Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật VII Quanh Năm C
YÊU THƯƠNG KẺ LÀM KHỔ MÌNH (Lc 6:27-38)
======================================
Ngày 15/8/1975, theo lời mời của Ủy Ban Quân Quản Thành Phố, hai Đức Cha Phaolo Nguyễn văn Bình và Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận của Tổng Giáo Phận Saigon đến cơ quan chính phủ tham dự một phiên họp của nhà nước. Chuyện bất ngờ xảy ra sau phiên họp, Đức Cha Thuận bị chính quyền cộng sản giam giữ không phiên tòa xét xử, cho đến ngày 21/11/1988, ngài mới được họ trả tự do.
Những tháng ngày đầu tiên ở lao tù, Đức Cha tâm sự: “Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù và bắt bớ tôi, không thể đội trời chung với tôi. Tôi luôn xem họ là anh em tôi”. Thế nhưng, những người lính canh tù thì luôn có thái độ ngược chiều, họ lạnh lùng đến nỗi phân biệt rõ ràng “bạn là bạn, thù là thù” không thể sống chung hòa bình được.
Tình thương xóa bỏ hận thù. Luôn luôn trong 13 năm bị giam giữ, Đức Cha Thuận bao giờ cũng xem cảnh tù ngục như một món quà Đức Ki-tô ban tặng cho mình. Thậm chí khi xuất bản cuốn “5 bánh và 2 cá” tại Italy năm 1997, Đức Cha thú nhận “Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng khi người ta phỏng vấn, thúc giục tôi kể những chuyện giật gân trong tù, để lên án, tố cáo, khích động đấu tranh trả thù. Đó không phải là mục đích của tôi. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng”.
A. Kẻ thù là ai?
Sống là sống cùng, sống với, sống chia sẻ nhau. Trong sự chung đụng ấy, điều bất hòa không sao tránh khỏi. Thay vì “dĩ hòa vi quí”, con người lại để bụng âm thầm tìm cách trả đũa, gây thiệt hại lẫn nhau. Thế nên:
+ Kẻ thù là người nào đó mà họ bực tức, căm ghét và muốn ám hại người ấy.
+ Kẻ thù là ai đó muốn tiêu diệt ta, phá hoại ta, thích gây sự hiềm khích, tạo khó khăn cho ta.
+ Kẻ thù là người muốn chống đối, ưa phá đám, chủ tâm làm hại tha nhân.
Tại thành phố Verona nước Ý, mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ Montague và Capulet, đã khiến cho tình yêu của đôi bạn trẻ Romeo và Juliette gặp thử thách. Cả hai chấp nhận chết bên nhau, để giữ lòng chung thủy với nhau, giúp hai dòng họ đoàn kết lại trong nỗi sầu muộn.
B. Hậu quả khi trả thù, báo thù đã xong.
Một người bị kẻ khác xúc phạm nặng nề, tâm trí anh ta luôn nghĩ đến trả thù, báo oán lại cho bõ ghét. Trong cơn giận dâng cao, anh hùng hổ nóng nảy, quyết tâm hủy diệt đối thủ cho được, mới thỏa lòng.
Có vài trạng thái lộ diện, sau khi đã báo thù:
- Hận thù vẫn còn mãi. “Lấy oán báo oán, oán gia tăng. Lấy ân báo oán, oán tiêu tan”(Đức Phật).
- Trí óc như hãi sợ, căng thẳng “Chưa giết được người, mặt đỏ như vang. Giết được người rồi, mặt vàng như nghệ” (Tục ngữ Việt Nam).
Nhạc sĩ Phạm Duy năm 1965 có sáng tác bài Tâm Ca số 7: “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?”. Trong đó, ông nhận ra kẻ thù của ta chính là những cái xấu trong lòng mình: gian ác, vô lương, hận thù, chia rẽ, vu khống, tham lam, tị hiềm, ghen ghét, kiêu ngạo, lơ láo…
- Và ông đã kết luận: “Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài. Nó nằm đây, nằm ngay ở mỗi ai”.
C. Sống khoan dung tha thứ, không hẹp hòi cố chấp.
Yêu thương và tha thứ cho nhau là giáo huấn Chúa dạy. Để có thể sống yêu thương & tha thứ, ta cần:
- Nhẫn nại khoan dung: “Một câu nhịn chín câu lành”, “Nước chảy đá mòn”.
- Hy sinh chịu đựng.
- Cam chịu thua thiệt, thiệt thòi.
“Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong”(Lc 6:29).
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể! Hai tiếng Yêu Thương thật dễ nói nhưng lại khó làm.
Để vươn tới tha nhân, con phải cởi bỏ chính mình, mới có thể đến gần anh em chung quanh.
Xin giúp con sống vị tha hơn là ích kỷ, sống quảng đại hơn là bảo thủ, để thực thi lời Chúa dạy con.
======================================================= AMEN.
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.