Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật VIII Quanh Năm C
TIÊN TRÁCH KỶ, HẬU TRÁCH NHÂN (Lc 6:39-45)
=======================================
Một vị tu sĩ nọ có tính nóng giận kinh khủng. Thầy quyết định vào rừng sâu tu luyện để khỏi xúc phạm người khác và giảm bớt nóng nảy dần dần. Thầy dựng lều trong rừng với một bình nước mang theo. Trong lúc cầu nguyện, Thầy quơ tay bất cẩn làm đổ bình nước nên phải trở lại tu viện để lấy bình nước khác. Tuy nhiên khi trở về lều lần II, vô tình loáy hoáy sao đó, bình nước lại đổ lần nữa. Bất đắc dĩ, Thầy phải chịu khó về nhà dòng lần III để lấy nước mới. Lần này, tuy đã cẩn thận hết sức, Thầy lại vô ý vô tứ để bình nước bị đổ ra ngoài. Quá tam ba bận, cơn giận bốc lên vùn vụt, Thầy giơ tay đập vỡ chiếc bình tan tành, rồi ngồi bẹp xuống đất, thất vọng về bản thân mình.
Một lúc sau, khi cơn giận nguôi xuống, Thầy suy nghĩ về cái tính nóng nảy của mình: cái tính khí ấy, không do anh em tạo nên nhưng là do chính tự ái xấu xa của mình. Cho nên, dù đã vào rừng sâu, cái tính ấy vẫn bám chặt vào con người Thầy. Thế nên, Thầy mạnh dạn bỏ rừng trở lại tu viện, xin lỗi các Thầy khác và tự quyết sẽ sửa sai tính nóng của mình.
A. Con người nhân vô thập toàn.
Ông William Arthur Ward nói: “Phạm phải sai lầm là lỗi của con người. Vấp ngã là việc bình thường”. Có sai phạm, mới sửa lỗi. Có gục ngã mới cố gắng đứng dậy, để làm lại cuộc đời.
- Vua Đavít là bậc minh quân, trong phút yếu đuối, đã phạm tội ngoại tình và giết người. Nghe lời tiên tri Nathan, Vua thức tỉnh chỗi dậy ăn chay sám hối, đền bù tội lỗi (2 Sm 12:13.16).
- Phêrô lặng lẽ theo Chúa bị bắt, ông vào dinh thương tế. Bất chợt có người nhận ra Phêrô, ông sợ quá chối Thầy ba lần. Nhận ra tội lỗi mình, ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Lc 22:61-62).
- Bà Lót cùng gia đình được Chúa cứu thoát khỏi cơn lửa thiêu đốt thành Sôđôma. Nhưng vì bà tò mò ngoảnh lại nhìn lửa thiêu hủy thành, khiến bà bị biến thành tượng muối (St 19:26).
Biết mình sai lỗi và cố gắng sửa mình thì có phúc, nhưng cứ ngoan cố tiếp tục chai lì trong sự lầm lỗi, thật vô phúc chừng nào.
B. Cố gắng nhận biết mình và biết người.
Ông Tôn Tử nước Tàu nói: “tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng” (biết ta, biết người, trăm trận trăm thắng). Lời tự thú của thánh Augustino với Chúa, giúp ta học hỏi thêm: “Lạy Chúa! Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con: biết Chúa là Thiên Chúa độc nhất, là Chúa trời đất; biết con là tạo vật phàm hèn, mỏng giòn yếu đuối”, qua đó ta cần tin cậy vào Chúa hơn.
- Vào đền thờ cầu nguyện, anh thu thuế khiêm tốn tự nhận lỗi mình, được Chúa tha (Lc 18:13).
- Thấy Chúa ưu ái ghé vào nhà mình, Gia-kêu đã tữ thú sẵn sàng bố thí tài sản cho kẻ khó, đồng thời đền bù những thiệt hại mình đã gây ra cho tha nhân (Lc 19:8).
- Anh trộm lành bị treo trên thập tự, can đảm nhận biết tội mình đáng chịu hình phạt như thế. Anh biết rõ Chúa vô tội và mong Ngài cứu giúp anh trên nước Trời sau này (Lc 23:41-42).
Biết mình, biết người: sẽ làm cho ta thêm khôn ngoan xử thế, dễ hài hòa với tập thể mình tiếp xúc.
Biết mình, biết người: sẽ giúp ta không sai sót khi hành động, không vội vàng khi phải quyết định.
C. Tự xét chính mình trước khi phê phán anh em.
Vào một dịp lễ Lều, Chúa Giêsu đang đi lại trong đền thờ Giêrusalem, thình lình nhóm kinh sư và Pharisiêu dẫn đến trước mặt Chúa một chị phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Và cứ theo luật Môsê, mọi người sẽ lượm đá ném chị cho đến chết. Thấy tất cả đều sẵn sàng hành động, Chúa mới lên tiếng cảnh giác: “Ai trong các ngươi thấy mình sạch tội thì cứ lấy đá mà ném trước đi”(Ga 8:7).
- Chúa thấu rõ hết thảy mọi người hiện diện, đâu có ai trong họ sạch sẽ hoàn toàn.
- Mỗi người không chịu nhìn tội mình nhưng cứ thích nhìn lỗi người khác để mà kết án.
- Họ không thích đấm ngực mình nhưng cứ mong được đấm lưng người khác.
Từ đó, Chúa dạy ta: hãy biết mình là tội nhân cần ăn năn hoán cải, đừng tự ti mặc cảm.
Sống thánh giữa đời, ông Le Veugle đã từng nói: “Đối với Chúa, bạn cần có trái tim trẻ thơ. Đối với tha nhân, ta nên có trái tim người mẹ. Đối với chính mình, bạn phải có trái tim quan tòa”.
- Một thái độ nghiêm khắc với chính bản thân mình, luôn luôn là cần thiết.
C. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể!
Mỗi người chúng con, ai cũng có cái hay cái dở, có những ưu điểm và khuyết điểm.
Xin đừng để những cảm xúc bản thân lấn át mọi nhận định khách quan trong tâm trí con,
giúp con nhận ra cái hay cái tốt của tha nhân mà học hỏi, bắt chước hơn là ganh tị, xét đoán.
Có như thế, chúng con mới đoàn kết, xây dựng cộng đồng huynh đệ hợp thánh ý Chúa luôn. AMEN.
========================================================================LLm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.