Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XXVI Thường Niên A
CỐ GẮNG THỰC HÀNH LỜI ĐÃ HỨA (Mt 21:28-32)
=========================================
Một ngày mùa Đông trên đường về nhà mình, ông Joseph đi ngang qua một cửa hàng nhỏ, có treo tấm bảng “nhận vẽ tranh Chân Dung”. Vội nhìn qua cửa kính, ông thấy có anh họa sĩ trẻ đang vẽ những bức chân dung rất đẹp. Joseph liền quyết định bước vào. Ông yêu cầu chàng họa sĩ vẽ chân dung cho mình vì thời tiết bên ngoài trời gió lạnh rét buốt mà trong nhà lại ấm áp. Sau khi thỏa thuận giá cả 200 đô la, Joseph liền ngồi xuống ghế sofa làm mẫu chân dung để chàng họa sĩ vẽ hình cho mình.
Một giờ sau, khi bức chân dung đã hoàn thành, ông Joseph lại nghĩ: “Anh ta vẽ đẹp, rất có thần, nhưng mình chỉ ngồi một chút xíu mà phải mất những 200 đô thì đắt quá”. Thế nên, Joseph thay lòng đổi dạ, đề nghị “tôi chỉ trả cho anh 50 đô la thôi”. Chàng họa sĩ ngẩn ngơ: “Ông đã thỏa thuận giá cả 200 đô thì tôi mới vẽ chứ, nếu ông không đồng ý giá đó thì sao ông không nói ngay từ ban đầu?”. Joseph liền vênh váo biện luận: “Một họa sĩ quèn như anh thì giá vẽ chân dung như thế là được rồi. Hơn nữa, nếu anh không muốn nhận 50 đô tôi trả, thì bức hình ấy anh cũng chẳng bán được cho ai ngoài tôi đâu”.
Chàng họa sĩ tức giận cho sự tráo trở của ông Joseph, anh quyết định không bán bức chân dung đó và nói lời đe dọa “ngày nào đó, ông sẽ phải trả giá cho sự lật lọng này”. Vị khách tên Joseph cười khẩy: “50 đô mà không chịu lấy, thì chẳng có đồng xu nào hết”, đoạn ông xô cửa ra về. Mười năm sau đó, Joseph trở thành nhà doanh nhân uy tín trong thành phố. Ông được mời đến dự cuộc triển lãm tranh của một họa sĩ nổi tiếng. Đến nơi, Joseph bàng hoàng khi thấy bức chân dung năm xưa của mình được treo nơi chính giữa phòng tranh, mang tên “Kẻ Lật Lọng” với giá bán được ghi “1 triệu dollars”.
Ông tức giận đến gặp chàng họa sĩ đã vẽ bức tranh ấy và hỏi: “Tại sao anh dám treo cái này. Gỡ ngay nó xuống”. “Xin lỗi ông, phòng tranh này là của tôi, do tôi làm chủ. Tôi chỉ gỡ bức chân dung xuống, nếu có người muốn mua nó”. Lúc ấy, khách tham quan vào phòng triển lãm ngày càng đông, Joseph rít qua kẽ răng và nói: “Tôi sẽ mua nó ngay lúc này, gỡ xuống đi”. Cầm bức tranh chân dung mình, ông ngậm ngùi viết chi phiếu 1 triệu dollars đưa cho chàng họa sĩ, vừa xấu hổ vừa vội vã rời khỏi phòng tranh ngay lập tức. Rõ ràng: ông Joseph phải trả một giá quá đắt cho sự tráo trở năm xưa của mình.
“Vó quýt dày, móng tay nhọn”. Chỉ vì ham tiền tiếc của ngày xưa mà Joseph phải nhục nhã hôm nay.
Phúc Âm Chúa Nhật XXVI tuần này, Đức Giêsu Kitô đã cho ta thấy một hoạt cảnh tương tự:
- Người con thứ hai, hứa với cha hiền “con sẽ đi làm vườn nho cho cha” nhưng sau đó không đi. Sự thất hứa của anh khiến cha hiền buồn lắm vì “trẻ cậy cha, già cậy con”, anh đã không nghĩ đến tình Cha thương yêu anh xưa nay, mà lãng quên lòng hiếu thảo trong mình (Mt 21:30).
- Nhà doanh nhân Joseph, trong câu chuyện trên, cũng thế. Chỉ vì cái lợi trước mắt của bản thân mà ông đã coi thường anh họa sĩ, để rồi sau đó phải nhận lấy một hậu quả không ngờ: chính danh dự của Joseph bị hạ nhục biết bao.
Ta cùng suy niệm:
- Lời Hứa thật quan trọng trong tương quan sinh hoạt.
- Vài hình ảnh Kinh Thánh về tôn trọng Lời Hứa và sự Thất Hứa.
- Phương thế giúp thực thi Lời Hứa cho được tốt đẹp.
A. Lời Hứa thật quan trọng trong tương quan sinh hoạt.
Tự nguyên thủy, sau khi hai ông bà Nguyên Tổ phạm tội mất lòng Chúa, họ bị mất phúc thiên đàng. Nhưng Thiên Chúa vẫn thương xót loài người: Ngài hứa ban một Đấng sẽ đến cứu chuộc nhân loại khỏi án phạt muôn đời. Đấng Cứu Độ ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa.
- Và Thiên Chúa đã giữ đúng Lời Hứa: từ trời cao, Ngài sai Đức Giêsu Kitô xuống nhập thể và ở giữa con người. Chính Đức Giêsu Kitô đã chết đền tội thay cho con người trên thập giá.
Bởi thế, Lời Hứa thật quan trọng trong tương quan sinh hoạt giữa con người với nhau.
- Lời Hứa xác định sự thật, diễn đạt lòng trân trọng quí mến và tin tưởng lẫn nhau.
- Lời Hứa có giá trị, khi: được tuyên bố nghiêm túc (có nhân chứng hiện diện); được phát biểu trong lúc bình thường, tỉnh táo; lời hứa ấy có khả năng thực hiện không cao vời viển vông và không vượt sức tự nhiên.
- Lời Hứa rất cần thiết trong cuộc sống: khi làm chứng một sự kiện đã xảy ra mà ta có mặt tại hiện trường lúc đó; khi ra trước phiên tòa xử lý một vụ án; khi ta ký kết một hợp đồng uy tín; khi làm giấy giao kèo giữa hai bên; khi tuyên xưng một niềm tin tôn giáo mà ta muốn xác tín…
- Lời Hứa một khi được tuân giữ đúng đắn, thể hiện tính cách trưởng thành của đương sự: là người có ý thức trách nhiệm, là người có đủ phẩm giá để tha nhân tôn trọng, quý mến; là người xứng đáng để người khác tin tưởng cậy nhờ…
Trái lại, kẻ không tuân giữ đúng Lời Hứa, sẽ: tự mình đánh mất uy tín cá nhân, không nhận
được sự nể trọng của tha nhân, bị suy giảm nhân cách của chính mình nơi người khác, vì “một
sự bất tín, vạn sự không tin”.
B. Vài hình ảnh Kinh Thánh về tôn trọng Lời Hứa và sự Thất Hứa.
Tìm đọc trong Kinh Thánh, ta thấy có nhiều chứng nhân tốt lành đã thực hiện đúng lời nói mà họ từng tuyên hứa với Thiên Chúa và tha nhân.
- Trước khi qua đời, tổ phụ Giuse (con ông Giacóp) mong muốn sau này tro cốt của ông sẽ được đưa về quê cha đất tổ (St 50:25) không lưu lại ở Ai Cập. Thế nên khi bắt đầu rời bỏ Ai Cập lên đường về Đất Hứa, ông Môsê đã thực hiện đúng lời đã hứa với tổ tiên Giuse xưa (Xh 13:19). Họ mang bộ hài cốt ông Giuse cùng đi với họ trên đường xuất hành.
- Quan thủ lãnh Gíp-tác khi lãnh đạo đoàn quân Israel giao chiến với binh lính Ammon: đã xin Chúa trợ lực giúp ông thắng trận. Ông hứa sẽ dâng bất cứ người đầu tiên nào ra chào đón đoàn quân sau khi họ chiến thắng trở về: ông sẽ hiến tế người ấy làm của lễ tạ ơn dâng Chúa.
=> Bất hạnh thay, cô ái nữ độc nhất lại là người chạy ra trước tiên mừng rỡ cha thắng trận trở
về. Gíp-tác vẫn thực hiện việc hiến tế con gái mình như lời đã hứa với Chúa (Tl 11:39).
- Bà Anna hiếm muộn khấn cầu Chúa cho bà hạ sinh được đứa con yêu quý. Sau khi trẻ Samuel chào đời và khôn lớn, bà hiến dâng con lại cho Chúa như chính miệng bà đã hứa với Chúa ngày xưa (I Sm 1:27-28).
- Trước lời truyền tin của sứ thần về việc Chúa đã chọn Maria làm Đấng cưu mang Con Chúa, trinh nữ Maria nói lời “xin vâng” (Lc 1:38) và Đức Mẹ đã thực hiện trọn vẹn đúng lời hứa ấy.
- Khi hai anh em đến xin Chúa ban đặc ân cao quý cho họ sau này trên nước Trời, Giacôbê và Gioan đều hứa với Chúa sẽ uống được chén đắng Chúa trao (Mc 10:39). Sau khi Chúa về trời, Giacôbê đã đi rao giảng Tin Mừng và chịu tử đạo đổ máu ra để thực hiện lời đã hứa với Chúa.
- Trước khi nhắm mắt lìa đời, trinh nữ Maria Goretti đã tha thứ cho tên sát nhân Alexandro Serenelli, kẻ ám hại cô. Chị hứa sẽ cầu nguyện cho anh mau hoán cải và được lên trời với mình sau này. Quả thật sau đó, Serenelli đã nên người hiền hòa sống tốt cho đến phút cuối đời.
Bên cạnh những tâm hồn thiện hảo biết nghe và tuân giữ lời đã Hứa với Chúa & tha nhân, nhưng cũng không thiếu những người quen miệng Hứa Hảo, hứa mà không thực hiện, quen nói lại quên làm.
- Những kinh sư và các người Biệt Phái quen nói mà không làm (Mt 23:3).
- Chàng thanh niên giàu có quen giữ luật trên môi miệng và trong tâm trí, nhưng không muốn hành động theo lời Chúa khuyên bảo là “bán tài sản mình có để giúp người nghèo” (Mt 19:22).
- Trong bữa Tiệc Ly, môn đệ Phêrô hứa sẽ không vấp ngã trước kẻ thù (Mt 26:33) nhưng sau đó nửa đêm, ông lại yếu đuối lỡ miệng chối Chúa đến ba lần (Mt 26:70.72.74) trước khi gà gáy.
Sực nhớ lời thánh Phaolo đã cảnh giác: “Ai cậy mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (I Cr 10:12).
C. Phương thế giúp thực thi Lời Hứa cho được tốt đẹp.
Vào một đêm lạnh giá, có nhà tỷ phú nọ thấy một ông lão nghèo khổ đang ngồi co ro rét buốt giữa trời, bèn lên tiếng hỏi: “Ông không cảm thấy ngoài trời lạnh lẽo lắm sao, vì ông chẳng mặc áo ấm gì cả trên người ông?”. Cụ già ấy trả lời: “Tôi không có áo ấm nhưng tôi cũng đã chịu đựng quen cái lạnh này rồi”. Vị tỷ phú liền hứa: “Ông cứ ngồi ở đây chờ đợi tôi một chút nhé. Bây giờ tôi đi về nhà và sẽ đem chiếc áo ấm giúp ông sau”.
Vị tỷ phú về đến nhà, do bận rộn nhiều việc quá mà quên hẳn ông già đang đợi mình chiếc áo ấm như đã hẹn trước. Sáng hôm sau, vị tỷ phú chợt nhớ đến ông già, vội mang chiếc áo ấm đi ra chỗ cũ để tìm ông ta. Tiếc thay, ông lão đã chết cóng trong giá rét từ lúc nào không ai hay. Bên cạnh chỗ ông ngồi có lá thư của cụ già viết gửi cho vị tỷ phú: “Khi không có áo ấm, tôi cố giữ sức mạnh tinh thần để chống lại cái Lạnh kinh khủng. Nhưng khi ông hứa sẽ giúp tôi chiếc áo đó, tôi mãi bám víu vào những lời hứa ấy, và chính điều đó đã hủy diệt mọi ý chí, sức mạnh tinh thần của tôi”.
- Vì quá tin vào lời Hứa, mà đôi khi ta mất đi khả năng sức mạnh tinh thần độc lập trong ta.
- Cố gắng luyện cho mình một Chí Khí tự tại, để không bị gục ngã trước Lời Hứa mong manh.
Trong đời sống, để có thể thực thi lời Hứa tốt đẹp, ta cần trải nghiệm qua ba bước sau đây: lắng nghe / phân định suy nghĩ / quyết đoán thực thi.
- Lắng nghe và hiểu biết Lời Đoan Hứa.
- Các tu sĩ Hội Dòng tìm hiểu luật Dòng và học hỏi kỹ càng ba lời khuyên Phúc Âm.
- Đôi bạn trẻ tìm hiểu đời sống hôn nhân gia đình và tham dự khóa học Dự Bị Hôn Nhân.
- Bên A và bên B đọc kỹ các chi tiết và tìm hiểu, nêu thắc mắc về bản Hợp Đồng hai bên.
2. Phân định và suy nghĩ Lời Giao Kết cho đúng và sâu xa.
- Các tu sĩ có thời gian thử nghiệm, tập luyện từ bỏ mọi sự làm của chung trước khi khấn.
- Chàng và nàng có thời gian trắc nghiệm lẫn nhau qua các giờ tiếp xúc, tiệc họp mặt, vui chơi ngoài trời… trước khi quyết định kết hôn về chung sống với nhau.
- Đôi bên sắp thỏa thuận ký kết dành thời gian tiếp cận, quan sát, kiểm chứng thử các nội dung có liên quan đến hợp đồng.
3. Quyết đoán đồng ý, thực thi Lời Giao Ước.
- Các khấn sinh đọc lời Thề Hứa, hay vị tiến chức công khai xác nhận điều mình cam kết, đoan hứa sẽ tuân giữ… trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội.
- Chú rể, cô dâu… nói lời thề Hôn Ước trước mặt vị chủ lễ, hai nhân chứng và cộng đoàn.
- Bên A và bên B cùng ký tên vào Bản Hợp Đồng như một dấu chỉ xác nhận đồng ý tuân theo mọi chi tiết trong tờ giao kèo của đôi bên.
D. Khuôn mẫu lý tưởng cho việc Hứa và Thực Thi lời Hứa.
- Thiên Chúa hứa với tổ phụ Abraham và ban cho ông một dòng dõi trường tồn vì ông luôn tin vào Thiên Chúa cách tuyệt đối.
- Đức Giêsu hứa với hai anh em Giacôbê và Gioan: vì họ đã can đảm uống được chén đắng của Chúa, nay họ xứng đáng được vinh phúc ngự trên ngai tòa cao sang sáng chói.
- Chúa mời gọi bốn môn đệ đầu tiên (Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê) đi theo Ngài và đã làm cho các ông trở thành những kẻ chài người vào mẻ lưới Nước Trời. Ngày nay, những môn đệ đó đã nên cột trụ kiên vững giúp Chúa xây dựng tòa nhà Giáo Hội Chúa hiện diện khắp nơi.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!! Lời Mẹ Fatima hứa khi xưa:
“Thế giới sẽ an bình nếu nhân loại biết ăn năn đền tội, cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ”.
Nay xin Chúa giúp chúng con là những tội nhân biết hồi tâm Lắng Nghe và Làm theo Lời Chúa dạy bảo, hầu được ân phúc cùng Chúa luôn mãi.
======================================================== AMEN.
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.