THÁNH GIUSE: NGƯỜI TÔI TRUNG THẦM LẶNG CỦA CHÚA. ===================================================
Trong suốt 21 thế kỷ của nhân loại, Giáo Hội Công Giáo đã tuyên phong hàng ngàn vị thánh giúp các kitô hữu học hỏi và sống theo gương các ngài. Trong hàng ngũ các thánh đó: có vị được tôn vinh là Thánh Tổ như thánh Phêrô bổn mạng các dân ngư phủ, quen gọi là Thánh Tổ làng chài. Cũng có vị được gọi là Thánh Phụ như thánh Đaminh mà các tu sĩ dòng giảng thuyết luôn gọi là Cha Thánh. Riêng thánh Giuse vốn xưa nay được khắp nơi thiên hạ thường gọi là Thánh Cả, vị thánh ưa làm được những việc cao cả (“Hãy đến với Giuse”) hay là vị thánh chiếm vị trí Anh Cả trong hàng ngũ các thánh ở trên trời?
Suy cho cùng, ta thấy thánh Giuse chiếm vị trí “cao cả” thật, bởi lẽ thánh nhân được nhiều thành phần dân Chúa quý mến chọn ngài làm bổn mạng, làm quan thầy cho linh hồn mình. Chẳng hạn, Thánh Giuse là bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ và của cả Giáo Hội Việt Nam. Riêng trong Tu Đoàn Nhà Chúa, thánh Giuse là bổn mạng Cha Cố sáng lập Tu Đoàn, bổn mạng Cha Cựu và Cha Tân Bề Trên của Nhà Chúa hải ngoại, là bổn mạng đa số các anh em linh mục, tu sĩ trong Tu Đoàn. Nếu làm một bản thống kê, thì Thánh Giuse còn đứng đầu danh sách bổn mạng cho đa số cho các ông, các anh người VN nữa.
Tuy là một vị thánh nổi bật được Thiên Chúa quý trọng, được nhiều người vị nể kính mến nhưng trong thực tế, thánh Giuse vẫn là một tôi tớ thầm lặng trung thành của Chúa. Đúng vậy, khi đọc kỹ từng trang nơi bốn Phúc Âm, ta không thấy các thánh sử thuật lại một lời nào của thánh Giuse phát biểu. Ngài hoàn toàn im lặng khi gặp lại Chúa trong đền thờ tưởng rằng Chúa đã lạc mất. Ngài chăm chú làm việc suốt ngày không kêu ca phàn nàn nơi xưởng thợ Nazareth. Ngài qua đời êm ái không nói một lời nào trối trăn trong vòng tay yêu thương của Chúa và Mẹ Maria. Quả thật, một con người cao cả có “thần thế” trước mặt Chúa nhưng lại sống trầm lặng triền miên.
Nói đến hai chữ Thinh Lặng, ta có thể phân biệt hai loại: thinh lặng tiêu cực và thinh lặng tích cực. Bình thường, người thinh lặng tiêu cực dễ lầm lì bực bội, khó chịu ngấm ngầm, ưa để bụng lâu dài. Họ thờ ơ, lơ là công việc, bày tỏ thái độ bất hợp tác, bất đồng quan điểm, lại cứ hay suy nghĩ khác, xuyên tạc mọi lập trường của tha nhân. Trái lại, người thinh lặng tích cực thì dễ đón nhận mọi ý kiến, suy nghĩ và thực thi, ít hoài nghi thiện chí người khác. Họ âm thầm cộng tác theo chỉ thị chung, cảm thông mọi trạng huống khó xử, cùng cố gắng làm cho chương trình đó đạt thiện hảo như ý.
Nhìn vào con người thánh Giuse, ta thấy ngài lặng lẽ khi nhận ra dấu hiệu khác thường nơi trinh nữ Maria nhưng kiềm chế bản thân không công khai tố cáo. Thánh nhân toan tính đoạn tuyệt Maria cách âm thầm song le sứ thần Chúa đã xuất hiện giải thích “bí mật” mà Giuse đang thắc mắc. Và sau đó, thánh nhân lại kín đáo đón Maria về nhà chung sống với mình (Mt 1:24). Và khi Chúa đã giáng sinh, Giuse còn vội vã rời bỏ Bêlem, lầm lũi trong đêm tối đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Trở lại Nazareth sau đó, thánh nhân sống đời lao động ẩn dật, đoạn từ biệt cõi trần không rõ thời gian. Ngài kết thúc đời mình quá thâm trầm giản dị, chẳng một lời một lẽ, không vang vọng tiếng nói trong Phúc Âm.
Thế giới hiện đại với đường hướng toàn cầu hóa, con người tiếp nhận các thông tin khắp nơi thật nhanh chóng, khiến cuộc sống nhân loại lúc nào cũng ồn ào hỗn độn với những tin tức sốt dẻo. Vì thế, có khá nhiều tâm hồn không thể chịu được sự yên tĩnh, họ chăm chú làm việc liên tục với bao tiếng ồn ào chung quanh. Họ luôn cảm nhận sự tất bật từ bên trong lẫn bên ngoài.Đi tìm một giây phút thư giãn cho thể xác hay một bầu khí thảnh thơi cho trí óc, thật là khó với những con người hướng ngoại ấy. Họ ít sắp xếp thời điểm họp mặt với gia đình mỗi ngày một khi lịch làm việc của họ mỗi lúc một chồng chất ngập đầu.
Vì vậy những khoảnh khắc an bình và tĩnh lặng đúng nghĩa, thật cần thiết và quí báu biết bao giữa một thế giới náo động liên tục. Tại trụ sở tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, người ta có dành riêng một phòng trống hoàn toàn, ngay bên cạnh phòng hội lớn họp Đại Hội Đồng. Các đại biểu ngoại giao của mỗi nước thành viên có thể tự do ra vào phòng đó, như để lắng đọng tâm hồn suy tư sâu đậm trước khi bước sang Phòng Họp Chính thảo luận những vấn đề căng thẳng của thế giới.
Nơi một số trung tâm hành hương Công Giáo, ban giám đốc thường xây dựng riêng khu nhà Tĩnh Tâm, có ao hồ tĩnh lặng, có cây cối thiên nhiên tươi mát, vườn tược xinh đẹp chung quanh, giúp gợi hứng du khách phương xa đôi khi đến tĩnh huấn, ru lại cõi lòng mênh mang.
Người Việt chúng ta thường nói: “Im lặng là Vàng”. Trong các nhà dòng thỉnh thoảng ta thấy khẩu hiệu: “Thinh Lặng là sinh lực đời nội tâm”. Nơi sách Kinh Thánh cũng tường thuật: Thiên Chúa không nói với con người nơi phố chợ ồn ào huyên náo nhưng nói trong thinh lặng, nơi yên tĩnh (I V 19:9.11-12). Bởi đó, sự thinh lặng thật cần thiết, giúp con người tìm được bình an và khai thông dần dần những bế tắc đang dang dở, ngỡ ngàng trong tâm trí.
Với Thánh Giuse, ngài thinh lặng để yêu thương và phục vụ. Ngạn ngữ Đức có câu: “Trong tình yêu, im lặng có giá trị hơn lời nói”. Cần nói ít làm nhiều. “Nói ít” không có nghĩa là cứ lầm lì câm như hến, không mở miệng phát ngôn. Càng không phải là cứ im thin thít, cắm đầu dựa cột mà nghe. Song le, “nói ít” là nói khi cần thiết, không huyên thuyên ba hoa chích chòe; chỉ phát biểu điều quan trọng phải nói để xác quyết, minh oan hay phân biện rõ ràng.
Thánh Giuse thinh lặng để yêu thương. Nơi thánh gia Nazareth, ngài không cậy quyền gia trưởng để nói lời nặng nhọc với Con Trẻ Giêsu và hiền thê Maria. Thánh nhân luôn để tiếng nói của yêu thương ngập tràn hạnh phúc gia đình thánh, liên tục để cho lời Chân Lý thấm nhập từng ngày trong tổ ấm mà ngài có trách nhiệm nuôi nấng và dưỡng dục.
Thánh Giuse thinh lặng để phục vụ. Ngài ít nói trước việc sẽ làm nhưng thường làm theo lời mình nói. Thánh nhân chăm chú lắng nghe tiếng Chúa rồi âm thầm thực hiện. Ngài chu toàn nhiệm vụ điều hành Thánh Gia Nazareth cách tươm tất, luôn sẵn sàng “đứng mũi chịu sào”, không ngại “lặn lội đường xa để tìm Con Trẻ”, không sợ “cực nhọc khi trốn chạy kẻ gian ác đang truy lùng và tìm giết Hài Nhi”.
Bên cạnh tình mến yêu thương và phục vụ Thánh Gia, thánh Giuse còn thinh lặng để cầu nguyện. Sách Châm Ngôn có viết: “Giữ mồm giữ miệng là bảo toàn mạng sống, khua môi múa mép ắt sẽ phải thiệt thân” (Cn 13:3). Giữa giấc mộng ban đêm, thánh Giuse nghe được tiếng Chúa nói trong nơi tĩnh mịch, qua đó nhận biết thánh ý Chúa nhiệm mầu. Trong thinh lặng cầu nguyện, thánh nhân nghe được lệnh Chúa truyền đem Mẹ Người và Hài Nhi vượt biên sang xứ khác. Quả thật, ngài âm thầm lặng nghe Chúa nói, thao thức đợi chờ mọi ngôn từ Chúa phán bảo suốt cuộc đời làm bạn thanh sạch Đức Mẹ đồng trinh.
Tóm lại, Thánh Giuse là người tôi trung thầm lặng tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngài kiên nhẫn nhận ra thánh ý Chúa trong thinh lặng. Lời sách Thánh Vịnh: “Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông Ngài, chớ buồn lòng nổi giận kẻo phát sinh tội lỗi” (Tv 37:7-8). Trong lao tù biệt giam tăm tối, Đức Cha Frx. Nguyễn văn Thuận đã nhận thức được rằng “con chọn Chúa chứ không chọn công việc của Chúa”. Suốt cuộc sống âm thầm phục vụ Thánh Gia, thánh Giuse lặng lẽ nhận biết và thành tâm thực thi Ý Chúa nên ngài được bao thế hệ muôn đời ca tụng là Thánh Cả, nay xứng đáng hiển trị trên tòa cao chói lói.
Thánh Ý Chúa thật quá nhiệm mầu, chương trình Chúa lại rất cao siêu, trí óc con người làm sao hiểu thấu? Theo gương thánh cả Giuse, ta gắng kiên nhẫn tìm biết Ý Chúa trong thinh lặng cầu nguyện, trong cõi vắng đơn phương giữa nơi tĩnh mịch. Chắc chắn ánh sáng Thần Khí Chúa sẽ soi tỏ cho ta thấy và hiểu rằng “đường lối Chúa tốt đẹp dường bao”.
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.