Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C
THĂM VIẾNG, QUAN TÂM, NÂNG ĐỠ (Lc 1:39-45)
==========================================
Tháng 11 năm 2006, ĐGH Bênêđictô XVI lên đường sang thăm Giáo Hội Thổ Nhĩ Kỳ, một xứ sở người Hồi Giáo chiếm đa số. Thế giới lo ngại những thành phần khuynh tả, cực đoan Hồi Giáo sẽ đe doạ an ninh, làm trở ngại chuyến công du của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, Vị Cha Chung vẫn tiến hành thăm viếng như đã định trước. Kết quả, một nhịp cầu thông cảm, đầy thân thiện, hiểu biết giữa Công Giáo & Hồi Giáo được củng cố và gia tăng hơn trước.
Bởi thế, biết thăm viếng, quan tâm đến nhau và cho nhau là dấu hiệu Tính Hiệp Thông thực sự.
Mỗi sự Thăm Viếng đều ẩn chứa một chữ Tình: tình họ hàng, tình thân quen, tình đồng hương…
Đức Maria đi thăm bà Elizabeth ruột thịt máu mủ, khi hội ngộ, vang lời ca tụng đậm tình mến thương.
A. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.
Suốt ba năm rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã nhiều lần đi thăm thân hữu gần xa.
- Chúa về làng Nazareth, quê xưa (Mt 13:53-58; Mc 6:1-6; Lc 4:16-30).
- Chúa đến thăm bà nhạc mẫu Phêrô (Mc 1:29-39), giúp bà khỏi bệnh cảm sốt.
- Chúa ưu ái ghé ngang Bêtania (Lc 10:38-42), thăm ba chị em Matta, Maria và Lazarô.
- Chúa thân tình ngồi ăn uống với Lêvi (Mt 9:9-13), chia sẻ niềm vui đổi đời của viên thu thuế.
- Chúa vào nhà ông Giakêu (Lc 19:1-10), được ông tiếp rước nồng nhiệt, cùng bày tỏ thiện cảm,
sẵn sàng sám hối ăn năn.
Ta thấy: Chúa hiện diện khắp nơi, tiếp xúc đủ mọi thành phần xã hội, không ngừng thăm viếng đó đây.
B. Giá trị việc Thăm Viếng nhau.
Cuộc đời con người quanh năm làm ăn vất vả, đầu tắt mặt tối, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Dành một chút thời gian thăm viếng, quan tâm đến nhau, thật là qúy hoá, vì:
- mỗi sự thăm viếng là một “cuộc gặp gỡ” hiếm hoi.
- mỗi cuộc gặp gỡ là một cơ hội “nối vòng tay lớn” rộng rãi.
- mỗi cơ hội nối vòng tay lớn là một dịp liên đới gần gũi, “toàn cầu hoá” dễ dàng.
Do đó, những thăm viếng, gặp gỡ, hội ngộ…thân tình, bao giờ cũng giá trị và đáng được trân trọng.
1. Thăm Viếng là cơ hội biểu lộ niềm vui và tình yêu thương.
Vùng ngoại ô thành phố Calcutta, có một cụ già sống âm thầm, cô độc trong nơi ẩm thấp. Mẹ Têrêsa nghe biết, đến thăm viếng. Cụ tự ti mặc cảm, chối từ. Dần dần, ông cới mở đón nhận sự giúp đỡ chân thành của qúy Soeurs. Tâm trí ông từ từ lạc quan, lớn lên một niềm vui khôn tả.
2. Thăm Viếng là phương thức thể hiện sự quan tâm và tính hiệp thông.
Một người trong giáo xứ đau nặng, được chuyển vào nhà thương cấp cứu. Cha xứ thông tin mời anh chị em giáo dân cầu nguyện, cùng thăm viếng an ủi bệnh nhân. Bất chợt người ấy qua đời, toàn xứ đến Nhà Quàn phúng viếng, cầu kinh, chia sẻ sự đồng cảm, xoa dịu, hiệp thông …
C. Lễ Giáng Sinh: thăm viếng, mang Chúa đến cho anh em chung quanh.
Con Thiên Chúa từ trời cao đến thăm viếng nhân loại lần đầu tiên, Ngài không quản ngại gian nan:
- Sinh ra trong cảnh khó nghèo, ngụ cư nơi hang bò lừa hôi hám.
- Tính mạng bị đe doạ, phải trốn chạy giữa đêm dài mùa đông Bêlem.
- Chịu mọi khổ hình thập giá, nhằm thực hiện Ơn Cứu Chuộc cho muôn người.
Mùa Giáng Sinh, các kitô hữu nên dành chút thời gian nghỉ Lễ, để thăm hỏi và tạo hình thức quan tâm đến nhau, cho dù tốn kém thời gian và hy sinh đủ thứ:
- Gọi phone, liên lạc chia sẻ thông tin nối kết, giúp nhau mừng Lễ tốt đẹp.
- Viết thiệp Giáng Sinh hoặc gửi Email, chúc nhau những Lời Yêu Thương thân ái.
- Tổ chức họp mặt, tiệc party mời họ hàng, bạn hữu hiện diện hợp hoan mừng Giáng Sinh: mỗi gia đình góp chung nhau thực đơn, tạo bầu khí liên đới ruột thịt máu mủ, xóm làng.
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu! Chúa sắp đến thăm chúng con trông dêm Giáng Sinh.
Xin giúp chúng con biết nuôi dưỡng tâm tình hiếu khách,
luôn mau mắn đón nhận cách trân trọng món quà Bình An của Chúa,
cùng san sẻ và cho đi Tinh Thần Hoà Hợp ấy đến mọi chốn mọi nơi. AMEN.
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.