Suy Niêm Phúc Âm Chúa Nhật X Quanh Năm B
AI LÀ ANH EM CỦA CHÚA? (Mc 3:20-35)
===========================
Vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ông Gioan Gualbert có người anh trai bị kẻ thù giết chết. Vội cầm khí giới đi tìm kiếm tên sát nhân để trả thù cho anh mình, bất ngờ Gioan Gaulbert gặp hắn ta ở trong rừng. Toan rút gươm hạ sát nó, thì người ấy vội quỳ xuống xin ông tha mạng “nhân danh Chúa Kitô đã chết cho toàn thể nhân loại hôm nay, mong ông tha thứ, đừng giết tôi”. Nghe lời ấy, Gioan Gaulbert bổng dừng tay, sau đó đi tu chết an bình trong tay Chúa (+ 1073).
Thế mới hiểu: sống tình thương yêu tha thứ, trở thành anh em nghĩa thiết với Chúa trên nước Trời.
Tin Mừng hôm nay, giữa lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy cho đám đông, thì có người đến mách bảo: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang ở ngoài kia tìm Thầy”. Chúa đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em, là mẹ tôi vậy”(Mc 3:31-35).
A. Hiểu thế nào là hai chữ Anh Em.
Sống trên đời, ta nghe nói nhiều về hai tiếng “anh em” luôn bao hàm một phạm vi rộng lớn.
- Anh Em ruột, là những người chung một huyết nhục, cùng giọt máu bởi cha mẹ sinh ra.
- Anh Em nuôi, được sinh ra bởi những dòng máu khác nhau, nhưng cùng một cha mẹ bảo lãnh và nuôi nấng, dạy dỗ nên người.
- Anh Em linh tông, là những người có liên hệ thiêng liêng, do cùng một Cha (Mẹ) đỡ đầu hay bảo trợ, nuôi dưỡng… theo một hình thức nào đó.
- Anh Em cùng một bọc bởi cha mẹ sinh ra, quen gọi chung là đồng bào (cùng một giống nòi).
- Anh Em cùng một niềm tin, có chung một người Cha trên trời, gọi nhau là kitô hữu.
+ Các tín hữu Công Giáo chung một người Cha tinh thần là Đức Giáo Hoàng đương kim.
+ Họ cũng có chung một người Cha trên nơi cao thẳm, vì cùng tin vào Đức Giêsu Kitô.
B. Tại sao các kitô hữu là anh em của Chúa?
Chính Đức Giêsu đã xác nhận: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15).
- Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã yêu thương, tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa.
- Giờ đây, Thiên Chúa lại nâng cao giá trị con người là bạn hữu, là anh em với Ngài.
C. Điều kiện là anh em của Chúa: thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Đâu là ý Thiên Chúa muốn? Đâu là điều Chúa dạy? Đâu là lệnh Chúa truyền con người phải thực thi?
Xin thưa: đó là thực hành giới luật Yêu Thương (Ga 15:12). “Kính Chúa, yêu người”.
- Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi cùng yêu người thân cận như chính mình (Mc 12:30-31): là giới răn trọng nhất, là điều luật đứng đầu trên hết.
- Ai yêu người thì đã là chu toàn lề luật rồi (Rm 13:8).
D. Phương thức giúp nhận biết nhau là anh em trong Chúa.
- Hiệp nhất trong Đức Tin và tôn trọng niềm tin của nhau.
+ sống hòa đồng tôn giáo: trân trọng tín ngưỡng tha nhân, xem nhau là “anh em một nhà”. + xây dựng Giáo Hội địa phương, liên đới sinh hoạt với nhau trong thân thiện, hòa nhã.
- Chia sẻ niềm tin cho nhau.
+ trợ lực, hợp tác hướng dẫn những anh em chưa nhận biết đức tin.
+ củng cố, san sẻ những hiểu biết đạo lý mình học hỏi với ki-tô hữu còn yếu lòng tin.
+ vun trồng, khích lệ nhau hội nhập vào các đoàn thể giáo xứ, giúp đức tin trưởng thành từ từ.
- Sống thể hiện: sự cảm thông, tha thứ, quãng đại hỗ trợ nhau.
+ không hận thù, ghen ghét / không gièm pha, nghi kỵ.
+ không giả hình gian dối / không khoe khoang, khoác lác.
+ không cục bộ, ích kỷ / không bảo thủ, độc đoán.
E. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể ! Thật hạnh phúc cho con, khi con được làm con dấu ái của Chúa.
Càng sung sướng cho con hơn, khi con nên bạn nghĩa thiết, là anh em nghĩa tử với Ngài.
Xin giúp con luôn nghe lời Chúa dạy, mỗi ngày biết thực thi điều Chúa mong muốn. AMEN.
========================================================================
Lm. Đaminh Trần văn Điều, SDD.