan nhận ra thánh ý Chúa muốn ông đến thành phố Grenada để làm việc tông đồ: ở đó, ông sẽ phục vụ Chúa qua các bệnh nhân nghèo khốn khổ.
- Gioan đã mau mắn lên đường thực thi Ý Chúa mong muốn. Nhiều anh em mộ mến thánh nhân, sau này cũng bước theo Gioan. Ngài thành lập Dòng Anh Em Bác Ái, chuyên phục vụ trong ngành y tế, chăm sóc giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật nơi các nhà thương của Hội Dòng.
Rõ ràng ta nhận thức:
1. Thiên Chúa hằng ở bên ta mỗi ngày mặc dù ta không thấy. Chúa hiện diện cách thiêng liêng:
- Trong Kinh Thánh: Lời Chúa là ngọn đèn soi chiếu bước con đi (Tv 119:105).
- Trong Thánh Thể: có chính Đức Giêsu Kitô ngự trị ở đó (Ga 6:51).
- Trong cầu nguyện: khi ta họp nhau thành tâm ca ngợi, tán tụng Chúa.(Mt 18:19-20).
- Trong tha nhân: nơi những anh chị em sống chung quanh ta mỗi ngày (Mt 25:31-46).
- Trong yêu thương: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (I Ga 4:12).
2. Mỗi ngày con người không ngớt đi tìm gặp Thiên Chúa. Họ không dễ dàng thấy Chúa:
- Vì họ yếu con mắt đức Tin, chỉ biết “quan sát chiêm ngắm sự thể bên ngoài”.
- Vì lý trí họ còn nặng lòng tư dục, đậm tâm tình thế tục, say mê mọi giả trá mau qua.
- Vì tâm tư họ khô khan nguội lạnh, thiếu việc mộ đạo thánh thiện, sốt sắng.
- Vì cuộ sống họ không vâng nghe luật Chúa truyền, không tuân theo lời Giáo Hội dạy.
- Vì linh hồn họ không lãnh nhận các Bí Tích đều hòa, thiếu ơn Chúa soi sáng, trợ lực…
3. Phương thế giúp người Kitô hữu nhận ra Chúa nơi đời mình:
- Năng hướng thượng, nâng cao tâm hồn lên với Chúa trong mọi lúc.
- Sống đời nội tâm vững chắc: cầu nguyện đều, rước Chúa thường xuyên, suy niệm và thực thi Phúc Âm mỗi ngày.
- Dành thời gian tĩnh lặng: nghe tiếng Chúa thì thầm, xét mình hồi tâm cá nhân kỹ lưỡng.
- Biết dừng lại với Chúa phút cuối ngày: kinh Tối, đọc Phúc Âm, xin ơn Thánh Linh…
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!! Con nhớ lại tâm tình một bài hát của Cha Duy Thiên cách đây đã lâu:
“Con muốn đi tìm Ngài trong cuộc sống. Lối Ngài xưa con chưa tới một lần.
Biết về đâu con chưa gặp được Ngài. Ngài ở đâu trong tiếng hát lời kinh?
Ngài ở đâu trong ánh sáng niềm tin. Ngài ở đâu cho con đi gặp Ngài. Ngài ở đâu cho con đi tìm Ngài. Trong yêu thương hay trong thù hận. Trong tim anh hay trong lòng tôi”.
Vâng, lạy Chúa! Con đang tìm Chúa. Xin hãy đến với con, để con gặp được Chúa
là Đấng Cứu Độ con, là Đấng mà con hằng tôn kính và yêu mến đêm ngày. AMEN.
=========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.