Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay
CHAY TỊNH TINH THẦN, THỂ LÝ (Mt 4:1-11)
=====================================
– Thánh Antôn Viện Phụ sinh năm 251 tại Ai Cập trong một gia đình giàu có, tốt lành. Từ thuở nhỏ, ngài đã được cha mẹ giáo dục sống đời đức hạnh. Khi Antôn được 18 tuổi, cha mẹ cậu qua đời bất ngờ, để lại cho Antôn và em gái một gia sản kếch xù. Đi dự lễ ở nhà thờ, tai cậu nghe lời sách Thánh “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải mà phân phát cho người nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19:21).
– Nghĩ rằng Chúa đang nói lời ấy với mình, Antôn trở về bán hết của cải giúp dân nghèo, chỉ giữ lại một chút cho em gái. Sau khi gửi gấm cô em ở trong một nữ tu viện, cậu lui vào sa mạc sống đời ẩn dật. Ẩn thân trong một hang bỏ trống, ngày ngày Antôn lao động và cầu nguyện. Sống đời khổ chế ăn bánh với muối mỗi ngày, uống nước lã cầm hơi, cậu không ngừng hướng thượng kết hợp với Chúa liên lỷ. Ma quỷ tìm mọi cách quấy phá nhằm trục xuất Antôn ra khỏi “căn phòng” khắc khổ. Chúng càng cám dỗ, thánh nhân càng kháng cự mạnh mẽ: ra sức cầu nguyện nhiều hơn, hy sinh hãm mình gấp đôi. Giận dữ vì các mưu mô của mình bị thất bại, Satan công khai hành hạ Antôn. Ngài mỉm cười khinh bỉ nói: “Mày ôn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là thành trì kiên cố của tao”.
– Đúng vậy, nhờ kiên trì tin vững nơi Chúa, thánh nhân luôn thắng cuộc và ma quỷ phải lùi bước. Cảm thấy như Satan đang vắng bóng, Antôn đã cầu nguyện: “Lạy Chúa! Chúa ở đâu? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con?”. Chợt tiếng Chúa trả lời: “Cha luôn ở gần con, giúp con chiến đấu. Vì con đã chống trả lại ma quỉ, Cha sẽ bảo vệ quảng đời còn lại của con, sẽ làm cho tên con được rạng rỡ trên trời”. Vui mừng khôn tả, thánh nhân bổng la to: “Con sẵn sàng chiến đấu với Satan. Lạy Chúa! Không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được”.
– Sau đó, Antôn vẫn tiếp tục ăn chay, cầu nguyện, sống nhiệm nhặt khắc khổ trường kỳ. Ngài chăm chỉ đọc sách, quyết không bỏ rơi một lời Kinh Thánh nào. Thánh nhân thuộc làu sách Thánh đến nỗi sau này ngài có thể dùng trí nhớ thay cho sách vở. Những cư dân trong làng thỉnh thoảng đến thăm nơi cư sĩ Antôn ẩn dật. Thấy ngài sống như vậy, họ gọi Antôn là bạn của Chúa. Được Chúa thương cho biết ngày giờ ngài sắp ra đi về với Chúa, thánh nhân đã tự nhốt mình trong một căn phòng nghèo nàn. Ngài sốt sắng cầu nguyện, phó linh hồn trong tay Chúa, khi tuổi đời vừa được 105.
– Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào nơi hoang địa, sống chay tịnh & cầu nguyện.
• Chúa đối diện muôn vàn thử thách và cám dỗ của Ma Quỷ. Tuy thấy đói cồn cào ruột gan nhưng Chúa vẫn thắng vượt sự thách thức của Satan, Ngài một lòng kiên vững cậy tin nơi Chúa Cha.
• Thánh Antôn Viện phụ cũng liên tục gặp nhiều khó khăn hành hạ của ma quỷ khi ngài chay tịnh và cầu nguyện trong nơi hoang vắng. Thánh nhân đã chiến đấu anh dũng và vượt qua mọi âm mưu ám hại của Satan, nhờ bám chặt vào Thiên Chúa chí nhân.
– Trong chay tịnh, Satan luôn cám dỗ sự yếu đuối của con người. Trong cầu nguyện, con người dễ bị lo ra bởi những hình ảnh ma quỷ khêu gợi nơi tâm trí, khiến họ mất phương hướng tập trung vào Thiên Chúa.
Ta cùng suy niệm:
1. Những hình ảnh Chay Tịnh trong Kinh Thánh.
2. Ý nghĩa thực chất của Chay Tịnh.
3. Sống chay tịnh Tinh Thần lẫn Thể Lý.
A. Những hình ảnh Chay Tịnh trong Kinh Thánh.
– Bình thường, Chay Tịnh là tự mình khổ chế điều tốt đẹp để quyết định làm một điều khác tốt đẹp hơn. Qua đó, Chay Tịnh có thể là kiêng ăn, giảm bớt những tiện nghi tự nhiên để điều hòa thân xác tốt lành, ngăn ngừa những bệnh tật về tiêu hóa phát sinh. Hoặc Chay Tịnh có thể là kiêng uống những nước giải khát độc hại (bia, rượu…), là mầm mống gây ra nhiều hậu quả xấu xa về sức khỏe, tai nạn giao thông…
Trong Kinh Thánh, nhiều người đã Chay Tịnh cả thể lý lẫn tâm linh với những lý do khác nhau nặng tính cách tôn giáo. Họ diễn đạt cõi lòng thành thật với Thiên Chúa và mong Ngài thương xót.
1. Trước khi rời khỏi Ai Cập đi vế Đất Chúa hứa, dân Israel suốt bảy ngày ăn Bánh không men như một hình thức tiết chế (Xh 12:19-20) tuân theo luật Chúa truyền, để thuộc về dân Chúa chọn.
2. Nghe lời tiên tri Giona công bố, dân thành Ninivê tội lỗi đã chay tịnh sám hối, mặc áo vải thô, ngồi trên tro bụi, miệng khẩn nài Thiên Chúa xót thương, tha thứ mọi lỗi lầm của họ (Gn 2:5-8).
3. Thành tâm sám hối sau khi nghe lời tiên tri Nathan quở trách, vua Đavít đã chay tịnh nhiệm nhặt, nằm ngủ dưới đất, không chịu ăn uống gì cả, phủ phục trước Nhà Đức Chúa mong Ngài xót thương che chở (II Sm 12:16-23).
4. Trước thảm họa dân Do Thái bị đe dọa diệt chủng nơi đất khách quê người, nữ hoàng Esther đã mặc áo tang chế, rắc bụi tro trên đầu, hãm mình phạt xác nhiệm nhặt, tóc xõa rối bời; cầu nguyện than khóc cùng Chúa: xin Ngài trợ lực, cứu thoát dân tộc mà Ngài đã tuyển chọn (Et 4:17).
5. Trong đêm tân hôn thay vì ăn ở với nhau, Tobia và Sara đã chay tịnh cầu nguyện xin Chúa ban phúc và chúc lành cho tình yêu hôn nhân của họ được vui sống bên nhau đến tuổi già (Tb 8:5-8).
6. Trước khi rao giảng và giới thiệu cho muôn dân nhận biết về Đấng Cứu Thế, Gioan Tiền Hô đã sống đời khổ chế chay tịnh trong hoang địa: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu
chấu và mật ong rừng (Mt 3:4).
7. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, nhóm Mười Một tông đồ đã tập trung sinh hoạt tại một nơi. Họ tịnh tâm cầu nguyện (Cv 1:14) trong tĩnh lặng, chờ đợi Thần Khí Chúa sắp ngự xuống trên họ.
8. Bị ngã ngựa ở Damas, Saolo được nghe Chúa nói và giải thích cho ông biết Ngài là ai? Suốt ba năm sau đó, ông sang xứ Ả Rập rồi Damas, sống đời chay tịnh chiêm niệm, học biết Tin Mừng
Cứu Độ của Đức Giêsu Kitô (Gl 1:16-18).
Hình ảnh rõ nét hơn cả của việc Chay Tịnh, chính là việc Thiên Chúa ra lệnh cho ông bà Adam Eva cần kiêng cữ: đừng ăn trái cây biết lành biết dữ, biết điều thiện và điều ác (St 2:16-17). Việc Chúa cấm đoán Nguyên Tổ làm điều đó không phải vì trái cây ấy độc hại hay nguy hiểm, bởi lẽ “mọi vật Chúa làm ra, Ngài đều thấy tốt đẹp”. Thực tế, Chúa muốn hai ông bà Chay Tịnh để phục tùng Thiên Chúa nhưng họ lại bất tuân và hành động theo ý riêng, nên đánh mất ân nghĩa hạnh phúc đời đời cùng Thiên Chúa.
B. Ý nghĩa đích thật của việc Chay Tịnh.
Chay Tịnh là kiêng ăn, giảm uống, là một hành động thiết thực cơ bản, giúp đời sống con người mỗi ngày được lành mạnh, giúp sinh hoạt tâm linh cá nhân thêm thăng hoa đường tu đức.
1. Trong sinh hoạt hàng ngày của con người.
• Ăn Chay là kiêng khem một bữa ăn, hay giảm thiểu một thức ăn nào đó trong bữa ăn.
• Ăn Chay là làm chủ thân xác mình, để điều tiết việc ăn uống đúng lúc và đúng cách.
• Con người ưa kiêng cữ ăn uống này nọ, nhằm kiến tạo cuộc sống tương lai lâu dài.
+ Đi thử máu: bệnh nhân kiêng ăn uống 12 tiếng trước khi xét nghiệm kiểm tra sức khỏe.
+ Hút thuốc lá nguy hại cho tuổi thọ: chàng thanh niên quyết cai nghiện, dứt bỏ từ từ.
+ Thân xác béo mập, dư mỡ, người mệt mỏi: ông cụ tập dưỡng sinh, đi bộ, luyện dẻo dai.
+ Ăn cơm nhiều, tiểu đường cao: thay đổi dinh dưỡng bằng ăn rau, trái cây, gạo lức…
+ Uống rượu bia quá độ gây bệnh về gan, phổi: anh bợm nhậu dứt khoát xa tránh 100%.
2. Trong sinh hoạt tôn giáo, đời sống tâm linh của kitô hữu.
• Ăn Chay ngày xưa, kitô hữu quen: mặc áo nhặm, đánh tội, nằm trên đất, ngồi trên tro bụi, đeo xiềng xích tự trói buộc mình, nhịn ăn nhịn uống, than khóc sám hối tội mình…
• Ăn Chay hiện nay là sống thân mật tiếp xúc với Chúa thường xuyên, hồi tâm xét mình
liên lỷ, giữ cho Tâm Trí được lắng dịu, quên đi mọi lời xét đoán, phê bình, chỉ trích… tha nhân bên ngoài; uốn nắn đời sống bản thân nên giống Chúa và các Thánh.
• Thực tế xưa nay, nhiều người luôn Chay Tịnh để:
+ Đền bù sám hối tội mình đã phạm, như: Thánh vương Đavít, dân thành Ninivê…
+ Trui luyện thân xác linh hồn nên thiêng thánh, như: Tobia và Sara, Gioan Tiền Hô…
+ Dâng hy sinh làm của lễ khẩn nài Chúa thứ tha, xót thương, như: Esther, dân Israel…
+ Hiệp thông tâm tình đạo đức, hướng nguyện lên Chúa: như 11 tông đồ, thánh Phaolo…
+ Dứt khoát từ bỏ tội lỗi quá khứ, luyện nhân đức, như: Giêrônimô, Charles de Foucauld.
3. Phương thế lý tưởng của việc Chay Tịnh (Is 58:6-7.9). Lời ngôn sứ Isaia vạch ra cho ta thấy rõ các hình thức Chay Tịnh đẹp lòng Chúa, là: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả
tự do cho người bị áp bức, chia cơm cho người đói, xẻ áo cho người mình trần, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, loại bỏ mọi cử chỉ đe dọa, mọi lời nói ám hại tha nhân…
C. Sống chay tịnh Tinh Thần lẫn Thể Lý.
+ Có chàng thanh niên nọ rất đạo đức, siêng năng sinh hoạt trong nhiều hội đoàn GX nhưng không thấy ăn chay bao giờ. Cứ mỗi mùa Chay về, đặc biệt Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, anh giữ luật kiêng Thịt đầy đủ nhưng giữ Chay thì không. Nhiều người thắc mắc, anh biện luận với lời Kinh Thánh:
“Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2:13) để tự bào chữa việc mình làm.
+ Có một giáo dân khác, bước vào Mùa Chay, quyết tâm trong 40 ngày sẽ không: ăn Thịt, uống bia rượu và giảm bớt việc hút thuốc lá. Song le, anh lại lười biếng Xưng Tội, Rước Lễ trong mùa hồng ân đó. Anh cũng đưa ra lời tiên tri Gioel: “xé lòng chứ không xé áo”, nhằm giải thích việc anh sống đạo. “Không ăn thịt, không bia rượu, bớt hút thuốc” chỉ là “cái Áo”, là hình thức bên ngoài giúp ta hy sinh, hãm mình. Nhiều người kiêng thịt nhưng lại ăn tôm hùm, crawfish, sò, hến, yến sào, hải sản đắt tiền thứ thiệt. Như thế đâu có phải là “xé Áo”, chỉ thay Áo mà thôi. “Không buôn bán gian dối, không tranh chấp thù oán, không ghen tị chửi rũa”, đúng là “tấm lòng” thống hối chân thành. Nhưng trong thực tế, ta lại đi “chán cơm thèm phở, nuôi lòng tức tối, khó xưng tội rước lễ”, như thế vẫn chưa “xé Lòng” được.
Trong đời sống đạo cá nhân, ta có thể:
1. Chay Tịnh thể lý: + Kiêng cữ ăn hoang phí, điều độ thân xác giúp quân bình sức khỏe.
+ Tránh mê uống quá độ, dễ no say hư đốn, làm khổ mình và người khác.
+ Hãm dẹp đôi mắt xem website xấu, phim đồi trụy / hãm dẹp đôi tai không nghe lời xuyên tạc chia rẽ / hãm dẹp tay chân khỏi hành động tội lỗi, làm điều bất chính / hãm dẹp miệng lưỡi tránh ăn tục nói phét, nghiện ngập tứ đổ tường, chớ buông lời phê phán chỉ trích, vu oan cáo vạ lung tung…
2. Chay Tịnh tinh thần:
+ Cương quyết không để mình bị lôi cuốn vào những giáo phái lệch lạc, phản tín lý Công Giáo.
+ Gặp gỡ Chúa tích cực hơn, không ươn lười bê trễ việc Đạo, xa lìa nền “văn hóa sự chết”.
+ Xua tan mọi tư tưởng bất chính: nghi kỵ, hằn thù, định kiến sai lệch, tư duy xấu xa…
+ Xa tránh những cám dỗ về Luân Lý, Tín Lý… dễ làm ta xa Chúa, mất đức tin tông truyền.
3. Bên cạnh đó, ta còn có thể sống tinh thần Chay Tịnh theo lời ngôn sứ Iasaia mời gọi:
+ Nhận ra hình ảnh Chúa ở trong tha nhân, giúp thực thi đức Ái trọn hảo.
+ Mở rộng vòng tay giúp đỡ anh chị em chung quanh đang gặp hoạn nạn.
+ Thăm viếng những bệnh nhân đau yếu, những người già neo đơn không ai chăm sóc.
+ Tiết độ, hãm mình những đam mê khoái cảm vô độ, hoang phí, phi luân…
+ Điều khiển miệng lưỡi khéo léo, không nói lời xúc phạm, tránh buông lời tục tĩu, thô lỗ…
+ Không làm chứng gian, không đồng lõa các hành vi bất chính, gây thiệt hại danh dự kẻ khác…
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !
Người Trung Hoa có câu: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”. Mỗi ngày một đổi mới nên tốt. Sống mùa Chay Thánh, Chúa mời gọi con mỗi ngày hãy năng sám hối và tin vào Phúc Âm. Xin giúp con sống tinh thần khắc khổ trọn vẹn của mùa Chay để đền tội và thanh luyện xác hồn, thánh hóa đời sống đạo của mình mỗi lúc một gắn bó, gần gũi với Chúa chặt chẽ hơn. AMEN.
==========================================================================
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.