Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật V Mùa Chay C
CÓ NÊN NÉM ĐÁ THA NHÂN CHĂNG ?
======================== Ga 8:1-11
Hình ảnh trong phim “Chúng Tôi Muốn Sống” do chính phủ VNCH trình chiếu sau 1954. Một gia đình chủ nông cần cù lao động, giúp ruộng cho dân nghèo địa phương cày cấy, làm thu tô. Nào ngờ các tá điền bị xách động và áp lực bởi nhóm cán bộ Cộng Sản địa phương, họ phản bội tố cáo vu oan giới địa chủ đã bóc lột, ức hiếp họ xưa kia, khiến hai ông bà mang án chết. Họ quá sợ hãi cấp lãnh đạo, mà miễn cưỡng ném đá oan ức Hai Ân Nhân đã giúp đỡ mình.
A. Hành vi Ném Đá xa xưa.
Ném Đá là tác động lấy từng viên đá to, nhỏ vừa tầm tay mà chọi, quăng mạnh vào một vật nào đó.
- Ngày xưa lứa tuổi ấu nhi, tôi thường nghịch ngợm trò chơi Ném Đá quen thuộc. Đứng trước một vũng nước trũng, ném lượn một viên đá xuống sao cho nó khuấy động nước thành vòng tròn trên mặt nước; càng nhiều vòng càng khoái chí.
Ném Đá còn có thể hiểu: là lời nói xúc phạm thanh danh kẻ khác, là hành động gây nguy hiểm tâm lý, lẫn danh dự tha nhân.
- Bạo chúa Nêrôn thời xưa, cho người lén lút phóng hoả thành La Mã năm 64, rồi ném đá giấu tay đổ thừa cho các Kitô Hữu sơ khai là thủ phạm, nên ra lệnh bắt bớ, tra tấn và xử tử họ.
Kinh Thánh đã nhiều lần đề cập việc Ném Đá của một số phần tử chống đối người công chính.
- Trong sa mạc nắng cháy khô họng khát cổ, dân đòi ném đá Môisê (Xh 17:4) khi họ không có nước để uống.
- Người Do Thái khó chịu khi nghe Chúa Giêsu tự xưng là Con Thiên Chúa. Họ cố tính lấy đá để ném vào Ngài (Ga 10:31).
- Giới lãnh đạo Giêrusalem lôi Phó tế Têphanô ra ngoài thành mà ném đá ông, vì Têphanô dám mạnh dạn rao giảng tuyên xưng Đức Giêsu Kitô (Cv 7:58) là Đấng Công Chính.
B. Con người hôm nay đôi khi vẫn lặng lẽ Ném Đá nhau.
Cuộc sống trong trại tù sĩ quan VNCH học tập cải tạo sau 1975 cũng thế. Nhiều trại viên xấu bụng, nhẫn tâm làm “antenne”, điềm chỉ viên báo cáo ngầm với Ban Quản Đốc trại giam về mọi động tĩnh khác thường của anh em, để lấy điểm với cấp trên. Hành vi ném đá giấu tay ấy gây căng thẳng bầu khí trại tù, giết chết tình “huynh đệ chi binh”.
C. Hãy tự Ném Đá vào mình hơn là Lên Án tha nhân.
Khổng Tử đã dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Tổ Tiên ta luôn nhắc nhở: “Chân mình thì lấm bê bê, Lại đi lấy guốc (đuốc) mà rê (soi) chân người”.
Khá nhiều lần trong ba năm rao giảng, Đức Giêsu Kitô đã cảnh giác:
- Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em (Mt 7:5).
- Đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Đừng lên án, để khỏi bị Ngài lên án. Hãy tha thứ để được thứ tha (Lc 7:37).
Bởi đó, qua lời Chúa Giêsu cảnh tỉnh các kinh sư và Pharisêu nơi Phúc Âm hôm nay, ta cố gắng:
- Biết nhìn mình hơn là soi xét, xói xiểm người. Dám đấm ngực ta hơn là đấm lưng anh em.
- Hãy khoan dung với tha nhân khi họ lỡ yếu đuối lỗi phạm sai trái.
- Tránh tối đa mọi chước cám dỗ, để không phạm tội thêm nữa.
Hãy nhớ rằng: Chúa Giêsu luôn ghê tởm tội lỗi, nhưng không bao giờ Ngài gớm ghét các tội nhân.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa!
Đứng trước một Thiên Chúa nhân từ và khoan dung, con tự thấy con rất yếu đuối và ích kỷ.
Khi con phạm tội, tự dưng xấu hổ / song anh em lỗi phạm, con lại lên án: “nó thật đáng chết”.
Khi con phạm tội, Chúa tha thứ vô vàn / nhưng anh em lỗi phạm, con thẳng tay kết tội không thương xót.
Phải chăng, bản thân con mang nặng một trái tim bằng đá, cứ trơ trơ giữa trời mưa gió ?
Lạy Chúa! Have mercy on me, a sinner! Xin thương xót con là kẻ có tội, Chúa ơi! AMEN.
=======================================================================
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.