Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Dung
VINH QUANG CHÚA ĐƯỢC TỎA SÁNG (Mt 17:1-9)
=======================================
Adelinde Cornelissen, người Hòa Lan gốc Đức, là một vận động viên cưỡi ngựa nghệ thuật nổi tiếng. Cô có chú ngựa thân tín tên Parzival tài năng trổi vượt, đã biểu diễn xuất sắc trong nhiều cuộc thi, giúp cô đạt bao thắng lợi vẻ vang. Để chuẩn bị cho cuộc thi tài tại Thế Vận Hội ở thành phố Rio de Janerio 2016 (Brazil), cô Adelinde và chú ngựa Parzival đã khổ công tập luyện suốt 4 năm, mỗi ngày 7-8 tiếng mong đoạt huy chương vàng cao quý. Bất ngờ, trước ngày thi đấu, Adelinde phát giác chú ngựa của mình bị nhiễm bệnh lạ: một bên đầu bị sưng, mắt ngựa cũng bị sưng và toàn thân bị sốt.
Mang đến bệnh viện thú y, các bác sĩ chụp quang tuyến cho ngựa thì phát giác Parzival đã bị một con nhện độc cắn. Chất độc đã lan vào máu khiến Ngựa bị sưng và sốt. Adelinde suy đi nghĩ lại có nên tiếp tục thi đấu chăng? Cô gặp Ban Tổ Chức xin thay đổi lịch thi thêm 2 ngày và nhường cho cặp đấu khác thi trước, riêng cô và ngựa Parzival sẽ thi sau. Lời yêu cầu không được chấp thuận, bó buộc Adelinde phải dắt ngựa ra vận động trường thi đấu đúng lịch thi. Lòng đau như cắt, Adelinde vẫn giúp ngựa thắng điểm cao trong vòng đầu. Sau đó, ngựa có vẻ mệt mỏi, thở mỗi lúc một nặng nhọc hơn.
Vào vòng đấu thứ II, Adelinde nhìn dáng ngựa thểu não, cô dừng bước ngay lập tức. Cô bước xuống khỏi lưng ngựa xin lỗi Ban Tổ Chức và các cổ động viên đang cổ võ. Vừa khóc, cô vừa giải thích tại sao cô quyết định rút khỏi cuộc thi. Cô suy nghĩ kỹ rồi: nếu tiếp tục cuộc đua, Parzival sẽ chạy hết sức giúp cô đạt huy chương nhưng tính mạng nó sẽ nguy hiểm. Chú ngựa Parzival là người bạn tốt của cô, đã nhiều lần giúp cô đạt đỉnh cao danh vọng. Thế nhưng không vì danh lợi cá nhân đó mà cô nhẫn tâm hy sinh một người bạn quý giá. Thà mất huy chương vàng còn hơn mất anh bạn đáng trân trọng.
Cả vận động trường vỗ tay, ca ngợi quyết định rất anh hùng của cô Adelinde Cornelissen. Nhiều người nói: “Cô ấy tuy rút ra khỏi cuộc đua nhưng đối với tôi, cô ấy đã giành được Huy Chương còn quý báu hơn tấm huy chương vàng. Đó là Huy Chương của lòng nhân ái, của tình bạn giữa người và một chú ngựa”. Quả thật, cô đã tỏa rạng vinh quang của tình yêu, của lòng thương xót gia súc mình quý mến.
Hôm nay, qua bài Tin Mừng lễ Chúa Hiển Dung, Đức Giêsu Kitô đã tỏ lộ vinh quang của một Thiên Chúa quyền năng trước mặt ba môn đệ thân tín của Ngài trên núi cao.
+ Vinh quang Chúa tỏa rạng hiển vinh: mặt Ngài chói lọi như mặt trởi, áo Ngài mặc trắng tinh như
ánh sáng. Những dấu chỉ vinh quang đó chỉ có được nơi Thiên Chúa, Đấng quyền uy trên vũ trụ.
+ Tấm huy chương vàng, tuy cao trọng trước mặt thiên hạ, đánh giá sự thành công của một cá nhân
đoạt giải. Nhưng tấm huy chương ấy chỉ là vinh quang nhất thời, sẽ từ từ mai một với thời gian.
Nữ vận động viên cưỡi ngựa, Adelinde Cornelissen đã khôn khéo tự chọn cho mình một huy chương của lòng Nhân Ái, được kết tinh từ lòng thương xót, ắt mãi tồn tại vĩnh cửu trong tâm trí muôn người.
Ta cùng suy niệm:
- Thiên Chúa tỏ hiện vinh quang trước mặt con người.
- Loài người được diễm phúc chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa.
- Khao khát được Chúa chia sẻ vinh quang của Chúa.
1. Thiên Chúa tỏ hiện vinh quang trước mặt con người.
Khi tạo dựng trời đất muôn vật trong toàn thể vũ trụ, Thiên Chúa ưu ái tạo dựng con người nên giống hình ảnh của Ngài, trong đó có Linh Hồn và Thân Xác. Linh hồn mang 3 đặc tính: thiêng liêng, giống Chúa, bất tử. Thân xác được tác tạo từ tro bụi, rồi sẽ có ngày tan nát tàn tạ, trở về bụi tro nguyên thủy.
=>Đúng là một ân ban đặc biệt mà không một thụ tạo nào khác được tận hưởng ngoài con người.
=>Chúa bày tỏ vinh quang của Chúa trên nhân loại mà Ngài đã tác tạo.
Tìm trong Kinh Thánh, ta thấy Thiên Chúa còn tỏ bày cho nhân loại nhiều vinh quang khác nữa.
- Trên núi Horeb, Chúa tỏ vinh quang của Ngài trước mặt ông Môsê: bụi cây cháy bừng nhưng không bị thiêu rụi, tiếng Chúa phán huyền nhiệm từ bụi cây (Xh 3:2-4). Trên núi Sinai khói bay nghi ngút, Chúa ngự trong lửa và trả lời ông Môsê trong tiếng sấm (Xh 19:18-19). Khi Môsê giáp mặt với Thiên Chúa, da mặt ông chiếu sáng vì ông đang nói chuyện với Chúa (Xh 34:29).
- Ẩn mình trong một cái hang trốn tránh sự truy nã của hoàng hậu I-de-ven, tiên tri Ê-li-a thấy rõ vinh quang Chúa tỏ hiện: gió to bão lớn xẻ núi non, đá tảng vỡ toang, động đất kinh hồn, lửa cháy bập bùng, gió thổi hiu hiu… tiếng Chúa phán ra (I V 19:11-14). Sau đó, Chúa tiếp tục tỏ vinh quang quyền năng khi cho một cỗ xe và những con ngựa đỏ như lửa rước Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc (II V 2:11).
- Trong cơn thị kiến ban đêm, Chúa tỏ vinh quang cho trẻ Daniel thấy Thiên Chúa sẽ sai Đấng được xức dầu, Con Người sẽ đến trong đám mây trời để đem triều đại vinh quang và công chính của Thiên Chúa đến trái đất (Đn 7:13-15). Trước đó Thiên Chúa đã tỏ quyền năng của Ngài khi sai thiên sứ xuống trong lò lửa ở cùng với ba người bạn của Daniel giúp họ thấy mát mẻ như làn gió nhẹ rì rào, lửa không hề đụng tới họ cũng chẳng gây phiền hà đau đớn nào cho họ (Đn 3:50).
- Nơi dòng sông Jordan, tiếng Chúa Cha phán từ trời tỏ vinh quang trên Chúa Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta lài lòng về Người” (Mt 3:17). Trong một sự kiện khác trên núi cao, Chúa Cha lại thể hiện vinh quang nữa trên Chúa Con khi tiếng Ngài phán từ đám mây: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”(Mt 17:5).
- Sống cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng tỏa vinh quang Chúa Cha khi cầu nguyện: chúc tụng danh thánh Cha vinh hiển (Mt 6:9), ngợi khen Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những ngươi bé mọn (Mt 11:25). Thậm chí, Chúa còn bày tỏ vinh quang khi hiển dung trước mặt ba môn đệ thân tín: Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi cao hôm nay (Mt 17:2).
- Trước mặt quan Philatô, Chúa Giêsu hứa hẹn một vương quốc Nước Trời không ở thế gian này:
+ Vương quốc ấy không giống các đế quốc mà nhiều thủ lãnh thế gian đã dầy công xây dựng. Nó chỉ nhất thời, mau qua. Mọi vinh quang của nó (của cải, thế lực, uy quyền, danh vọng, đất đai, quân đội, cung phi mỹ nữ…) nơi thế trần đều sẽ có ngày tàn lụi.
+ Vương quốc nước Trời thể hiện vinh quang của Thiên Chúa là vương quốc bất diệt, tồn tại vĩnh cửu. Vương quốc ấy dành cho những ai tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý (Ga 4:24) sống tôn trọng công bình và sự thật (Ga 18:37), thực thi bác ái trọn hảo (Mt 25:34-35).
2. Loài người được diễm phúc chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa.
Nơi cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha khi hoàn tất công trình mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. Và Chúa Giêsu cũng không quên xin Chúa Cha tôn vinh và ban cho Chúa Con vinh quang mà Chúa Con vẫn được hưởng bên Chúa Cha trước khi có thế gian (Ga 17:4-5).
Bên cạnh việc Chúa Cha và Chúa Con đã tôn vinh lẫn nhau, Thiên Chúa còn ban tặng cho nhiều người được diễm phúc chiêm ngắm vinh quang của Ngài nữa.
1. Trong một giấc mộng, tổ phụ Giacóp chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó các sứ thần Thiên Chúa lên lên xuống xuống. Giacóp nghe lời Chúa chúc phúc cho “vinh quang dòng dõi ông sẽ được lan tràn khắp mặt đất” (St 28:12-15).
- Đi theo Chúa làm tông đồ của Ngài, ba môn đệ thân tín (Phêrô, Giacôbê, Gioan) được Chúa cho chia sẻ vinh quang với Chúa: trên núi cao, nơi giường bệnh con gái ông Gia-ia, ở vườn Cây Dầu.
- Đi truyền giảng Tin Mừng, thánh Phêrô đang lúc cầu nguyện trên sân thượng, đã xuất thần và chiêm ngắm một thị kiến: có túi vật từ trời sà xuống thả xuống đất. Mở túi ra có đủ các giống vật bốn chân, chim trời, rắn rết. Có tiếng phán truyền ông hãy đón nhận chúng, Phêrô sợ hãi từ chối vì chúng nhơ nhớp không thanh sạch (Cv 10:9-16). Thị kiến đó xảy ra đến 3 lần mới hết.
- Thánh phó tế Stephano trước khi bị ném đá chết, đầy ơn Thần Khí đã đăm đăm nhìn trời, tức thì ngài thấy vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện, Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa (Cv 7:55).
- Thánh Phaolo được Chúa nhắc lên tới tầng trời thứ ba, tận thiên đàng: ngài được nghe những lời khôn tả của Thiên Chúa mà loài người không được phép nói lại (II Cr 12:2-4).
- Năm 1224, khi đang ẩn mình cầu nguyện tại núi Laverna, thánh Phanxico d’Assisi được ân phúc Chúa cho in Năm Dấu Thánh Chúa trên chân tay và cạnh sườn của thánh nhân.
- Ngày 20/9/1918, đang lúc ngồi tòa giải tội cho các hối nhân, Cha Pio, linh mục dòng Phanxico, thấy những vết hằn trên cơ thể đau đớn và chảy máu ở các vị trí tương tự vết thương chịu khổ hình của Chúa Giêsu.
Thật hạnh phúc khi được chiêm ngắm chút vinh quang của Chúa. Trong thấp thoáng vinh quang ấy, có lẽ nào, “Chúa gửi thập giá cho người Chúa yêu mến” chăng? (Thánh Teresa Avila).
3. Khao khát được Chúa chia sẻ vinh quang của Chúa.
Có một lần theo Chúa đi truyền giảng Tin Mừng nước Trời, hai tông đồ Giacôbê và Gioan đã đến gần Chúa xin Chúa trọng thưởng họ đặc ân: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu Thầy và một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Chúa hỏi: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:35-38).
=>Muốn được Chúa san sẻ vinh quang, phải can đảm chịu đựng khổ đau với Chúa.
Lần khác, khi được hội kiến Đức Mẹ Fatima từ trời xuống, hai thánh trẻ Phanchico và Giacinta, cũng hỏi Đức Mẹ rằng: “Chúng con có được lên Trời sau này không?”. Đức Mẹ trả lời: “Các con sẽ được nếu chịu khó siêng năng lần hạt Mân Côi, cải thiện đời sống, làm việc đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ”.
=>Muốn được phúc cùng Chúa trên quê Trời, phải chuyên chăm sống đời đạo đức tốt lành.
Mong ước được tận hưởng vinh quang với Chúa, được nếm thử hương vị ngọt ngào của Nước Chúa là khát vọng khôn nguôi nơi đời sống người kitô hữu. Để được diễm phúc ấy:
1. Ta phải được vào Cõi Trời hưởng hạnh phúc muôn đời. Trong vinh quang huy hoàng của Cõi
Phúc, ta trực diện Nhan Thánh Chúa được tỏ hiện thường xuyên trong mọi lúc.
- Phương thế giúp ta được ở trong Cõi Phúc đời đời:
+ Sống kính Chúa, yêu người; thực thi giới luật Yêu Thương hoàn hảo.
+ Tuân giữ luật Chúa và luật Giáo Hội dạy.
+ Lắng nghe và thực hành Phúc Âm mỗi ngày.
+ Lãnh nhận Ơn Thánh Chúa đều hòa, đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải.
Như thế, mỗi kitô hữu phải có đời sống đạo tốt lành, thánh thiện mới mong được vào Cõi Phúc.
- Thật ra, giữa cuộc sống thế trần, Chúa vẫn không ngừng hiển dung, chiếu tỏa vinh quang Ngài trên mọi kitô hữu:
+ Khi ta hướng tâm nhớ đến Chúa và nghĩ đến Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Nhận thức rằng: Chúa hằng ở bên ta đêm ngày, Chúa đang ở giữa ta qua tha nhân mà ta gặp gỡ, tiếp xúc.
+ Khi ta đi “lên núi cao” với Chúa: hồi tâm xét mình, cầu nguyện cá nhân, viếng Thánh Thể…
+ Khi ta thực hành sống đạo trong Giáo Hội: dâng Lễ, đọc kinh Thần Vụ, tham dự các nghi thức Phụng Tự, nhận ân sủng Chúa đều hòa nơi các Bí Tích..
+ Khi nhạy bén nhận ra Thánh Ý Chúa tỏ lộ: trong sinh hoạt hàng ngày, qua biến cố riêng tư…
+ Bình thường, Thiên Chúa soi lòng mở trí, chiếu tỏa vinh quang Ngài, khi:
-Tâm trí ta hướng thượng, mở lòng ra để Thần Khí Chúa tác động, chỉ dẫn..
-Chia sẻ Lời Chúa, giảng dạy giáo lý, chuyên chăm đào sâu Kinh Thánh, giáo huấn Giáo Hội.
-Làm việc tông đồ bác ái, quyết tâm thi hành việc Thiện, việc Lành Thánh, hành động theo sự sáng (chống trả dục vọng, xa lìa cám dỗ tội lỗi, xua tan mọi ảnh hưởng nền văn hóa sự chết).
- Chớ khinh thị, thờ ơ, coi thường mọi Vinh Quang Chúa hằng tỏ hiện quanh ta.
+ Khi tâm trí ta khô khan với lời Chúa, cứ đam mê tìm khoái lạc, tiền tài của cải vật chất…
+ Khi đời sống Đạo của ta dửng dưng trước mầu nhiệm Thánh Thể Chúa: không kinh nguyện lễ lạy hàng tuần, không kín múc Ơn Thánh hàng tháng, không xưng tội đều hòa hàng năm.
+ Khi ta thiếu xét mình mỗi tối, dọn dẹp xác hồn nên thanh khiết, bỏ lỡ nhiều cơ hội Vinh Quang Chúa đêm ngày tỏa sáng thường xuyên nơi các Bí Tích.
4. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !!!
Trên núi cao, Chúa đã tỏ vinh quang Thiên Chúa quyền năng trước mặt ba môn đệ thân tín.
Quả thật, “vinh quang Chúa chói ngời, vinh quang Chúa cao vời, con tin kính tôn thờ trọn đời”.
Xin Ơn Chúa giúp con giữ mãi cõi lòng trong sạch, xác thân thanh bạch, sống đời lành thánh
hầu mong được diễm phúc chiêm ngắm vinh quang Chúa hôm nay và mãi mãi. AMEN.
=========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.