Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XXXI Thường Niên A
MUÔN NGƯỜI LÀ ANH EM VỚI NHAU (Mt 23:1-12)
==========================================
Thời Đệ Nhị Thế Chiến, xứ Palestine là phần đất thuộc chủ quyền của chính phủ Liên Hiệp Anh. Sau khi chiến tranh thế giới lần II chấm dứt năm 1945, chính phủ Anh tuyên bố rút lui khỏi xứ Palestine, trao quyền độc lập tự do vùng đất ấy ½ cho Palestine và ½ cho Do Thái năm 1948. Vì thế ngày 14/5/1948, người Do Thái tuyên bố nước Israel được tái lập chính thức sau 2000 năm lưu lạc vô tổ quốc, bị khủng bố và diệt chủng khắp nơi. Việc chính phủ Anh phân chia ½ vùng đất ấy cho dân Do Thái khiến người Palestine không đồng ý, họ đòi làm chủ mọi đất Palestine đã được trao trả độc lập.
Xảy ra hai lần chiến tranh 1967 và 1973 với quân đội Israel, người Palestine bị thua trận nặng nề. Họ mất cả phần đất được chia ½ dành cho họ, bởi lẽ người Ai Cập và các nước Ả Rập lân cận đều chiếm nó làm chủ quyền sau chiến tranh. Gần đây, qua hiêp ước Oslo năm 1993, người Do Thái đồng ý rút quân khỏi giải Gaza và bờ Tây sông Jordan để trả đất cho người Paestine có chỗ mà định cư sinh sống. Nhờ vậy chính phủ Palestine được thành lập nhưng phe Hamas Hồi Giáo (một nhóm nhỏ cực đoan của Palestine) lại không chấp nhận. Thế là cuộc xung đột giữa phe Hamas và Israel cứ xảy ra lai rai.
Đêm thứ bảy 07/10/2023, lợi dụng ngày nghỉ sabbat của người Do Thái, phe Hamas bất ngờ tấn công dân Israel gây thiệt hại 1400 người chết, đồng thời bắt cóc 221 dân Do Thái làm con tin. Họ lẩn trốn trong Gaza trà trộn với thường dân Israel khiến quân đội Do Thái tấn công đáp trả gặp khó khăn. Khi nghe lời hiệu triệu của thủ tướng Israel, những người Do Thái khắp nơi vốn mang 2 quốc tịch đều tình nguyện trở về Israel tham gia quân đội chiến đấu bảo vệ cố hương. Họ là những đàn ông từ 23 tuổi đến 69 tuổi, đang là bác sĩ Pháp, nhân viên địa ốc Mỹ, giảng viên đại học Ý.. quyết lên đường tòng quân.
Thậm chí, phụ nữ Do Thái cũng tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự 2 năm, phục vụ trong mọi đơn vị quân đội, kể cả chiến đấu trên mặt trận tiền tuyến. Vốn đã xa quê hương trên 2000 năm, họ hầu như quên hết tiếng mẹ đẻ, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khi trở lại tổ quốc, ai nấy buộc phải học tiếng Hebrew để duy trì quốc ngữ của mình. Lòng ái quốc trong tâm trí người Israel dâng cao. Họ nói: “Một quốc gia không ai muốn làm việc cho mục đích riêng tư nhưng mọi nỗ lực đều hướng về thế hệ tương lai, cho con cháu. Những người trong quốc gia ấy sẽ luôn hãnh diện về chủng tộc của mình”.
Lời Chúa tuần này, Đức Giêsu Kitô nhấn mạnh: “Mọi anh em đều chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em với nhau. Cũng thế, mọi anh em cũng chỉ có một Cha, Đấng ngư trên trời” (Mt 23:8-9).
- Khi tuyên xưng cùng một đức Tin vào Thiên Chúa, đón nhận cùng một phép Rửa: mọi kitô hữu khắp thế giới đều là anh em với nhau, có chung một người Cha, Cha trên trời.
- Trong cùng một huyết thống một dân tộc, khi tổ quốc Israel bị lâm nguy, các đàn ông Do Thái khắp nơi đều mạnh dạn đáp chuyến bay về quê hương, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước..
(Ngoại trường Mỹ “Anthony Blinken” gốc Israel / Phu quân “Phó TT Mỹ Harris” gốc Do Thái)
Họ nhận ra nhau là Anh Em thân thuộc: nói cùng một ngôn ngữ, chung một sắc da, một nền văn hóa…
Ta cùng suy niệm:
- Chúng ta chung một người Cha: Thiên Chúa tối cao.
- Chúng ta có cùng một người chỉ đạo: Đức Giê-su Ki-tô.
- Muôn người chúng ta đều là Anh Em nhau: tứ hải giai huynh đệ.
A. Chúng ta có chung một người Cha: Thiên Chúa tối cao.
Nhớ ngày xưa khi sinh hoạt trong giới trẻ GX Thánh Gia XL, tôi không thể nào quên được bài ca “Ngôi Nhà chúng ta” của cha Tiến Lộc & Quang Uy, DCCT: “Anh em chúng ta có chung một mái nhà. Anh em chúng ta có chung một người Cha. Dù có đi xa vẫn mong quay về nhà. Nhà chúng ta, ngôi nhà rộng lớn bao la”. Vâng, chúng ta có chung một người Cha: Cha trên trời.
Làm sao biết chắc chắn Thiên Chúa là người Cha chung của thế giới? Làm sao mình dám xác tín tất cả nhân loại đều có chung một người Cha duy nhất và muôn người đều là anh em với nhau? Thưa: chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trực tiếp mạc khải và dạy bảo cho chúng ta biết điều đó.
- Khi hướng dẫn các môn đệ phương thế cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các ông lời kinh Lạy Cha (Mt 6:7-13). Qua đó, Ngài xác tín: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”.
- Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu nhấn mạnh với ông Nicodemo: “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian nhung là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3:17). Như thế: Thiên Chúa là Cha sai Đức Giêssu là Con của Người…
- Suốt ba năm thi hành sứ vụ rao giảng công khai, không lúc nào mà Chúa quên cầu nguyện với Chúa Cha, Cha của Ngài. “Lạy Cha là Chủ Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha…” (Mt 11:25). Chúa Giêsu hiệp thông hướng nguyện âm thầm lên Chúa Cha: khi chay tịnh trong sa mạc, khi chuẩn bị chọn 12 tông đồ, khi sắp làm phép lạ hóa bánh & cá ra nhiều, nơi vườn Cây Dầu…
- Khi tâm sự với các tông đồ, Chúa nói: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nhưng gọi anh em là bạn hữu, vì những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Từ đó ta có thể suy luận: Chúa gọi chúng ta là bạn hữu, là anh em của Ngài chung một Chúa Cha.
- Chính thánh Phaolo cũng minh xác Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong thư gửi tín hữu Roma: “Chính Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Abba! Cha ơi!” (Rm 8:15). Đúng vậy, “thật hạnh phúc khi ta được gọi Chúa là Cha” (thánh Têrêsa Hài Đồng).
Thực tế, trong sống đạo hàng ngày,niềm tin “vào một Thiên Chúa là Cha” đã nhiều lần được thể hiện.
- Ba tôn giáo lớn trên thế giới: Kitô giáo (Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Anh Giáo), Hồi Giáo và Do Thái Giáo đều tuyên xưng Thiên Chúa là Cha. (Đấng Allah, Đức Giavê..).
- Khi virus Covid-19 lan tràn khắp hoàn cầu, đe dọa sinh mạng nhiều người, toàn thể Giáo Hội Công Giáo hiệp nhất với ĐGH Phanxico cầu nguyện cùng Chúa Cha ngày 25/3/2021.
- Đặc biệt tuần qua, Thứ Sáu 27/10/2023, mọi kitô hữu hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã chay tịnh cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới: cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cuộc chiến giữa Hamas (Palestine) và Israel (Do Thái) sớm chấm dứt.
B. Chúng ta có một người chỉ đạo: Đức Giêsu Kitô.
Tin có một Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, các kitô hữu không ngừng khao khát một ngày nào đó họ sẽ gặp được Thiên Chúa diện đối diện. Vì thế, họ tin “có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Dù sống dù chết họ đều thuộc về Chúa” (Rm 14:8).
Làm thế nào để có thể đi đúng con đường để gặp được Thiên Chúa? Thưa: Đức Giêsu Kitô chính là người chỉ đạo cho mọi kitô hữu, vì Ngài phán: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”(Ga 14:6).
- Tin vào Đức Giêsu là Thầy Chí Thánh, các tông đồ đã xin Chúa dạy họ cầu nguyện (Lc 11:1).
- Vâng lời Đức Giêsu là người chỉ đạo, hai môn đệ thân tín đi vào làng Bết-pha-ghê mượn giúp Chúa một con lừa, để Ngài ngồi trên nó mà tiến vào thành Giêrusalem (Mt 21:6).
- Tin vào lời Chúa phán, thánh Phêrô đã ra biển câu được con cá, trong đó ông lấy ra 2 đồng tiền để đóng thuế cho Thầy Giêsu và cho chính ông (Mt 17:27).
- Nghe lời Chúa chỉ đạo, mônđệ Philipphê đã chạy đến xe ngựa của quan thái giám Ethiopi đang đọc Kinh Thánh. Philipphe giải thích Kinh Thánh và làm phép Rửa cho quan (Cv 8:26-39).
- Nghe lời giới thiệu của Gioan Tiền Hô, hai môn đệ đã đi theo Đức Giêsu Kitô nhận Ngài là người chỉ đạo. Cả hai đều hỏi Chúa: “Rabboni, Thưa Thầy! Thầy ở đâu?” (Ga 1:38).
- Vui mừng thấy Đức Kitô đã phục sinh, Maria vâng lệnh truyền của Chúa chạy về nhà loan báo tin mừng “Thầy đã sống lại” cho các môn đệ được hay tin (Ga 20:17-18).
- Vâng theo sự chỉ dạy của Chúa, thánh Phêrô tìm ra một phương pháp tha thứ cho anh em khi họ xúc phạm đến ông, là “tha bảy mươi lần bảy”, tha hoài tha mãi tha triền miên (Mt 18:22).
- Sau khi chứng kiến Đức Giêsu lên trời và sực nhớ lời chỉ đạo của Thầy Chí Thánh: “Hãy đi rao giảng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ” (Mt 28:19), các môn đệ đã chia tay mỗi người một ngã đi loan báo Nước Thiên Chúa đến khắp nơi.
Quả thật, con đường chỉ đạo mà Chúa Giêsu hướng ý, luôn là Chính Lộ, dẫn đưa những kẻ bước theo đạt đến sự sống muôn đời.
C. Mọi người đều là anh em với nhau: “tứ hải giai huynh đệ”.
Năm 1943, cô Chiara Lubich, một thôn nữ người Ý 18 tuổi, có lòng đạo đức sâu xa. Cô cảm nhận tiếng Chúa gọi cô đi làm việc bác ái giữa những người cùng khổ. Lúc ấy, cuộc chiến tranh Đệ Nhị Thế Chiến đang dâng cao cực độ, bom đạn liên tục tàn phá nước Italy. Chiara vẫn ở tại quê hương thành phố Trento phục vụ các nạn nhân chiến tranh. Sự nhiệt tâm công cuộc tông đồ bác ái của cô vô tình đã thu hút nhiều thiếu nữ khác tại các vùng lân cận. Dần dần, họ cùng theo đuổi lý tưởng Bác Ái Hiệp Nhất, thấy Chúa trong tha nhân, nhất là những anh chị em bị người đời bỏ rơi và xua đuổi. Càng ngày nếp sống ấy càng vượt ra khỏi ranh giới thành phố Trento. Chiara Lubich quyết địng khởi xướng phong trào Focolare với lý tưởng “Hiệp nhất tất cả mọi thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô”.
Cho đến nay, phong trào Focolare đã bành trướng khắp thế giới. Năm 1977, khi nhận giải thưởng quốc tế Templeton về tôn giáo tại London (Anh Quốc), chị Chiara Lubich đã tuyên bố: “Chúng tôi lên tiếng để la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa”.
- Chung tay làm việc Bác Ái, các thiếu nữ Trento ban đầu vốn xuất thân từ những gia đình khác nhau đã sống độc thân thực hiện lý tưởng giúp các nạn nhân chiến tranh.
- Sau đó, họ quy tụ thành phong trào Focolare rộng lớn, mỗi người đều là chị em với nhau không phân biệt giàu nghèo, trình độ văn hóa, cùng hiệp thông sống bác ái cho tình người lan tỏa.
Trước khi chính thức là người Công Giáo, tôi vừa mở mắt chào đời đã là dân Việt Nam.
Cho dù không có chung một huyết nhục, một lòng mẹ sinh ra với anh chị em chung quanh, nhưng:
- Tôi là anh em với bao người Việt khác, vì: chung một quê Cha đất Mẹ, chung một ngôn ngữ, cùng một tổ tiên dòng giống Lạc Hồng, hấp thụ chung một nền văn hóa Á Đông.
- Tôi là anh em với bao người kitô hữu Công Giáo khác, vì: tuyên xưng chung một đức tin, cùng lãnh nhận một Phép Rửa Tội, vinh phúc được đón nhận cùng một Thần Khí Chúa Thánh Linh.
- Tôi là anh em đồng hương với bao người Việt ở hải ngoại, vì: có chung một chủng tộc máu đỏ da vàng, nhận cùng một quốc tịch người Mỹ gốc Việt, có chung một ý thức hệ dân chủ, tự do.
Là những anh chị em Việt Nam với nhau định cư ở xứ người, sống tại các quốc gia hải ngoại, tôi:
- Cần liên kết vơi các sinh hoạt đồng hương: họp mặt Cựu Ái Hữu (trường học, làng xã, đơn vị quân đội binh chủng…), đón Xuân vui Tết, tổ chức Hội Chợ họp mặt cộng đồng người Việt.
- Nên góp một bàn tay Gây Quỹ, Đóng Góp: giúp bà con bị lũ lụt quê nhà, ủng hộ Cám Ơn Anh, giúp Hội Người Cùi, đỡ đầu Quỹ Học Bổng trẻ em nghèo, hỗ trợ nuôi dưỡng các cô nhi ….
- Thi hành nhiệm vụ cao quý để xây dựng cộng đồng Việt Nam kiên vững nơi hải ngoại:
+ Duy trì và giáo dục ngôn ngữ tiếng Việt: vì “tiếng Việt còn, nước Việt còn” (Phạm Quỳnh), “sách Quốc Ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học, miệng thì đọc, tai thì nghe, đừng ngủ nhè, chớ láu táu” (Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu).
+ Bảo tồn văn hóa truyền thống Việt Nam: mặc quốc phục, áo dài, món ăn Việt, lễ hội Việt…
+ Gắn bó, liên đới mọi hòa hợp cộng đồng: hỗ trợ, liên kết, phụ giúp mọi chương trình thăng tiến chung / xua tan những nghi kỵ bất hòa chia rẽ, gièm pha chỉ trích vu vơ…
+ Củng cố tình bằng hữu: dung hòa những xung khắc văn hóa giữa các thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cháu…). Thích nghi và chuyển hướng não trạng bảo thủ cho hợp với văn minh thời đại…
+ Gieo tinh thần hào hùng của tổ tiên Việt Nam xưa cho thế hệ hậu lai….
- Có trọng trách thiết thực để duy trì đời sống Tôn Giáo tại hải ngoại:
+ Gia đình VN mỗi tuần sinh hoạt chung tại một cơ sở thờ phượng của người Việt địa phương.
+ Tích cực đóng góp và xây dựng mọi chương trình giúp thăng tiến nhu cầu tâm linh.
+ Nuôi dưỡng hồn đạo đức bằng sự kín múc kho tàng đạo lý thường xuyên..
+ Giữ lửa Đức Tin tại tư gia giúp mọi thành viên gia đình không thờ ơ, lãng quên đời sống siêu nhiên trong tâm trí mỗi người…
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Chúa đã giáng trần để thực hiện Ơn Cứu Độ cho nhân lọai.
Chúa chịu chết để liên kết toàn thể muôn người nên Một, được làm con chung một Cha trên trời.
Xin giúp chúng con nhận ra là anh em trong Chúa, sống liên đới hiệp thông nâng đỡ hỗ trợ nhau, gắng xua tan mọi bất hòa chia rẽ, giúp nhau xây dựng một cộng đồng huynh đệ yêu thương, nhân ái.
======================================================== AMEN.
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.